40% giá trị sản xuất ĐBSCL có thể được bảo vệ bằng bảo hiểm chỉ số
Theo báo cáo, lúa tại An Giang chịu rủi ro bởi BĐKH trong tháng 7 và tháng 8; còn lúa gạo tại Kiên Giang chịu rủi ro do BĐKH trong tháng 10, tháng 11. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. Chiều 28/5, tại Tổng lãnh sự quán Úc tại TP.HCM, ông Dominic Balasuriya, Cố vấn Kinh tế, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) cho biết, thế giới ngày càng quan tâm hơn, nghiên cứu kỹ hơn không chỉ vấn đề giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) mà còn tìm ra những giải pháp làm sao để thích ứng, ứng phó được với BĐKH. Chính phủ Úc cũng đã có một chính sách phát triển mới được phát hành và công bố vào năm ngoái, xác định BĐKH và bình đẳng giới là trọng tâm của mọi chiến lược trong thời gian tới. “Chúng tôi đang tìm kiếm những công nghệ mới như các giải pháp mang tính thương mại để có thể hỗ trợ nhà nông nhỏ, địa phương có thể chuyển dịch trong thế giới này, ứng phó với những tác động của BĐKH tiến đến phát thải ròng bằng 0, đây là yếu tố tất yếu”, ông Dominic Balasuriya nói và cho biết, ông dẫn đầu nhóm thực hiện một sáng kiến của Chính phủ Úc gọi là nền tảng về Đối tác kinh doanh BPP, để phát triển những sáng kiến về kinh doanh mang tính sáng tạo ở khu vực ĐBSCL. Theo Báo cáo nghiên cứu “Nông nghiệp chống chịu thời tiết ở Đồng bằng sông Cửu Long” cho thấy, ĐBSCL là khu vực sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Việt Nam. Tuy nhiên, đây là khu vực đang đối mặt với rủi ro khí hậu nghiêm trọng, bao gồm mưa thất thường, nhiệt độ cao, bão và hạn hán, xâm nhập mặn. Đối mặt với BĐKH, những người nông dân có sinh kế phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản là những người dễ bị tổn thương nhất. Báo cáo cho thấy, gần một nửa tổng giá trị sản xuất trong khu vực ĐBSCL có khả năng chống chịu tương đối tốt với những hiện tượng khí hậu khắc nghiệt bao gồm quá trình nuôi và sản xuất cá, sản xuất trong nhà và nhà kính, sản xuất trong mùa khô tại các vùng được tưới tiêu, không nằm ven biển. Tuy nhiên, những mô hình sản xuất nông nghiệp và thủy sản còn lại vẫn dễ bị ảnh hưởng bởi rủi ro về khí hậu. Trong số đó, trị giá sản xuất lên tới 6,8 tỷ USD phù hợp để áp dụng bảo hiểm chỉ số. Báo cáo này cũng phân tích bối cảnh nông nghiệp ở ĐBSCL, trong đó, nhấn mạnh lúa gạo, xoài, sầu riêng, và tôm là những mặt hàng phù hợp nhất với bảo hiểm chỉ số do tính nhạy cảm của các ngành hàng này trước các rủi ro khí hậu. Ngoài ra, còn có thanh long và cam. Theo báo cáo này, bảo hiểm chỉ số có thể là giải pháp quan trọng trong việc giảm thiểu rủi ro khí hậu, tạo mạng lưới bảo vệ cần thiết cho nông dân tại ĐBSCL khỏi các tác động của hiện tượng khí hậu cực đoan. Ông Dale Schilling, Giám đốc Công ty Công nghệ bảo hiểm Hillridge. Ảnh: Nguyễn Thủy. Ông Dale Schilling, Giám đốc Công ty Công nghệ bảo hiểm Hillridge cho biết, khoảng 40% tổng giá trị sản xuất của ĐBSCL có thể được bảo vệ bằng bảo hiểm chỉ số. Sản phẩm bảo hiểm chỉ số phù hợp để giảm thiểu các rủi ro khí hậu, thông qua kích hoạt hệ thống tự động chi trả, khi các chỉ số về lượng mưa hay nhiệt độ vượt ngưỡng, mà không phải mất thời gian đánh giá thiệt hại. Cách thức này cho phép nông dân và người nuôi trồng thủy sản được đền bù để phục hồi sản xuất ngay sau thiên tai. Đây là một phần của dự án hợp tác giữa Hillridge, MSIG Việt Nam và DFAT, thuộc khuôn khổ chương trình nền tảng Đối tác Kinh doanh (BPP), nhằm phát triển và thúc đẩy các giải pháp bảo hiểm phù hợp với nhu cầu cụ thể của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long. Một hợp phần quan trọng của dự án là thúc đẩy khả năng tiếp cận bảo hiểm của các nông hộ nhỏ do phụ nữ làm chủ và các nhóm đối tượng khác bị ảnh hưởng nặng nề bởi BĐKH nhưng thiếu nguồn lực để khắc phục hậu quả từ tác động của BĐKH.