Người dân Tương Dương phản đối Công ty Thủ Đô khai thác vàng
Tham vọng khai thác vàng của Công ty Thủ Đô đã bị dội một gáo nước lạnh, tất cả những người tham dự buổi tham vấn cộng đồng đều kiên quyết phản đối.
Vấn nạn khai thác vàng để lại quá nhiều thương đau cho đất Tương Dương, đỉnh điểm là 2 xã Yên Na, Yên Tĩnh. Ảnh: Khôi An. Doanh nghiệp muốn làm, nhân dân khước từ Sau nhiều lần trì hoãn, ngày 9/5/2024 các bên liên quan đã tổ chức tham vấn, lấy ý kiến của UBMTTQ, UBND và cộng đồng dân cư về “Dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại khu vực 2 xã Yên Na, Yên Tĩnh của huyện Tương Dương, Nghệ An”. Đây là nội dung vốn tốn nhiều giấy mực suốt 15 năm qua, sở dĩ dự án chưa thành hình vì vấp phải làn sóng phản đối kịch liệt của chính quyền các cấp huyện Tương Dương, đặc biệt là đồng bào 2 xã Yên Na và Yên Tĩnh. Lần này kết quả vẫn không đổi, tham vọng của Công ty CP xây dựng và thương mại tổng hợp Thủ Đô chính thức bị dội… một gáo nước lạnh. Mở đầu, ông Nguyễn Đức Liên, Chuyên viên môi trường của Công ty Thủ Đô trình bày tóm tắt dự án: “Công ty thực hiện thăm dò từ năm 2008, dự án đã được cấp phép năm 2017, hiện đang tiếp tục hoàn thiện các hồ sơ còn thiếu. Dự án có công suất 13.800 tấn quặng vàng nguyên khai, khai thác trong vòng 15 năm, áp dụng công nghệ khai thác hầm lò. Tổng diện tích ảnh hưởng hơn 126 ha. Khi đi vào hoạt động công ty cam kết sẽ trích một phần lợi nhuận để hỗ trợ cho nhân dân 2 xã”. Mặc dù vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ nhưng Công ty Thủ Đô vẫn chưa từ bỏ tham vọng của mình. Ảnh: Người dân cung cấp. Về phần mình, Giám đốc Đỗ Xuân Cảnh còn khăng khăng trước đây công ty chưa vào khai thác vàng. Thêm nữa, nếu dự án được chấp thuận sẽ tuân thủ đúng theo quy định của cam kết môi trường (ĐTM), không sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình làm. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để đảm bảo an ninh trật tự, cũng như khai thác đúng khối lượng. Không tin vào lời hứa hẹn của doanh nghiệp, tổng cộng 71 người được lấy ý kiến (Yên Na 35 người, Yên Tĩnh 36 người) đều một mực phản đối, 100% không tán thành. Tại “đầu cầu” xã Yên Na. Ông Vi Thanh Bảy, Bí thư, trưởng ban công tác MTTQ bản Na Bón không thống nhất, đề nghị không triển khai dự án vì lo ngại ảnh hưởng nặng nề đến môi trường, đến khía cạnh chăn nuôi và phát sinh thêm tệ nạn xã hội: “Cách đây 10 năm khi còn làm công an xã, bản thân tôi đã tham gia truy quét, đẩy đuổi nạn khai thác vàng trái phép rất vất vả, nhìn chung việc này không có lợi gì cho nhân dân”. Tất cả những người tham dự đều phản đối dự án khai thác hầm lò quặng vàng gốc của Công ty Thủ Đô. Ảnh: Người dân cung cấp. Xoay quanh nội dung này, ông Lương Văn Thương, người có uy tín tại bản Na Bón cũng có quan điểm tương tự. Ông Lương Văn Lê, Bí thư, trưởng ban công tác MTTQ bản Xiêng Nứa khẳng định trước đây có nhiều công ty, nhiều người khai thác vàng trái phép và để lại nhiều hệ lụy đau thương (kéo theo tệ nạn xã hội, tan vỡ hôn nhân gia đình, ô nhiễm nguồn nước, môi sinh…) Chốt lại, ông Lô Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy xã Yên Na kiến nghị: “Dự án nên dừng lại”. Diễn biến tại hội trường xã Yên Tĩnh xem ra còn căng thẳng hơn nhiều. Ông Lương Khánh Uỳnh, Công chức địa chính xã nhấn mạnh: “Thời điểm công ty thăm dò khiến địa bàn mất an ninh trật tự trầm trọng. Tại vị trí thăm dò có nhiều đơn vị lợi dụng khai thác mà ông Cảnh (Đỗ Xuân Cảnh – Giám đốc Công ty) không quản lý được. Tôi khẳng định ông Cảnh đã vào khai thác và gây ra nhiều hậu quả”. Bà Lương Thị Biển, Phó Chủ tịch HĐND xã cũng không hài lòng với thông tin mà lãnh đạo Công ty Thủ Đô đưa ra: “Thời điểm đó bản thân ông Cảnh vào rất nhiều lần, ông Cảnh nói chưa