Giá tăng nhưng không còn lợn bán
Giá lợn hơi tăng nhưng người chăn nuôi ở Hà Tĩnh chỉ biết cười chua chát. Ảnh: Thanh Nga. Chăn nuôi lợn kiệt quệ Ngành chăn nuôi nói chung, lĩnh vực chăn nuôi lợn nói riêng trong gần 2 năm qua đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức. Chưa bao giờ người sản xuất đối mặt với hàng loạt nghịch lý như: giá cám tăng – giá lợn giảm, giá lợn tăng – không còn lợn để bán. Nhiều doanh nghiệp từ lớn đến vừa phải giảm đàn, thậm chí “treo chuồng” vì không gánh nổi thua lỗ. Tại Hà Tĩnh, đến thời điểm giá lợn tăng, đại đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ nuôi cầm chừng hoặc treo chuồng, còn khối doanh nghiệp, trang trại lớn hầu hết đã giảm đàn. Vì vậy khi giá lợn tăng họ chỉ biết cười chua chát. Ông Lê Tiến Cát, chủ trang trại chăn nuôi 1.200 con lợn nái ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn thở dài chia sẻ, từ đầu năm 2023, ảnh hưởng của bão giá lợn hơi và dịch bệnh buộc trang trại phải chuyển từ nuôi lợn thịt sang bán lợn giống. “Trước năm 2023, toàn bộ lợn giống (khoảng 5.000 con) chúng tôi để lại nuôi thịt nhưng giá lợn hơi rơi tự do trong thời gian dài buộc chúng tôi giảm nuôi lợn thịt xuống 700 con và duy trì đến nay. Phần lớn phải chuyển sang bán lợn giống để cắt lỗ và giảm áp lực dịch bệnh”, ông Cát nói. Ông Cát thờ dài khẳng định, người chăn nuôi lợn gần như phải gánh lỗ ba bề bốn bên. Bởi, khi giá lợn hơi tăng thì người nuôi không còn hàng để bán. Còn bán lợn giống, dù giá có tăng nhưng biên độ tăng của lợn giống thấp hơn nhiều so với lợn thịt nên phần lãi ở thời điểm này không thể bù lỗ được cho thiệt hại hơn 1 năm qua. Đồng cảnh ngộ, sản lượng lợn thịt xuất chuồng tại trang trại hộ ông Huy, ở xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ thời điểm này cũng không đáng kể. Hầu hết lợn con sau khi chăm sóc đạt trọng lượng khoảng 7kg đều xuất bán để giảm lỗ. “Từ tháng 1 đến khoảng tháng 10/2023, bình quân nuôi 1 con lợn thịt lỗ 1 triệu đồng, giai đoạn cuối năm dù giá có nhích lên nhưng vẫn lỗ khoảng 500.000 đồng/con. Bây giờ giá lợn hơi tăng cao thì hết lợn để bán nên tính ra để lấy lại vốn giá lợn cần neo cao ít nhất gần một năm nữa”, ông Huy nói. Bởi nhiều doanh nghiệp, hộ chăn nuôi không còn lợn để bán. Ảnh: Thanh Nga. Theo ông, áp lực phòng chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường, nguồn vốn đầu tư nuôi lợn thịt rất lớn nên việc giảm đàn khi giá lợn hơi chạm đáy là khó tránh khỏi. Khi tổng đàn giảm ắt giá lợn hơi sẽ tăng và đây là hệ lụy của việc không bình ổn được giá cả ngành chăn nuôi trong nước nói chung, tỉnh Hà Tĩnh nói riêng. Ngoài ra, tác động từ lợn nhập lậu cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá lợn trong nước giảm sâu. “Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng, quản lý nhà nước ngăn chặn nguồn lợn nhập lậu để ổn định thị trường trong nước, giúp người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn”, chủ trang trại nói. Vẫn dè dặt tái đàn Theo khảo sát, giá lợn hơi tại Hà Tĩnh đang duy trì ở mức 65.000 – 68.000 đồng/kg. So với thời điểm đầu năm 2024, mức giá này đã tăng hơn 25%. Đây cũng được xem là mức giá cao nhất trong vòng hơn 1 năm qua. Mặc dù giá lợn đang trên đà tăng cao song nhiều người chăn nuôi, doanh nghiệp tại Hà Tĩnh vẫn dè dặt khi tái đàn, tăng đàn. Sau khi xuất bán 20 con lợn thịt, nhận thấy giá thịt lợn hơi tiếp tục có xu hướng tăng, anh Trần Văn Hạnh, xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà đang vệ sinh chuồng trại để chuẩn bị thả nuôi lứa mới. Tuy nhiên, anh Hạnh cũng chưa dám nuôi số lượng nhiều trong lúc này. Do tính bấp bênh giá đầu ra nên người nuôi lợn vẫn dè dặt tái đàn. Ảnh: Thanh Nga. “Thời gian qua, chăn nuôi lợn nông hộ thường xuyên đối mặt với nguy cơ dịch bệnh tấn công nên lần này tôi cũng chỉ nuôi khoảng 30 con (bằng 1/2 quy mô chuồng). Hi vọng thị trường bình ổn để người chăn nuôi yên tâm sản xuất”, anh Hạnh bày tỏ. Chủ một trang trại ở xã Kỳ Phong, huyện Kỳ Anh cũng chia sẻ, 2 năm trở lại đây trang trại của anh chỉ duy trì đàn lợn khoảng 400 con, trong khi quy mô chuồng hơn 700 con lợn thịt. Hiện nay, giá lợn thịt đang tăng cao nhưng anh đang cân nhắc thả nuôi thêm, một phần vì lo ngại dịch bệnh, phần vì giá một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính tại thời điểm tháng 4/2024 đến nay có xu hướng tăng nhẹ so với 3 tháng đầu năm. Theo lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, giá lợn hơi tăng là một trong những tín hiệu tích cực, tạo đà cho ngành chăn nuôi của tỉnh khởi sắc trong những tháng tới. Tuy nhiên, khi tái đàn, người chăn nuôi, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc, chủ động theo dõi tín hiệu từ thị trường, đồng thời, đặc biệt chú trọng thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Tổng đàn lợn toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện đạt khoảng 400.000 con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm hơn 65%. Chăn nuôi lợn là lĩnh vực chăn nuôi chủ lực, chiếm phần lớn tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trên địa bàn tỉnh này.