TIN TỨC

Tập huấn giúp nông dân bớt mông lung về canh tác lúa giảm phát thải

Tiếp tục chương trình tập huấn quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải phục vụ xây dựng mô hình thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, ngày 18/5, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức tập huấn cho nông dân trong và ngoài HTX nông nghiệp Thuận Tiến ở xã Thạnh An (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ). Bà con nông dân trong và ngoài HTX nông nghiệp Thuận Tiến (xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) được tập huấn, nâng cao kiến thức canh tác lúa giảm phát thải. Ảnh: Kim Anh. Đây là HTX triển khai cánh đồng lúa giảm phát thải đầu tiên ở ĐBSCL, thí điểm quy trình canh tác của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao trong vụ hè thu 2024, quy mô 50ha. Đến nay, cây lúa đã phát triển được 43 ngày, đang trong giai đoạn từ đẻ nhánh đến làm đòng và dự kiến sẽ thu hoạch từ ngày 5/7 – 10/7. Ông Nguyễn Cao Khải, Giám đốc HTX nông nghiệp Thuận Tiến đánh giá, cánh đồng lúa giảm phát thải đang phát triển tốt. Trong giai đoạn cây lúa phát triển được 27 – 28 ngày, trên đồng ruộng có phát sinh dịch hại là sâu cuốn lá. Sâu phát triển rất nhanh, khoảng 80% diện tích trong mô hình đã bị tấn công, tuy nhiên mức độ phát sinh không liên tục. Cánh đồng lúa giảm phát thải đầu tiên ở ĐBSCL thuộc Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao đang phát triển khá tốt. Ảnh: Kim Anh. Với quyết tâm làm theo quy trình canh tác lúa giảm phát thải, bà con xã viên giảm thiểu phun thuốc trừ sâu trước giai đoạn cây lúa 40 ngày. Thay vào đó, bà con kết hợp chặt chẽ với cán bộ khuyến nông địa phương thường xuyên thăm đồng và kiểm tra dịch hại. Nhờ đó, đến thời điểm này, cánh đồng lúa giảm phát thải của HTX chưa chịu tác động của thuốc trừ sâu, lúa khỏe, vượt qua sâu hại. Trong khi đó, những ruộng lúa bên ngoài mô hình gieo sạ dày, trung bình từ 18 – 20kg lúa giống/công tầm lớn (tương đương 1.300m2). Trong vòng 3 ngày bị sâu cuốn lá tấn công, nông dân không kịp phun thuốc trừ sâu nên đã bị tấn công lên đến 90% diện tích, bạc lá trắng ruộng. Ông Khải bộc bạch, trước đây, bà con nông dân đã ứng dụng phương pháp gieo sạ bằng tay hoặc kéo hàng. Khi tham gia cánh đồng lúa giảm phát thải, lượng giống gieo sạ được kéo giảm xuống còn khoảng 6kg/công, bà con rất băn khoăn. Tuy nhiên đến nay, lúa trong mô hình phát triển tốt, bà con hầu như không ai chê. Xã viên đặt câu hỏi trao đổi với chuyên gia. Ảnh: Kim Anh. Mặc dù đã tham gia canh tác trong mô hình, nhưng hiện nay khái niệm về phát thải khí nhà kính, tín chỉ carbon, hay quy trình canh tác giảm phát thải vẫn còn khá mông lung với xã viên. Nói theo lời ông Khải là bà con chỉ nghe trên danh từ, chứ chưa định nghĩa và hiểu được những khái niệm trên. Do đó, chương trình tập huấn lần này rất bổ ích, vừa có mô hình trực tiếp trên đồng ruộng, vừa kết hợp với những kiến thức đã được các chuyên gia trang bị. Việc sản xuất theo quy trình canh tác giảm phát thải sẽ mang lại hiệu quả thiết thực hơn. Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao mang tầm quốc gia, có sự đồng hành của nhiều cơ quan chuyên môn. Trách nhiệm của bà con nông dân là trực tiếp sản xuất theo quy trình để đảm bảo chất lượng, nâng cao giá trị hạt gạo. Ông Hoàng Văn Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trực tiếp “đứng lớp” cập nhật các kiến thức về quy trình canh tác cho bà con nông dân. Ảnh: Kim Anh. Đợt tập huấn lần này, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ giúp bà con nông dân trang bị đầy đủ các kiến thức về khí nhà kính trong sản xuất lúa; quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải; phương pháp đo đạc, báo cáo, thẩm định các giải pháp giảm phát thải (MRV); ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa… Đồng thời, giải đáp, làm rõ những vấn đề thắc mắc, băn khoăn của bà con nông dân trong quá trình canh tác. Ông Hồng đánh giá, quy trình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải không khác nhiều so với một số giải pháp kỹ thuật như “1 phải 5 giảm, 3 giảm 3 tăng”… mà bà con đang áp dụng. Tuy nhiên sẽ có một số vấn đề canh tác cần được lưu ý, cập nhật thêm để việc sản xuất trở nên tốt hơn.