Quỹ Thiện Tâm – Thêm điểm tựa giúp người chăn nuôi vượt khó
Các đại biểu tham quan mô hình chăn nuôi bò vỗ béo tại HTX Nông Nghiệp và Dịch vụ Hoàng Thức, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa. Ảnh: Đào Thanh. HTX Nông Nghiệp và Dịch vụ Hoàng Thức, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa thực hiện mô hình chăn nuôi bò nhiều năm nay mang liệu hiệu quả tích cực. Trung bình, HTX thường duy trì tổng đàn bò từ 150 đến 200 con, nuôi theo hình thức vỗ béo thương phẩm và nuôi bò sinh sản. Tham gia chương trình hỗ trợ vốn vay của Quỹ Thiện Tâm, thuộc Tập đoàn Vingroup, HTX có 25 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ 25 con bò giống và 25 con bò sinh sản. Chị Nguyễn Thị Uyên, Giám đốc HTX Nông Nghiệp và Dịch vụ Hoàng Thức cho biết, nguồn vốn từ chương trình của Quỹ Thiện Tâm thực sự là điểm tựa với hộ nghèo. Các hộ nông dân tham gia chương trình phần lớn là những hộ có rất ít kiến thức chăn nuôi cũng như kết nôi tiêu thụ sản phẩm. Tham gia là thành viên của HTX các hộ nông dân được hướng dẫn quy trình chăm sóc, biết tính lượng khẩu phần ăn, dinh dưỡng cho từng gia đoạn bò phát triển; biết cách vệ sinh chuồng chăn nuôi cũng như phòng trừ dịch bệnh bảo vệ đàn gia súc. Sau nửa năm triển khai, từ những con bò cái giống có trọng lượng từ 170-180kg đến nay đã có 6 con bê được sinh ra và 16 con bò đang có chửa. Đàn bò vỗ béo, đều sinh trưởng và phát triển tốt, một số con chuẩn bị được xuất chuồng. Gia đình chị Hoàng Thị Đồng, thôn Yên Quang, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa là hộ chăn nuôi quy mô lớn nhất nhì của HTX Hoàng Thức. Hiện nay chuồng chăn nuôi của gia đình chị Đồng có khoảng 30 con bò nuôi theo hình thức vỗ béo. Dù chăn nuôi quy mô khá lớn nhưng khi được vận động tham gia vào HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hoàng Thức chị Đồng nhiệt tình tham gia. Bởi khi vào HTX có nhiều hộ nông dân cùng tham gia tạo ra thị trường rộng lớn, việc kết nối với thương lái thuận lợi hơn từ nguồn cung con giống, thức ăn chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh đến tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó khi nhiều hộ tham gia sẽ chủ động trao đổi kinh nghiệm, kiến thức với nhau trên các hội nhóm của mạng xã hội cũng là một lợi thế tích cực của liên kết. Tham gia chương trình hỗ trợ nuôi bò vỗ béo của Quỹ Thiện Tâm chị Đồng được hỗ trợ 1 con bê. Chị cho biết, ngoài ý nghĩa là được hỗ trợ 1 con bê, thì chị có cơ hội chia sẻ, hướng dẫn kinh nghiệm chăn nuôi của mình với các hộ có hoàn cảnh khó khăn và ít có kinh nghiệm trong chăn nuôi. Nhiều hộ nghèo tham gia làm nhân công của HTX đã giải quyết được khó khăn trong sinh hoạt vì có công ăn việc làm ổn định. Khi học được kỹ thuật họ sẽ chủ động chăn nuôi độc lập cũng như nâng cao kiến thức làm ăn. HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang được hỗ trợ 1 xe ô tô hiệu Isuzu, của Quỹ Thiện Tâm. Việc sở hữu ô tô tải từ nguồn vốn đầu tư của Quỹ Thiện Tâm giúp HTX vận chuyển hàng hóa nhanh chóng và linh hoạt hơn, từ đó nâng cao năng suất lao động và giảm chi phí vận chuyển. Điều này cải thiện khả năng cạnh tranh và tăng thu nhập cho các thành viên. Chương trình hỗ trợ nguồn vốn của Quỹ Thiện Tâm đã tiếp thêm nguồn lực để các HTX phát triển sản xuất, bố trí công ăn việc làm, tạo nguồn sinh kế giúp người nông dân nghèo ở Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh. Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành cho biết, ngoài việc hỗ trợ người nông dân vận chuyển hàng hóa thì HTX cũng hỗ trợ giải quyết việc làm cho 30 người thuộc các hộ khó khăn tại địa phương với thu nhập 250.000đ/ngày, đảm bảo thu nhập 1.000.000 đồng/người/tháng. Đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển chăn nuôi với các thành viên trong HTX và giữa HTX với các HTX khác trong và ngoài tỉnh, HTX đẩy mạnh phát triển mô hình nuôi trâu bò vỗ béo; hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc, chăn nuôi trâu bò vỗ béo, cách ủ rơm rạ, trồng cây vụ đông, tận dụng cây ngô, lá mía để làm thức ăn cho đàn gia súc… HTX cũng hợp tác tiêu thụ sản phẩm trâu bò tạo đầu ra ổn định và sinh kế bền vững cho người nông dân. Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, sau 6 tháng triển khai chương trình hỗ trợ vốn của Quỹ Thiện Tâm, các HTX trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang gồm HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành; HTX Nông Nghiệp và Dịch vụ Hoàng Thức và HTX Nông lâm nghiệp Thổ Bình đều sử dụng đúng mục đích và hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ. Chương trình đã tiếp thêm nguồn lực để các HTX phát triển sản xuất, bố trí công ăn việc làm, tạo nguồn sinh kế giúp người nông dân nghèo khó khăn tại địa phương thoát nghèo bền vững từ chăn nuôi.