TIN TỨC

Phòng, chống dịch bệnh hiệu quả nhờ giữ được thú y 3 cấp

Cán bộ Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật Bến Tre thực hiện quy trình PCR xét nghiệm mẫu sinh phẩm giám sát dịch bệnh trên tôm nuôi. Ảnh: Minh Đảm. Bộ máy quản lý tinh gọn Thực hiện quyết định 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng, công văn 2173 ngày 14/4/2021 của Bộ NN-PTNT về việc thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp giai đoạn 2021-2030” (Đề án), UBND tỉnh Bến Tre đã ban hành các văn bản triển khai kịp thời có hiệu quả, bao quát các nhiệm vụ thú y địa phương. Hiện, tỉnh Bến Tre vẫn duy trì được hệ thống thú y 3 cấp: tỉnh, huyện, xã. Đối với cấp quản lý được tổ chức tinh gọn, bám sát các chức năng nhiệm vụ, cấp cơ sở được duy trì đảm bảo hoạt động hiệu quả. Ở cấp tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và thú y có 2 phòng chuyên môn và một Trạm là Phòng Hành chính – Tổng hợp, Phòng Quản lý chăn nuôi và Dịch bệnh, Trạm Chẩn đoán xét nghiệm và Điều trị bệnh động vật, giảm 2 phòng so với trước đây. Cấp huyện, có 3 Trạm Chăn nuôi và Thú y các khu vực: Cù lao Minh, Cù lao Bảo và Cù lao An Hóa phụ trách công tác chăn nuôi và thú y trên địa bàn 8 huyện và 1 thành phố do Chi cục Chăn nuôi và thú y quản lý, giảm 6 đầu mối so với trước đây. Đối với tổ chức thú y cấp xã, HĐND tỉnh Bến Tre đã thông qua Nghị quyết 08/2020/NQ ngày 7/7/2020, theo đó mỗi xã được bố trí một nhân viên thú y. Đến nay, đã có 151 nhân viên thú y trên 157 xã, phường thị trấn do UBND địa phương trực tiếp quản lý. Đối với các địa phương còn thiếu sẽ do nhân viên thú y có trình độ cao ở địa bàn lân cận kiêm nhiệm. Về chế độ thu nhập, nhân viên thú y cấp xã hưởng hệ số lương cơ bản 1.0 và tiền bảo hiểm xã hội. Về chất lượng nguồn nhân lực, đội ngũ nhân sự các cấp không ngừng trau dồi, học tập nâng cao trình độ, kinh nghiệm công tác. Cấp tỉnh có 26 nhân sự, có 8 người trình độ cao học, 15 người đại học, trung cấp 1 người và sơ cấp 2 người (phụ việc). Cấp huyện có 35 người, trong đó thạc sĩ 4 người, đại học 26 người, trung cấp 6 người. Cấp xã có 22 người trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp là 119 người. Ở cấp xã chỉ còn 10 người trình độ sơ cấp, tuy nhiên đã có nhiều năm kinh nghiệm làm công tác thú y địa phương. “Trong 3 năm 2021-2023 đã đào tạo 5 thạc sỹ chuyên ngành thú y, 1 thạc sỹ chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ 9 người. Ngoài ra, còn đào tạo, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp, lý luận chính trị, ngoại ngữ, vi tính…”, ông Trần Quang Thái, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y chia sẻ. Phân tích mẫu sinh phẩm tại Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bến Tre. Ảnh: Minh Đảm. Phòng, chống dịch bệnh hiệu quả Nhờ giữ được hệ thống thú y 3 cấp, đặc biệt lực lượng cơ sở được duy trì nên công tác triển khai phòng, chống dịch bệnh đạt được hiệu quả khá tốt. Hàng năm, đều triển khai thực hiện giám sát chủ động phát hiện sớm dịch bệnh nguy hiểm theo quy định trên gia súc, gia cầm, bệnh dại, thủy sản. Cụ thể, trên tôm giống năm 2021 ngành tổ chức lấy 52 mẫu giám sát phát hiện 3 mẫu dương tính với EHP, năm 2022 thu 130 mẫu giám sát phát hiện 1 mẫu dương tính với EHP. Trên tôm nuôi, năm 2021 thu 120 mẫu giám sát phát hiện 19 mẫu dương tính với các mầm bệnh nguy hiểm, năm 2022 thu 240 mẫu phát hiện 65 mẫu nhiễm mầm bệnh. Ngoài ra, cũng nhờ công tác này phát hiện sớm