Bắc Kạn: Nhiều đồng lúa chìm sâu trong nước
Ông La Văn Hữu ở thôn Bản Chảy, xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn) chèo xuồng trên ruộng lúa đã ngập sâu hơn 3m của gia đình. Ảnh: Ngọc Tú. Năm nay, gia đình ông La Văn Hữu ở thôn Bản Chảy, xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) cấy hơn 5.000m2 lúa, ngô trong vụ mùa. Mưa lớn cuối tháng 7, đầu tháng 8 khiến các diện tích mới gieo cấy ngập trong biển nước. Nhà ông Hữu có 5 nhân khẩu, cả nhà chỉ trông chờ vào diện tích lúa mới cấy này, thế nhưng nước lũ về khiến công sức của gia đình đổ sông đổ bể. Ông Hữu cho biết, cánh đồng xã Nam Cường hầu như năm nào mưa lớn cũng ngập do cả khu vực chỉ có một cửa hang nhỏ hẹp thoát nước nên hàng tuần nước mới rút. Với mực nước ngập sâu hơn 3m như đợt này, mạ mới cấy sẽ hỏng hết, cầm chắc mất trắng. Theo thống kê của UBND xã Nam Cường, tổng diện tích lúa và cây màu bị ngập của xã hơn 25ha ở các thôn Cọn Poỏng, Bản Chảy, Nà Liền, Bản Mới, Nà Mèo và Cốc Lùng. Ông Mã Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Cường cho biết, khi nước rút xã sẽ vận động người dân khắc phục, chỗ nào còn cứu được sẽ làm ngay, với diện tích khác sẽ chuyển đổi sang trồng cây ngắn ngày để kịp thời vụ. Chỉ tính đợt mưa lớn từ ngày 29/7 đến ngày 2/8, toàn tỉnh Bắc Kạn có khoảng 540ha cây trồng ngắn ngày và cây lâm nghiệp bị ảnh hưởng. Trong số này phần lớn là lúa vụ mùa mới cấy, hoa màu, cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Huyện Na Rì bị thiệt hại nặng nhất với gần 230ha, huyện Chợ Đồn 150ha, huyện Bạch Thông 85ha, Ba Bể 61ha, thành phố Bắc Kạn khoảng 20ha. Ngoài ra, những đợt mưa trước đó cũng làm hàng trăm ha cây trồng tại Bắc Kạn bị hư hỏng. Cánh đồng xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn) ngập sâu dưới nước. Ảnh: Ngọc Tú. Sau khi những khu vực ngập úng nước bắt đầu rút, Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn đã yêu cầu các địa phương khẩn trương khắc phục. Đối với cây lúa, người dân huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông dòng chảy, sử dụng máy bơm để thoát nước, phân loại diện tích lúa bị ngập úng để có biện pháp khắc phục kịp thời. Với diện tích lúa gieo cấy sớm, thoát nước kịp, có khả năng hồi phục, thực hiện ngay việc sục bùn, bón bổ sung kali clorua, phun thêm các chất hỗ trợ sinh trưởng để cây lúa nhanh chóng phục hồi. Người dân cũng cần bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh sâu bệnh gây hại như bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá, sâu đục thân để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Điều chỉnh mực nước tiêu thoát đảm bảo cây lúa không bị rạp trên mặt nước, té nước rửa bùn đất bám trên bề mặt lá để tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp, tỉa dặm những chỗ lúa chết. Đối với lúa ở vùng trũng ngập nước kéo dài, lúa bị thối lá, đen rễ, cần khẩn trương bừa san lại ruộng, khi nước rút tranh thủ gieo cấy lại ngay khi còn trong khung thời vụ, trường hợp không còn thời vụ thì chủ động chuyển đổi sang trồng các loại rau màu phù hợp. Sở NN-PTNT Bắc Kạn cũng khuyến cáo người dân, với các loại cây màu cần khẩn trương thu hoạch ở những ruộng gần đến thời gian thu hoạch hoặc tận thu ở ruộng bị thiệt hại nặng. Với ruộng ngập thời gian ngắn và cây rau còn nhỏ có khả năng phục hồi cần phun các loại thuốc phòng trừ nấm, bón thêm phân khi thời tiết thuận lợi giúp cây nhanh phục hồi. Đối với những diện tích không có khả năng cho thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp rau kịp thời cho thị trường lúc giáp vụ, tăng thu nhập cho nông dân. Nhiều diện tích lúa của người dân không thể khắc phục, khi nước rút sẽ chuyển sang trồng cây ngắn ngày. Ảnh: Ngọc Tú. Đối với cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm, khẩn trương xẻ rãnh ở các mặt luống để thoát nước, xới phá váng để rễ cây được thông thoáng. Chủ động nguồn giống, vật tư để trồng dặm hoặc trồng tái canh các diện tích bị thiệt hại. Những vườn cây đang đậu quả non hoặc quả trong giai đoạn phát triển cần phun bổ sung phân bón lá có chứa Fe, Bo, Ca, Cu, B, Zn tránh hiện tượng nứt, rụng quả. Theo dõi thường xuyên vườn cây, đặc biệt là cây bị long gốc để kịp thời phát hiện bệnh trên rễ do nấm gây ra và có biện pháp phòng trừ kịp thời. Cây bị long gốc cần dậm chặt, vun gốc, sau đó có thể tưới thuốc trừ nấm hoặc các chế phẩm sinh học đối kháng nấm hại bằng loại thuốc có trong danh mục thuốc được phép sử dụng, nồng độ và cách sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Khi bộ rễ cây đã phục hồi mới tiến hành bón phân hữu cơ kết hợp với phân khoáng, phun phân bón lá (hạn chế sử dung phân bón hóa học) để tăng khả năng phục hồi của cây. Ông Nguyễn Duy Diệp, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết, Sở đã yêu cầu cán bộ kỹ thuật bám sát cơ sở, theo dõi chặt chẽ tình hình sâu bệnh hại để có biện pháp chủ động ứng phó kịp thời và xử lý nhanh trước những ảnh hưởng xấu của thời tiết, dịch hại gây ra. Tiếp tục rà soát diện tích cây trồng bị thiệt hại để tổng hợp, đề xuất chính sách hỗ trợ người dân theo quy định.