Nuôi đuông cọ ‘1 vốn 9 lời’
PHÚ THỌ Vốn chỉ được tìm thấy bên trong thân cây cọ nhưng hiện nay, đuông cọ đã được người dân nhân giống, phát triển thành mô hình chăn nuôi mới, hiệu quả cao.
Nghề “siêu dễ” nhưng hái ra tiền Bằng cách tạo ra môi trường sống giống như bên trong thân cây cọ, người dân đã nhân giống thành công đuông cọ, phát triển một mô hình chăn nuôi mới đạt hiệu quả kinh tế cao. Một gia đình ở xã Mỹ Thuận (huyện Tân Sơn, Phú Thọ) đã thử nghiệm và thành công với mô hình này. Để tạo ra môi trường sống và thức ăn cho đuông cọ không phải là điều khó khăn. Anh Hà Văn Giang (33 tuổi, ở xã Mỹ Thuận) – hộ nuôi đuông cọ cho biết: “Đơn giản lắm, chỉ cần có vỏ dừa, sắn, lõi cọ và một cái xô sơn đục lỗ ở nắp là được. 10 phần thì vỏ dừa 7 phần, sắn và lõi cọ 3 phần, trộn đều lên, cho ăn một lần từ lúc mới bắt đầu nuôi là được… Chăm đuông cọ là công việc đơn giản, không đòi hỏi sự kỳ công. Ảnh: Minh Toàn. Quy trình chăm sóc đuông cọ cũng không quá phức tạp, chỉ cần cho ăn vào khoảng thời gian đầu khi kiến vương đã đẻ xong. Sau đó, chỉ cần để yên, đuông sẽ tự ăn các chất dinh dưỡng từ vỏ dừa, sắn và lõi cọ. Đuông trưởng thành nếu không được thu hoạch sẽ đóng kén và trở thành kiến vương sau đó bay đi. 20 – 30 ngày là khoảng thời gian trung bình để cho ra những con đuông cọ thành phẩm. Đuông cọ rất ít khi mắc bệnh nên ít bị hao hụt. Chăm sóc dễ là vậy, thế nhưng không phải không có những rủi ro khi chăm đuông cọ. Chúng phát triển tốt nhất trong nhiệt độ từ 30 – 33 độ C. Nếu quá lạnh đuông sẽ không thể phát triển được. Nhưng nếu quá nóng, nuôi mật độ quá dày sẽ làm chết đuông. Vào mùa đông, anh Giang phải quây khu vực chăm đuông cọ lại, khi nào có nắng thì mang xô đuông cọ ra phơi để giữ ấm cho chúng. Còn mùa hè, anh phải sắp xếp cẩn thận những xô đuông vào khu vực mát ở dưới hầm để tránh nhiệt độ cao. Đuông cọ sau khi trưởng thành sẽ chui vào trong các vỏ dừa để đóng kén và phát triển thành kiến vương. Ảnh: Minh Toàn. Đuông cọ có vòng đời tương đối đơn giản, điều này tạo thuận lợi cho người dân trong việc nắm bắt và chăm sóc. Ban đầu, những đôi kiến vương sẽ phối giống, sau đó kiến vương cái sẽ đẻ vào bên trong thân những cây cọ đã bị sâu mọt hoặc đã bị chặt hạ. Trung bình mỗi cặp kiến vương có thể sinh sản được từ 60 – 70 con đuông. Anh Giang bộc bạch: “Ban đầu đi đồi, tò mò nên tôi phanh gốc cọ đã bị chặt ra và thấy cả đuông, cả kiến vương. Sau đó tôi nảy ra ý định nuôi. Ban đầu tôi chỉ cho đuông sống trong lõi cọ nhưng đuông hỏng, phải đổ đi hết, sau này lên mạng học thêm thì mới biết. Từ 20 cặp, 5 xô nuôi ban đầu, hiện tôi đã phát triển được hơn 20 xô nuôi đuông”. Nuôi đuông, không bỏ đi thứ gì Gia đình anh Giang đang chuyển dần