Xây dựng thương hiệu xanh cho tôm Việt
SÓC TRĂNG Năng lực cạnh tranh tốt, nhiều doanh nghiệp ngành tôm Sóc Trăng vượt qua khó khăn năm 2023, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xây dựng thương hiệu xanh cho tôm Việt Nam.
Linh hoạt giải pháp thích ứng Trước bối cảnh lạm phát, suy thoái kinh tế thế giới, đi kèm với sự canh tranh gay gắt từ các thị trường cung cấp tôm giá rẻ, đã khiến việc tiêu thụ tôm Việt Nam gặp khó khăn, giá cả sụt giảm thấp thời gian qua. Trao đổi với ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta về nhận định tình hình phát triển ngành tôm trong năm 2024, ông Lực cho rằng, còn nhiều việc phải làm. Đến thời điểm này, khó khăn lớn nhất trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm được ông Lực chỉ ra là tỷ lệ nuôi thành công của Việt Nam quá thấp, theo tính toán chỉ khoảng 40%. Con số này chỉ bằng 1/2 so với tỷ lệ thành công của Ecuador. Hệ quả, giá thành tôm Việt chắc chắn cao. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng thăm và động viên doanh nghiệp ngành tôm trên địa bàn. Ảnh: Kim Anh. Để giải quyết vấn đề này, ông Lực cho rằng, cần xem xét đến các yếu tố tác động, đầu tiên là chất lượng con giống, đòi hỏi phải có sự tận tụy, nâng cao ý thức trách nhiệm của các cơ sở cung ứng tôm giống cũng như vai trò kiểm soát chất lượng, lưu thông trên thị trường. Kế đến là nước sạch cho vùng nuôi, để giảm thiểu rủi ro, hạn chế dịch bệnh trong quá trình nuôi tôm. Để làm được cần đến vai trò của cơ quan quản lý nhà nước. Riêng đối với người nuôi, cần quan tâm vấn đề “ăn chắc mặc bền”, chỉ tổ chức nuôi trong phạm vi khả năng tài chính và hiểu biết kỹ thuật cho phép. Đối với ngành chế biến cũng cần tính toán lại thế mạnh, tìm những thị trường thích hợp. Nhất là cố gắng giảm giá thành để tăng sức cạnh tranh đối với các nước trên thế giới. Theo ông Lực, việc tìm ra những mặt hàng mới để bán được giá tốt, đó là cách giúp doanh nghiệp có được nguồn tài chính cùng chia sẻ với người nuôi, để những mắt xích trong chuỗi giá trị ngành hàng tôm cùng tồn tại, vượt qua khó khăn. Với ngành tôm tỉnh Sóc Trăng, lãnh đạo doanh nghiệp đầu ngành tôm của tỉnh nhận định, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tôm ở Sóc Trăng tốt hơn mặt bằng chung của toàn ngành. Thời gian qua, Sở NN-PTNT tỉnh liên tục có những chương trình, hội thảo phân tích tình hình tôm nuôi trên địa bàn và khu vực để kịp thời hỗ trợ người nuôi trong giai đoạn khó khăn. Hành động này, ông Lực đánh giá rất kịp thời và ý nghĩa. Dẫn chứng cho nhận định này, trong năm 2023, kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, tuy có phần sụt giảm nhưng tỷ lệ thấp khoảng 10%. Đây là nguồn động viên để toàn thể cán bộ, nhân viên công ty nỗ lực trong năm 2024. Đưa ra sách lược cho ngành tôm tỉnh Sóc Trăng trong thời gian tới, nhất là vụ nuôi năm 2024 được đánh giá nhiều khó khăn, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta đang trong tâm thế thận trọng, để nhận diện thách thức và linh hoạt giải pháp thích ứng. Tranh thủ thời tiết trước Tết Nguyên đán thuận lợi, 2 khu nuôi của Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta đã hoàn thành việc thả giống, sớm hơn so với mọi năm. Đồng thời, giúp doanh nghiệp này chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ cho thị trường chế biến xuất khẩu những tháng đầu năm 2024. Vụ nuôi tôm nước lợ năm 2024, tỉnh Sóc Trăng phấn đấu đạt diện tích thả nuôi gần 51.000 ha, với sản lượng tôm nuôi khoảng 212.000 tấn. Bên cạnh việc quản lý tốt quá trình nuôi tôm theo khung lịch thời vụ cố định, Chi cục Thủy sản tỉnh cùng các đơn vị liên quan sẽ thường xuyên cập nhật thông tin cảnh báo về môi trường, thời tiết, dịch bệnh đến người nuôi. Đồng thời linh hoạt điều chỉnh lịch thả giống đảm bảo phù hợp với tình hình bất lợi của thời tiết và dịch bệnh tại các địa phương. Nhiều giải pháp tổng thể cho vụ tôm năm 2024 Tại khu nuôi của Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam (Cleanfood) đặt tại huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng, doanh nghiệp đã có một năm 2023 sản xuất rất thành công. Trang trại rộng hàng trăm ha của doanh nghiệp đã xây dựng được quy trình kiểm soát dịch bệnh với 2 – 3 lớp kiểm tra, giúp tỷ lệ thành công trên tôm nuôi trong vụ thuận cả vụ nghịch đạt khá cao. