Bến tàu quân sự của Mỹ ở Gaza bắt đầu chuyển hàng viện trợ
Bến tàu nổi do quân đội Mỹ xây dựng để chuyển hàng viện trợ nhân đạo trên bờ biển Gaza. Ảnh: Reuters. Bến tàu nổi đã được lắp ráp sẵn tại cảng Ashdod của Israel và được đưa đến bờ biển Gaza hôm thứ 16/5. Quân đội Mỹ đã hoàn tất việc lắp ráp bến tàu nổi trong cùng ngày. Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) cho biết chuyến hàng viện trợ đầu tiên đã tiến vào Gaza lúc 9h sáng 17/5. Không có binh sĩ Mỹ nào đặt chân lên bờ trong chiến dịch. “Đây là một nỗ lực đa quốc gia đang diễn ra nhằm cung cấp thêm viện trợ cho dân thường Palestine… và sẽ liên quan đến các mặt hàng viện trợ do một số quốc gia và tổ chức nhân đạo quyên góp”, CENTCOM cho biết trong một tuyên bố. Sau nhiều tháng thảo luận, Liên hợp quốc đã đồng ý hỗ trợ điều phối việc cung cấp và phân phối viện trợ tại bến tàu nổi với điều kiện hoạt động này “tôn trọng tính trung lập và độc lập của các hoạt động nhân đạo”, phó phát ngôn viên Liên hợp quốc Farhan Haq cho biết hôm 17/5. Văn phòng truyền thông của Hamas ở Gaza cáo buộc Washington chỉ đang cố “cải thiện hình ảnh đang xấu đi” thông qua hoạt động này. Cùng quan điểm với Liên hợp quốc, các nhóm nhân đạo, Hamas nhấn mạnh rằng bến tàu của Mỹ không đủ để đáp ứng nhu cầu nhân đạo và yêu cầu các chuyến hàng viện trợ lớn hơn đến Gaza thông qua đường bộ. “Chúng tôi lên án việc Israel chiếm đóng và chính quyền Mỹ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những chính sách đã khiến người dân vô tội của chúng tôi ở Gaza thiếu thức ăn và bị phong tỏa”, Hamas nói hôm 17/5. Liên hợp quốc cho rằng việc cung cấp viện trợ bằng đường bộ là biện pháp “khả thi và hiệu quả nhất” để ngăn cuộc khủng hoảng nhân đạo ở khu vực 2,3 triệu dân. “Do nhu cầu quá lớn ở Gaza, bến tàu nổi này nhằm mục đích bổ sung cho các tuyến đường bộ hiện có để viện trợ vào Gaza, bao gồm Rafah, Kerem Shalom và Erez. Nỗ lực này không nhằm mục đích thay thế bất kỳ tuyến đường nào”, ông Farhan Haq cho biết. Xe tải chở hàng viện trợ vào Gaza từ bến tàu quân đội Mỹ xây dựng. Ảnh: Reuters. Thành công của chiến dịch viện trợ này cũng vẫn còn mong manh vì nguy cơ phiến quân tấn công cướp hàng, rào cản hậu cần và tình trạng thiếu nhiên liệu ngày càng tăng đối với các xe tải chở hàng viện trợ do Israel phong tỏa Gaza kể từ sau cuộc đột kích của Hamas hồi tháng 10/2023. Các bên tham gia viện trợ, gồm Liên hợp quốc và các đồng minh của Israel, đều yêu cầu Tel Aviv nỗ lực hơn nữa để đưa hàng viện trợ vào Gaza, nơi phần lớn đã trở thành đống đổ nát sau chiến dịch quân sự của Israel từ tháng 7/2023 nhằm trả đũa cuộc tập kích của Hamas. Hoạt động xây dựng bến tàu ước tính tiêu tốn 320 triệu USD và có sự tham gia của 1.000 lính Mỹ. Các quan chức Mỹ cho biết rằng bến tàu ban đầu sẽ tiếp nhận 90 xe tải mỗi ngày, nhưng con số này có thể lên tới 150 xe. Liên hợp quốc cho biết ít nhất 500 xe tải viện trợ và hàng hóa thương mại cần phải vào Gaza mỗi ngày. Hồi tháng 4, trung bình có 189 xe tải đi vào Gaza mỗi ngày, mức cao nhất kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu.