8 trọng tâm phát triển ngành trồng trọt vùng ĐBSCL
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm trồng trọt 7 tháng đầu năm tăng 23,4% Ngày 20/8 tại Long A, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị sơ kết sản xuất trồng trọt năm 2024 và triển khai kế hoạch sản xuất trồng trọt năm 2025 tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL. Sản xuất trồng trọt đóng vai trò quan trọng tại vùng ĐBSCL, góp phần đảm bảo an ninh lương thực cũng như phát triển kinh tế – xã hội của vùng. Năm 2024, sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và ngành trồng trọt ĐBSCL nói riêng gặp cả những thuận lợi và thách thức. Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), nhiều năm qua, Bộ NN-PTNT đã chủ động phối hợp với các địa phương tập trung triển khai các giải pháp phát triển sản xuất trồng trọt, ứng phó với biến động thị trường, thời tiết, dịch hại. Bên cạnh đó còn tổ chức xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Nhờ vậy, ngành trồng trọt vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định. Năng suất, sản lượng các sản phẩm chủ lực tăng, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Năm 2024, sản xuất lúa ĐBSCL ước đạt 3,82 triệu ha, sản lượng 24,14 triệu tấn. Cây ăn trái cũng có những bước cải thiện về năng suất, chất lượng và hiệu quả, sản lượng cây ăn trái của vùng đạt trên 5,78 triệu tấn. 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản toàn ngành nông nghệp đạt 34,27 tỷ USD. Trong đó các sản phẩm trồng trọt đạt 18,21 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản toàn ngành nông nghiệp của cả nước đạt 34,27 tỷ USD. Trong đó, các sản phẩm trồng trọt đạt 18,21 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu đã đạt trên 1 tỷ USD như cà phê 3,54 tỷ USD, gạo 3,27 tỷ USD, hạt điều 2,37 tỷ USD, rau quả 3,83 tỷ USD. Thông tin về tình hình triển khai Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại ĐBSCL (Đề án), ông Lê Thanh Tùng cho biết, đến nay đã triển 7 mô hình (tổng cộng 333,5ha) trong vụ hè thu 2024 tại 5 tỉnh gồm TP Cần Thơ, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Kiên Giang. Tỉnh An Giang đã khởi động xuống giống diện tích tham gia Đề án 15ha đầu tiên tại huyện Phú Tân vào ngày 12/8/2024. Long An cũng đã xuống giống 1 mô hình 20ha tại huyện Tân Hưng và chuẩn bị kế hoạch xuống giống 7 mô hình trong vụ thu đông 2024 và đông xuân 2024 – 2025. Bạc Liêu mặc dù chưa khởi động thực hiện Đề án, tuy nhiên đã thực hiện 2 mô hình (diện tích 120,5ha) để hướng tới thực hiện Đề án. Trong đó, đã thực hiện vụ hè thu 1 mô hình (diện tích 0,5ha), ước năng suất đạt 6,16 tấn/ha và sản lượng 3,08 tấn, còn lại thực hiện trong vụ thu đông 1 mô hình (diện tích 120ha). Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cũng tham gia cung cấp vật tư – dịch vụ đầu vào cho sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân nằm trong đề án. Ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 310.000ha. Diện tích gieo trồng lúa 3 vụ/năm khoảng 500.000ha, sản lượng đạt 2,8 – 2,9 triệu tấn, riêng năm 2023 đạt trên 3 triệu tấn. Cây rau có diện tích khoảng 10.000ha, cây thanh long khoảng 8.000ha, cây chanh khoảng 11.500ha. Sản xuất cây ăn trái ở ĐBSCL tăng trưởng ấn tượng. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. Thời gian qua, tỉnh Long An đã có nhiều chủ chương, chương trình, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nhất là đột phá về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành. Đến nay, tỉnh Long An đã có 60.000ha lúa ứng dụng công nghệ cao, 2.000ha rau, 6.000ha thanh long, 3.000ha chanh ứng dụng công nghệ cao, 6 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. 8 trọng tâm phát triển trồng trọt ĐBSCL Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung, mặc dù ngành trồng trọt thời gian qua đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức, cần có sự vào cuộc của các tác nhân tham gia chuỗi ngành hàng để phát triển một cách bền vững. Sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL phải đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Sử dụng đất nông nghiệp chưa hiệu quả gây suy thoái đất đai. Sử dụng vật tư đầu vào (giống, phân bón…) chưa hợp lý gây lãng phí nguồn lực và gây ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng nguồn nước, khả năng cung ứng nước cho cây trồng theo khung thời vụ còn nhiều bất cập. Xu hướng tiêu dùng và các điều kiện xuất khẩu có nhiều thay đổi… Theo đó, vấn đề chất lượng nông sản và an toàn thực phẩm luôn phải được đặt lên hàng đầu. Sản xuất lúa gạo tại ĐBSCL phải đối mặt với thách thức của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. Thứ trưởng Hoàng Trung yêu cầu các địa phương phải nâng cao nhận thức và năng lực quản lý cho nông dân, doanh nghiệp và chính quyền các cấp trong việc sản xuất an toàn, xây dựng, cấp và quản lý tốt mã số vùng trồng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc. Trên cơ sở nhận diện các khó khăn, thách thức của ngành trồng trọt và định hướng sản xuất trong năm 2025, Thứ trưởng Hoàng Trung đưa ra 8 trọng tâm để phát triển ngành trồng trọt tại ĐBSCL. Thứ nhất, cần đánh giá khách quan về công tác chỉ, đạo điều hành sản xuất trồng trọt trong năm qua, tập trung vào những khó khăn vướng mắc cần được tháo gỡ. Đặc biệt trong đó các giải pháp kỹ thuật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn và các mô hình hiệu quả, cách làm hay cần nhân rộng. Cần lưu ý tuân thủ lịch thời vụ, tránh bài học về xuống giống không theo thời vụ khuyến cáo gây thiệt hại 1.662ha trong sản xuất lúa của năm 2024. Thứ 2, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn trong công tác quản lý vật tư nông nghiệp, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương. Thứ 3, triển khai thực hiện Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Thứ 4, nâng cao sức khỏe đất và dinh dưỡng cây trồng. Thứ 5, đẩy mạnh liên doanh, liên kết, phát triển chuỗi ngành hàng, mở cửa thị trường. Ngành trồng trọt vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. Thứ 6, nâng cao các giải pháp, định hướng để phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giải pháp cho thủy lợi của vùng ĐBSCL nhằm cung cấp nước phục vụ phát triển sản xuất trồng trọt và sinh hoạt. Thứ 7, triển khai các đề án, chiến lược trong lĩnh vực trồng trọt đã được Bộ NN-PTNT và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thứ 8, kêu gọi các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tăng cường tham gia vào sản xuất, cần đề xuất những vấn đề cụ thể trong quá trình sản xuất, kinh doanh, liên kết với địa phương thuộc phạm vi ngành hàng. Trong đó tập trung vào một số mặt hàng để mở cửa thị trường phục vụ xuất khẩu. “Các địa phương thời gian tới cần tập trung bám sát các dự báo sâu bệnh, nước, xâm nhập mặn, thời tiết… Tập trung xuống giống lúa đúng lịch thời vụ theo khuyến cáo của Cục Trồng trọt. Tránh phát triển nóng diện tích một số cây trồng, đặc biệt là sầu riêng, mít. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ, thuốc BVTV sinh học. Thắt chặt quản lý vật tư nông nghiệp, thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là công an, quản lý thị trường quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh.