TIN TỨC

[Bài 2] 12 người bảo vệ 15.000 ha rừng

Tuần tra bảo vệ rừng ở Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3. Ảnh: Đăng Lâm. Gian nan Cũng theo sự giới thiệu của anh Trương Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai, chúng tôi ngược đường 19, đến với Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ. Nơi đây đã kịp đón gần chục trận mưa đầu mùa nên dọc hai quốc lộ 19, xanh um những vườn cà phê, vườn điều và bạt ngàn cao su của Binh đoàn 15. Đón chúng tôi là anh Lý Việt Nam, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ. Anh Nam cho biết, ban được giao quản lý, bảo vệ gần 15.000ha rừng, trong đó có trên 5.200 ha rừng phòng hộ, gần 7.100 ha rừng sản xuất, diện tích quy hoạch 3 loại rừng là hơn 2.600ha, nằm trọn ở ba xã biên giới giáp với Vương quốc Campuchia là Ia Dom, Ia Nan và Ia Pnôn. Toàn bộ diện tích rừng kể trên được giao cho 18 con người quản lý, trong số đó có 5 người làm công tác văn phòng, số người trực tiếp làm công tác bảo vệ rừng chỉ có 12 người. Anh Nam trực tiếp lái xe, đưa chúng tôi đi thăm rừng. Bây giờ đang là đầu mùa mưa. Rừng biên giới đã kịp đón những trận mưa đầu mùa, nhưng vẫn chưa giải hết được cái oi nồng vốn là “đặc sản” của những cánh rừng lá khộp vùng biên giới. Anh Nam cho biết, trong 15.000ha được giao quản lý bảo vệ, có khoảng gần 1.000ha rừng thường xanh xen kẽ với rừng khộp, nằm ngay sát khu vực biên giới, cây ở đây tương đối lớn. 14.000ha còn lại là rừng khộp với đặc điểm nổi bật là thân dầu, lá rộng cùng một ít là rừng le bụi…  “Làm công tác quản lý bảo vệ rừng, mùa nào cũng có cái khổ riêng”, anh Nam chia sẻ. Theo đó, mùa khô thì cứ canh cánh nỗi lo cháy rừng. Rừng ở biên giới Đức Cơ với đặc trưng khí hậu khô hanh, nắng nóng kéo dài, nhiệt độ tăng cao… Trong khi nương rẫy của đồng bào nằm gần rừng, không ít hộ chưa làm tốt khâu phát dọn cỏ, làm thực bì chưa đúng cách nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng. Còn về mùa mưa thì đi lại vô cùng khó khăn. Với đặc điểm địa hình phức tạp, bị cắt mạnh bởi sông suối, đồi dốc nên tuần rừng vào mùa này, luôn tiềm ẩn những rủi ro đáng tiếc. “Anh em đi tuần tra rừng ở đây khổ lắm. Mười lăm ngàn ha rừng giao trọn lên vai của mười hai người, trong khi thu nhập thấp, áp lực công việc lại nặng nề mà trách nhiệm lại quá lớn. Trên địa bàn chúng tôi phụ trách, nếu để xảy ra một vụ xâm hại đến tài nguyên rừng là anh em phải đối diện với một ‘mức án’ kỷ luật treo lơ lửng trên đầu”, vừa lái xe, anh Nam vừa chia sẻ với chúng tôi. Để tuần tra bảo vệ rừng, nhân viên phải trèo lên những ngọn núi cao. Ảnh: Đăng Lâm. Đi rừng, mà là rừng biên giới ở Tây Nguyên, tôi đã được đi khá nhiều, lần nào đi cũng thấy hào hứng. Ấy vậy mà lần này, tôi đến với rừng miền biên viễn Đức Cơ với một tâm trạng thật khó tả. Phải chăng tôi đã bị “lây” những chia sẻ không mấy lạc quan của anh Lý Việt Nam? Anh Nam cho biết thêm, bây giờ rừng không còn nhiều cây lớn nên việc khai thác trái phép gỗ rừng không còn nhiều, chủ yếu là bà con đặt bẫy săn bắt các loại thú nhỏ như sóc, chuột rừng. Nỗi lo lớn nhất là bà con phát rừng làm nương rẫy. “Bây giờ sắp bước vào mùa mưa, bà con sống gần rừng hay lén lút vào rừng cơi nới nương rẫy để trồng ngô, trồng sắn. Có nhiều hôm đi tuần rừng, anh em phát hiện những vạt rừng mấy hôm trước còn nguyên hiện trạng, giờ đã biến thành những vườn điều bà con mới trồng”, anh Nam cho biết. Khó khăn là vậy, nhưng con người thì lại quá thiếu. Ban được giao biên chế 22 người, trong khi hiện tại thì chỉ có 17 người trong biên chế, 1 người hợp đồng. Lực lượng chuyên trách thiếu, chế độ đãi ngộ thấp, trong khi quyền hạn chức năng thì hạn chế, theo đó áp lực công việc của những người giữ rừng nơi đây là vô cùng lớn. “Có nhiều trường hợp anh em phát hiện bà con xâm hại tài nguyên rừng, do không có chức năng thu giữ phương tiện, tang vật, phải báo với cơ quan chức năng để phối hợp xử lý. Khi lực lượng chức năng đến nơi thì đối tượng vi phạm đã bỏ đi mất rồi”, anh Nam cho hay. Những bữa cơm chóng vánh nấu trong rừng để ăn qua bữa của anh em Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3. Ảnh: Đăng Lâm. Cũng theo anh Nam thì với lực lượng trực tiếp làm công tác bảo vệ rừng, phải trao thêm cho anh em một số quyền hạn như được phép thu giữ tang vật, phương tiện và đối tượng vi phạm, đồng thời cần được trang bị thêm công cụ hỗ trợ để anh em yên tâm hơn trong những chuyến tuần rừng… Cơm rừng, vượt lũ, đi cùng… vắt Xe chúng tôi dừng lại ở Trạm quản lý bảo vệ rừng số 3, cách trụ sở của Ban tầm hai mươi cây số. Căn nhà mái lợp tôn, vách thưng bằng gỗ tạp nằm chênh vênh trên sườn đồi ở đội 20 thuộc xã biên giới Ia Dom. Khi chúng tôi đến, cũng là lúc anh em ở đây đang chuẩn bị cho một chuyến tuần rừng. Trạm trưởng Nguyễn Cao Cường mời chúng tôi vào “nhà”. Căn nhà rộng khoảng ba mươi mét vuông gồm kho đựng dụng cụ chuyên dụng như dao rựa, biển báo, tài liệu tuyên truyền, một khu làm bếp và kê bàn ăn, còn lại là phòng ở cho bốn người gồm trạm trưởng Nguyễn Cao Cường và 3 thành viên khác là Bao (tôi chưa kịp hỏi đầy đủ họ tên), Kpah Tứ và Vũ Thị Trang. Tranh thủ ăn cơm để tiếp tục tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: Đăng Lâm. Khi được giới thiệu, tôi khá ấn tượng với nhân vật nữ duy nhất ở đây. Hầu như Ban nào cũng có nữ, nhưng các chị chỉ làm công tác văn phòng như kế toán, hoặc làm cấp dưỡng. Còn với Trang, cô lại trực tiếp cùng anh em lội rừng tuần tra. “Hồi nhỏ, ngoài giờ học, em hay theo cha mẹ đi làm rẫy, làm ruộng, hoặc vào rừng lấy mật ong, hái phong lan mang ra trung tâm bán. Lâu dần rồi quen, rồi… yêu rừng lúc nào cũng không biết nữa”, Trang cười chia sẻ với chúng tôi. Có lẽ cái tình yêu với rừng ấy đã “dẫn dụ” cô nữ sinh mười tám tuổi thi đỗ và theo học ngành lâm nghiệp của Trường Đại học Tây Nguyên. Trang sinh năm 1995, đã có 5 năm trong nghề, cũng là 5 năm trực tiếp băng rừng, lội suối cùng anh em tuần rừng. Những chuyến tuần rừng đầu tiên với Trang, là những ấn tượng không thể nào quên. “Đó là vào mùa khô cách đây đúng 5 năm, em cùng các anh ở trạm khoác ba lô vào rừng. Cũng không mệt lắm bởi chủ yếu là đi xe máy, đến đoạn đường khó đi thì giấu xe vào bụi cây và leo dốc. Nắng nóng, mồ hôi ra như tắm, nhưng em thấy đầy hào hứng”, Trang kể. Nhưng cái sự “hào hứng” ấy rồi cũng phải dừng lại, nhường chỗ cho áp lực của công việc, rồi hiểm nguy rình rập, rồi những lời đe dọa cộc cằn của những đối tượng phá rừng đầy manh động. Ngại nhất là vào mùa mưa. Nhiều hôm ở lại trong rừng, mưa đến mức không thể nhóm bếp nấu cơm, mỗi người mở ba lô, lấy ra một gói mỳ tôm nhai sống. Mới nhai được nửa gói mỳ, nửa gói còn lại đã mềm nhũn vì nước mưa. Có hôm đang đi tuần rừng gặp mưa lớn, nước lũ ào ào đổ về gầm réo vang động cả cánh rừng, cây rừng nghiêng ngả. Rồi vắt rừng, muỗi rừng đeo bám. Vắt cứ nhung nhúc từ trên những cành cây búng thẳng vào người, gỡ được một con thì hàng chục con khác đã kịp bu vào người. “Có những lúc, em đã bật khóc!”, Trang kể. Tác giả (thứ hai từ trái qua) cùng lực lượng bảo vệ rừng thuộc Trạm số 3. Ảnh: Tuấn Anh. Trang lấy chồng cách đây không lâu, hiện cô đang mang bầu em bé. Trạm trưởng Nguyễn Cao Cường cho biết, từ khi Trang có em bé, ba anh em chia sẻ bằng cách gánh thêm phần việc tuần rừng của Trang, để cô ở lại trạm lo cơm nước cho anh em. “Trạm được giao quản lý 10 tiểu khu với địa bàn rộng, địa hình phức tạp, lực lượng lại mỏng nên áp lực công việc quá lớn. Nhưng phải cố thôi, bọn em không còn sự chọn lựa nào khác”, Trạm trưởng Nguyễn Cao Cường nói. Còn anh Nam thì cho biết: “Có một vài anh em không ‘cố’ nổi do nhà xa, thu nhập thấp, áp lực công việc quá lớn nên dẫu vẫn yêu nghề đã phải xin ra khỏi ngành. Biết làm sao được!”. Vâng, biết làm sao được, khi mà sức người có hạn, mà ngoài trách nhiệm với công việc, còn có trách nhiệm với gia đình quá lớn lao! Theo anh Lý Việt Nam, Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ Đức Cơ: “Hiện tại là thời điểm làm việc bằng công nghệ, nên anh em rất cần sự hỗ trợ các công cụ chuyên ngành, cũng như sự đào tạo, hướng dẫn sử dụng công nghệ một cách bài bản hơn. Được vậy thì lực lượng trực tiếp tham gia làm công tác giữ rừng mới phát huy vai trò, làm tốt công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, nhà nước cần xem xét, điều chỉnh lại chế độ thu nhập cho lực lượng này, để anh em yên tâm công tác”.