vào là không chính xác. Ngày đó công ty hứa hẹn với xã và nhân dân nhiều nội dung nhưng không thực hiện”. Chủ tịch UBND xã Yên Tĩnh, ông Lữ Khăm Phon tỏ thái độ cứng rắn: “Quan điểm của Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ cấp xã rất kiên định, từ trên xuống dưới kiên quyết không đồng tình với dự án này. Đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét thu hồi giấy phép khai thác”. Ông Lữ Khăm Phon khẳng định, chính quyền và nhân dân Yên Tĩnh không thống nhất với chủ trương mà Công ty Thủ Đô đưa ra. Ảnh: Người dân cung cấp. Nếu doanh nghiệp quản lý tốt tài nguyên thì các công ty (Bảo Lâm, Hợp Vinh…) cùng nhiều thành phần, đối tượng cộm cán sẽ không có cơ hội quần thảo, xới tung đất này. Nhiều năm đã qua nhưng vết thương vẫn chưa liền sẹo, việc đồng bào nơi đây kiên quyết phản đối là lẽ thường. Nhạy cảm đặc biệt về môi trường Dự án Đầu tư xây dựng công trình khai thác hầm lò quặng vàng gốc của Công ty CP xây dựng và thương mại tổng hợp Thủ Đô được Bộ TN-MT cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 75/CP-BTNTM vào ngày 19/01/2017 với diện tích 126,7 ha, thời hạn kéo dài 15 năm. Dự án thuộc diện chậm tiến độ trầm trọng, nhất thiết phải xử lý nghiêm để tránh ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư. Sau khi nắm bắt thông tin, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị liên quan tìm phương án tối ưu, dựa theo diễn biến thực tế Sở TN-MT đã ban hành các công văn đề nghị Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam thu hồi Giấy phép khai thác khoáng sản vì lý do trên. Quá mệt mỏi với hành trình đẩy đuổi, truy quét vấn nạn khai thác vàng trái phép trên địa bàn, hệ lụy nảy sinh từ dự án của Công ty Thủ Đô, UBND huyện Tương Dương cũng nhiều lần đề nghị thu hồi giấy phép khai thác khoáng sản của doanh nghiệp này, kỳ vọng sớm chấm dứt tình cảnh đêm dài lắm mộng. Công ty Thủ Đô quán xuyến không tốt đã mở đường cho vấn nạn “vàng tặc” diễn tiến rầm rộ suốt thời gian dài. Ảnh: Khôi An. Mong muốn trên là điều dễ hiểu nếu xâu chuỗi các tình tiết liên quan. Thực tế suốt nhiều năm qua công ty không tuân thủ như cam kết ban đầu, họ cơ bản ngó lơ chính quyền địa phương trong công tác phối hợp quản lý, bảo vệ khoáng sản trên phạm vi được cấp phép. Như đã đề cập, sự tắc trách này đã “mở đường” cho nhiều thành phần, đối tượng tìm đến khai thác vàng trái phép rầm rộ suốt thời gian dài. Dự án đầy tai tiếng nằm trong “vùng lõi” của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An, đồng nghĩa có yếu tố nhạy cảm về môi trường. Ảnh: Khôi An. Đáng lo hơn cả là dự án khai thác hầm lò quặng vàng gốc tại khu vực 2 xã Yên Na, Yên Tĩnh thuộc địa giới của Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt. Nằm trong vùng lõi của khu sinh quyển, trường hợp tham vọng của Công ty Thủ Đô thành sự thực sẽ gây ra nhiều tổn thương cho “trái tim”, “mạch máu” của miền tây xứ Nghệ. Dưới góc nhìn tổng quan, việc chấp nhận hi sinh những giá trị mang ý nghĩa di sản chỉ vì lợi ích trước mắt của doanh nghiệp là hướng đi thất sách. Chiếu theo điểm đ khoản 4 Điều 25 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 (dự án có yêu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất khu dự trữ sinh quyển) thì dự án đầy tai tiếng của Công ty Thủ Đô có yếu tố nhạy cảm về môi trường. Cơ quan chuyên ngành nhấn mạnh việc tham vấn, đánh giá các tác động là điều phải đặc biệt lưu tâm, đồng thời phải chú ý đến phương án bồi hoàn đa dạng sinh học. Về phần chủ dự án, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc nội dung quy định Nghị định số 08/2022/NĐ-CP đối với trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất của khu bảo tồn thiên nhiên, hoặc vùng lõi khu dự trữ sinh quyển từ 1 ha trở lên.