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh hoặc khủng hoảng tiêu dùng nhưng doanh nghiệp vẫn giữ được lượng khách hàng tương đối ổn định và đứng vững trong giai đoạn khó khăn. Tiếp nối thành công đó, ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Cleanfood kỳ vọng gia tăng số lượng và quy mô nuôi trong năm 2024. Ông Võ Văn Phục, Tổng Giám đốc Công ty Cleanfood cho rằng, chứng minh được nguồn gốc sản xuất tôm trong nước tốt sẽ nâng vị thế và thúc đẩy sự phát triển ngành tôm trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Ảnh: Kim Anh. Kế hoạch được doanh nghiệp này đưa ra là chú trọng đầu tư, mở rộng quy trình nuôi tôm công nghệ cao, hướng an toàn sinh học để đảm bảo quản lý tốt dịch bệnh trong quá trình nuôi. Đối với nguồn tôm giống, đơn vị sẽ lựa chọn những nhà cung cấp giống tốt, có uy tín. Về mùa vụ, Cleanfood sẽ tập trung nghiên cứu, lựa chọn thời điểm thả giống phù hợp, rủi ro dịch bệnh thấp, cụ thể là thời điểm sau khi dứt mưa, từ tháng 4 – 12 hằng năm. Riêng ở vụ nghịch, Cleanfood chủ động tích hợp nhiều giải pháp tổng hợp bao gồm: xử lý nước, sử dụng và dự trữ nguồn nước để đảm bảo đủ lượng nước sạch, không nhiễm virus cung cấp tốt cho ao nuôi. Hiện nay, Cleanfood đang phát triển ở cả 2 lĩnh vực là sản xuất và kinh doanh. Trong đó, doanh nghiệp này xác định mảng kinh doanh là cốt lõi. Mô hình trồng lúa kết hợp nuôi tôm tại xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau. Ảnh: Văn Đời. Ông Phục đặt mục tiêu chiến lược là phát triển bền vững, chú trọng đa dạng sản phẩm, mở rộng thị trường để xây dựng thương hiệu mạnh. Đối với khâu nuôi, Cleanfood tiếp tục đầu tư và nâng cao các yếu tố kỹ thuật, chú trọng giải pháp an toàn sinh học và phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Cleanfood nhìn nhận, thành công trong vụ tôm nước lợ 2023 ở tỉnh Sóc Trăng tập trung chủ yếu vào những hộ nuôi có kinh nghiệm và một số trang trại có điều kiện và giải pháp nuôi tốt. Do đó, trước những thách thức trong năm 2024, ông Phục nhìn nhận, ngành tôm phải tổ chức lại sản xuất để giảm nuôi trồng nhỏ lẻ, manh mún. Đồng thời đẩy mạnh chia sẻ kinh nghiệm và kỹ thuật. Yếu tố quan trọng cần được tính đến đó là giảm giá thành sản xuất, nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm. Để làm được điều này, cả doanh nghiệp và hộ nuôi cần chú trọng ứng dụng, chuyển giao các quy trình kỹ thuật tiên tiến, khoa học công nghệ, kiểm soát vấn đề về môi trường và dịch bệnh để giải quyết thiệt hại cho người nuôi tôm, tăng cái tỷ lệ thành công. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, ông Phục mong muốn, chính quyền cần quản lý và kiểm soát tốt con giống tôm nước lợ, khi xuất ra khỏi trại đến vùng nuôi phải đảm bảo sạch bệnh, tuân thủ các quy định về pháp luật thú y và thủy sản. Mặt khác, các địa phương cũng quan tâm đến kiểm soát chất lượng thức ăn, để đảm bảo rằng: giá và chất lượng thức ăn đi đôi với nhau. Đóng góp cho ngành tôm, ông Phục đưa hai chữ “đồng lòng” để cùng nhau triển khai các giải pháp, từ đó xây dựng được thương hiệu xanh cho tôm Việt Nam. Các trang trại, khu nuôi của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã cơ bản hoàn thành việc thả giống, chủ động nguyên liệu phục vụ cho thị trường chế biến xuất khẩu. Ảnh: Kim Anh. Kết nối tốt hơn giữa nhà cung cấp giống, thức ăn với nông dân, nhà máy chế biến để đảm bảo vấn đề truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ông Phục đánh giá, đây là một trong những yêu cầu bắt buộc của các thị trường nhập khẩu hiện nay. “Chúng ta thấy rằng, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm là bắt buộc. Để làm được điều này, tôi đề nghị các địa phương phải rà soát kỹ khi cấp mã số cơ sở nuôi tôm. Bởi đây là những điều kiện ban đầu để từ đó hình thành nên những chuỗi sản xuất và khẳng định rằng với các nhà nhập khẩu là nguồn gốc sản phẩm của tôm Việt Nam rõ ràng, minh bạch”, ông Phục bày tỏ.