mô hình nuôi đuông cọ thành nguồn kinh tế chính của gia đình bởi lợi nhuận mà nghề này mang lại không hề nhỏ. Anh Giang chia sẻ: “Trước đây đi làm sắt thì đủ ăn, nhưng nhận công trình xong thì thua lỗ. Phải đến tận năm ngoái, lúc nuôi đuông thì mới trả được hết nợ…”. Nguồn vốn cần bỏ ra cho mỗi xô nuôi đuông cọ chỉ khoảng 30.000 đồng bởi nguyên liệu để tạo môi trường sống và thức ăn cho đuông đều là những nông sản không quá giá trị như vỏ dừa, lõi cọ hay thậm chí là sắn. “Vỏ dừa thì mình đi xin các quán nước, người ta cũng bỏ đi chứ có làm gì đâu. Lõi cọ thì đi xin được, sắn phải mua nhưng cũng rẻ thôi…”, anh Giang cho biết. Tuy nhiên, điều kiện cần là tất cả các nguyên liệu đều phải tươi, nếu vỏ dừa khô hoặc sắn thối thì đuông không thể ăn được. Nếu vỏ dừa quá khô hoặc héo sẽ được gia đình anh Giang phơi khô để làm củi dự trữ cho mùa đông. Đuông cọ là đặc sản “hiếm có, khó tìm”, có thể xào, nướng, chấm muối ớt… đều ngon và hấp dẫn thực khách. Ảnh: Minh Toàn. Con giống đuông được đều đặn để lại sau mỗi đợt bán thành phẩm. Gia đình anh Giang thường để lại một xô đuông trưởng thành để làm giống. Sau khi đuông đã đóng kén và trở thành kiến vương thì được bắt cặp (1 đực, 1 cái) và chuyển vào từng xô, mỗi xô thường gồm từ 5 – 6 cặp. Mỗi tuần, kiến vương nên được chuyển sang một xô nuôi khác để tránh đẻ quá dày vào một xô gây nóng, chết đuông. Mỗi kg đuông cọ thành phẩm hiện có giá dao động từ 270 – 300.000 đồng, tùy từng thời điểm. Giá cao là vậy nhưng không phải lúc nào anh Giang cũng có sẵn hàng để bán. Anh Giang chia sẻ, nhiều thời điểm không có hàng để bán, thậm chí đuông còn nhỏ, chưa đạt yêu cầu khách hàng cũng chấp nhận mua. Nuôi đuông cọ hiện không phải là hoạt động kinh tế chính của gia đình anh Giang nhưng lại là nguồn thu nhập chính của gia đình. Đuông cọ mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội hơn nghề sắt của anh Giang và công việc công ty của chị Tưởng (vợ anh Giang). Thời điểm vào mùa, chị Tưởng phải nghỉ công việc thời vụ để đáp ứng nhu cầu của thị trường đuông cọ. Thời điểm vào mùa, mỗi ngày nhà anh Giang thu hoạch khoảng 10 xô đuông. Mỗi xô cho khoảng 120 – 170 đuông thành phẩm, dao động từ 800gram – 1kg đuông nhưng vẫn không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Xơ dừa, sẵn, lõi cọ sau khi bị đuông hút cạn chất dinh dưỡng sẽ trở thành bã, không còn giá trị nuôi đuông, buộc phải thay lượt mới. Thế nhưng bã cũng không phải là đồ bỏ đi khi được tận dụng để bón cho rau, lúa, thậm chí là sắn để tiếp tục tạo vòng tuần hoàn cho việc nuôi đuông. Trong quá trình nuôi đuông, không gì là bỏ đi khi đuông thành phẩm được bán, bã được tái sử dụng làm phân bón, xô được dùng cho đợt nuôi đuông tiếp theo.