Bệnh nhân mắc cúm A/H5 ở Khánh Hòa đã tử vong
Dù ngành y tế nỗ lực điều trị nhưng bệnh nhân dương tính với cúm A/H5 ở tỉnh Khánh Hòa đã tử vong sau 8 ngày điều trị.
Các bác sỹ đã nỗ lực điều trị nhưng bệnh nhân dương tính cúm A/H5 đã tử vong. Ảnh: KS. Ngày 23/3, trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa Bùi Xuân Minh cho biết, bệnh nhân dương tính với cúm A/H5 trú tại thị xã Ninh Hòa đã tử vong sau 8 ngày điều trị. Đó là bệnh nhân B.T.Đ. (21 tuổi) thường trú thị xã Ninh Hòa), sinh viên trường Đại học Nha Trang và ở nội trú tại khu ký túc xá của trường. Trước đó, từ ngày 11-17/3, bệnh nhân khởi phát bệnh với các triệu chứng sốt, ho nhẹ và trở nặng dần. Ngày 20/3, Viện Pasteur Nha Trang xét nghiệm cho thấy, bệnh nhân viêm phổi nặng do cúm gia cầm A/H5, sau đó được chuyển vào điều trị cách ly tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa. Ngày 22/3, kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang xác định, loại kháng nguyên trong sinh viên nhiễm cúm gia cầm A/H5 là N1 (virus cúm A/H5N1). Ngay khi nhận được thông tin, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành khử khuẩn bằng Cloramin B phòng ở và các phòng trong dãy nhà ký túc xá trường Đại học Nha Trang. Đồng thời, lập danh sách 6 bạn cùng phòng và 60 sinh viên học cùng lớp với bệnh nhân để tiến hành theo dõi sức khỏe. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng đã lấy 6 mẫu bệnh phẩm là người cùng phòng ký túc xá với bệnh nhân đưa đi xét nghiệm. Theo Giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa, dù các bác sỹ đã nỗ lực chăm sóc, điều trị với trang thiết bị, thuốc men đầy đủ nhưng không thể cứu sống được bệnh nhân vì tình trạng bệnh diễn biến quá nặng, viêm phổi, nhiễm trùng huyết, phổi đã bị xơ. Còn ông Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa cho biết thêm, do bệnh cúm A/H5 nên những người tiếp xúc gần bệnh nhân hiện đều được theo dõi chặt chẽ kể cả trong ngành y tế cũng như các em học chung. Bên cạnh đó, ngành y tế Khánh Hòa tiếp tục phối hợp với Chi cục chăn nuôi và Thú y Khánh Hòa giám sát tất cả các đàn gia cầm trên địa bàn thị xã Ninh Hòa và khu vực. Hiện nay cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa tiếp tục giám sát đàn gia cầm trên địa bàn để tìm ra nguyên nhân. Ảnh: KS. “Hiện nay chúng tôi đã triển khai nhưng chưa tìm thấy tình trạng gà chết ở ngoài khu vực đó. Còn các mẫu xét nghiệm từ đàn gà của nhà bệnh nhân và xung quanh cũng cho kết quả xét nghiệm âm tính với cúm A/H5”, ông Tôn Thất Toàn nói và cho rằng, chưa xác định nguồn lây nhiễm từ đâu. Theo ngành y tế, bệnh cúm gia cầm A/H5 thường lây ở động vật song cũng có thể lây truyền đến con người. Tuy nhiên, không giống như các loại cúm khác ở người, cúm A/H5 không dễ dàng lây lan từ người sang người. Người bị nhiễm virus cúm A/H5 chủ yếu thông qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với động vật bị bệnh. Việc tiếp xúc với gia cầm bị bệnh hay với các bề mặt bị ô nhiễm như nước bọt, lông hoặc phân của gia cầm có nguy cơ lớn nhất mắc cúm A/H5. Thế nhưng rất hiếm khi dịch cúm gia cầm được truyền từ người sang người, trừ các trường hợp có sự tiếp xúc đặc biệt gần gũi với người bệnh như mẹ chăm sóc trẻ bị nhiễm bệnh cúm A/H5 mới lây từ người sang người. Triệu chứng người bị nhiễm cúm A/H5 cũng giống với cúm thông thường nhưng có một số dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm hơn. Cụ thể, sốt cao đột ngột trên 38 độ C, đau đầu, rét run, đau ngực, khó thở, tim đập nhanh và đau họng, ho, thường ho khan, ho có đờm; đau nhức cơ, mệt mỏi rã rời. Chỉ sau nửa ngày, các triệu chứng cúm A/H5) diễn tiến trầm trọng hơn, người bệnh có thể bị suy hô hấp cấp như khó thở, thở nhanh, da tím tái, thậm chí đau toàn thân, ý thức mê man… Theo ông Tôn Thất Toàn, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Khánh Hòa, do em này là học sinh sinh viên và trong mùa thi nên nhập viện hơi trễ. Lúc nhập bệnh viện tỉnh, bệnh nhân này đã hôn mê.