TIN TỨC

Tạo môi trường thuận lợi hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp

Cần Thơ Xuất phát từ nông nghiệp, chuyển qua nghiên cứu, sản xuất… vòng tuần hoàn khép kín đã tạo nên những ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với thực tiễn thị trường.
Ngày 12/5, tại Trường Đại học Cần Thơ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ, ban ngành trung ương và các địa phương vùng ĐBSCL dự Lễ khai mạc Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên (HSSV) lần thứ VI. Sự kiện nằm trong khuôn khổ các hoạt động tiếp tục triển khai Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính động viên tinh thần khởi nghiệp của sinh viên tại Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia lần thứ VI. Ảnh: Kim Anh. Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của HSSV lần thứ VI được tổ chức từ ngày 11 – 13/5, do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, UBND TP Cần Thơ tổ chức. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vui mừng, sau 6 năm triển khai Đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, đã gặt hái được nhiều kết quả quan trọng. Điển hình, 100% các đại học, học viện có kế hoạch triển khai hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. 90% học sinh, sinh viên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp trước khi tốt nghiệp. Đề án cũng thu hút hơn 3.000 dự án khởi nghiệp của HSSV và trên 4.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Một số dự án đã được đầu tư thành công như Dự án “Bê tông xanh thân thiện với môi trường” của nhóm sinh viên Trường Đại học Mỏ địa chất; hay Dự án “Sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ quả Sơn Tra (táo mèo)” của nhóm các học sinh trường THPT Trần Nhật Duật, tỉnh Yên Bái… Tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp đã tổ chức hơn 3.000 cuộc thi ý tưởng sáng tạo, thu hút gần 370.000 lượt thanh niên tham gia với gần 14.000 ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ gần 16.000 dự án với tổng kinh phí gần 700 tỷ đồng. Thủ tướng Phạm Minh Chính khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, tạo môi trường thuận lợi hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Ảnh: Kim Anh. “Ngày hôm nay, tôi tham quan một số gian hàng, HSSV dựa vào nhu cầu của thị trường, người dân, khoa học công nghệ… để lên ý tưởng khởi nghiệp. Đây là những yếu tố mang tính bền vững, vừa giải quyết được nút thắt, điểm nghẽn của nền kinh tế, nhưng đồng thời phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và truyền thống lịch sử hào hùng hơn 4.000 năm lịch sử của đất nước. Xuất phát từ nông nghiệp, nền văn minh lúa nước, chuyển qua nghiên cứu, sản xuất để đưa ra thị trường. Vòng tuần hoàn khép kín nhưng rất khoa học”, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ. Người đứng đầu Chính phủ tự hào khi nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam đã đạt thành tích cao trong học tập, nghiên cứu khoa học ở trong nước, nước ngoài và được tuyển dụng làm việc tại các tập đoàn, công ty công nghệ lớn của thế giới như: Facebook, SpaceX, Google, Quora… Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ, hệ sinh thái khởi nghiệp hiện còn hạn chế, thiếu sự gắn kết và còn khoảng cách so với các nước trong khu vực, thế giới. Các chính sách hỗ trợ HSSV khởi nghiệp triển khai còn chậm. Hoạt động ươm tạo, khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục đại học chưa đi vào chiều sâu; hệ thống cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm chưa đầy đủ. Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024 mang tính ứng dụng công nghệ mới như IoT, Big Data và công nghệ AI. Ảnh: Kim Anh. Trong bối cảnh kỷ nguyên toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhất là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ, Thủ tướng nhận định đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội. Do đó, thời gian tới, để hoạt động khởi nghiệp trong HSSV phát triển đột phá, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Cụ thể, Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp, các ngành, các địa phương tập trung thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả “1 đẩy mạnh, 2 tăng cường, 3 kết nối, 4 tập trung, 5 khuyến khích”. Cùng với đó, chủ động liên kết với tổ chức, cá nhân thành lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ của cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp. Phát triển mạng lưới khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; mạng lưới chuyên gia, cố vấn, tư vấn hỗ trợ các khóa huấn luyện, đào tạo. Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” lần thứ VI năm 2024 được phát động từ tháng 8/2023. Theo Ban Tổ chức, đến nay chương trình đã nhận được 707 bài dự thi, tăng 199 bài so với cuộc thi lần thứ V. Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ VI, năm 2024 được tổ chức từ ngày 11 – 13/5 tại Trường Đại học Cần Thơ. Ảnh: Kim Anh. Sau vòng sơ loại, có 465 dự án đạt yêu cầu được tham gia vòng bán kết. Ban tổ chức đã chọn ra 80 dự án xuất sắc nhất được lọt vào vòng bình chọn và vòng chung kết cuộc thi. Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các ý tưởng khởi nghiệp năm nay có chất lượng, đa dạng nội dung, ý tưởng, tập trung vào giải quyết các vấn đề của xã hội. Riêng các dự án của khối sinh viên tại cuộc thi lần này mang tính ứng dụng công nghệ mới như IoT, Big Data và công nghệ AI.