mầm bệnh trên cá tra, cá rô phi, nhuyễn thể. Trong công tác tiêm phòng vacxin, lực lượng thú y đã tuyên truyền hướng dẫn người chăn nuôi tổ chức tiêm phòng vacxin các loại bệnh nguy hiểm, đồng thời tăng cường kiểm tra giám sát công tác tiêm phòng, tổ chức tiêm phòng đại trà có hỗ trợ vacxin từ nguồn dự trữ phòng, chống dịch bệnh. Vận chuyển heo đảm bảo an toàn, kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam. Ảnh: Minh Đảm. Như đối với bệnh dại, 3 năm (2021-2023) tiêm phòng phòng dịch được trên 337.000 liều, tiêm phòng chống dịch được trên 58.000 liều. Còn bệnh heo tai xanh tiêm phòng phòng dịch được trên 300.000 liều, riêng năm 2023 là trên 297.000 liều. Đối với cúm gia cầm phòng dịch được gần 21 triệu liều, chống dịch được 92.000 liều. Lở mồm long móng, phòng dịch được trên 1 triệu liều, chống dịch trên 7.700 liều. Còn bệnh viêm da nổi cục, tiêm phòng dịch được trên 347.000 liều, chống dịch được trên 151.000 liều. Hàng năm, ngành tổ chức các đợt tiêu độc khử trùng đồng loạt theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT. Bên cạnh đó, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên tự tổ chức vệ sinh tiêu độc môi trường, chăn nuôi an toàn sinh học. Ngoài ra, hỗ trợ hóa chất khi có phát sinh các ổ dịch với trên 18 ngàn lít hóa chất, 13,7 tấn chlorine. “Các ổ dịch khi phát hiện đều được tổ chức thực hiện các giải pháp phòng, chống kịp thời, theo đúng quy định và khống chế hiệu quả, không để lây lan diện rộng. Ngoài ra, tỉnh cũng ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao, sử dụng có hiệu quả các phần mềm của Cục Thú y để chủ động công tác phòng chống dịch bệnh động vật. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tiên phong triển khai công tác chuyển đổi số phục vụ công tác quản lý chăn nuôi dịch bệnh trên địa bàn tỉnh.”, ông Trần Quang Thái khẳng định. Tỉnh Bến Tre kiến nghị hỗ trợ đào tạo, nâng cao công tác chẩn đoán, xét nghiệm và đầu tư, nâng cấp hoạt động phòng thí nghiệm của các chi cục tại địa phương. Ảnh: Minh Đảm. Kiến nghị hỗ trợ nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm Tại vùng cù lao Minh gồm 4 huyện: Chợ Lách, Mỏ Cày Bắc, Mỏ Cày Nam và Thạnh Phú, trước đây có 4 Trạm Chăn nuôi và Thú y tại 4 địa phương, nay đã gom về một đầu mối duy nhất là Trạm Chăn nuôi và Thú y Cù lao Minh đặt trụ sở tại thị trấn Mỏ Cày Nam. Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Trạm trưởng Cù lao Minh chia sẻ: Công tác tham mưu cho UBND cấp huyện được đồng bộ hơn, thay vì trước đây mỗi trạm sẽ tham mưu riêng rẽ. Vì là cấp quản lý trung gian nên khi giảm số đầu mối cũng không ảnh hưởng quá nhiều đến công tác tham mưu quản lý cho UBND cấp huyện, chất lượng công việc vẫn đảm bảo. Tuy nhiên, địa bàn phụ trách rộng hơn nên công việc có phần vất vả hơn. Theo văn bản báo cáo của UBND tỉnh Bến Tre, do còn khó khăn về biên chế nên số lượng công chức bố trí thực hiện công tác kiểm dịch động vật trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu, cần bổ sung thêm viên chức thực hiện kiểm dịch động vật tại các trạm chăn nuôi và thú y các cù lao. Ngoài ra, tỉnh cũng còn gặp khó về công tác xét nghiệm chẩn đoán động vật, vệ sinh thú y, xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm. Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre kiến nghị, Cục Thú y sớm xây dựng và ban hành hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ trên phạm vi cả nước. Bên cạnh đó, hỗ trợ đào tạo, nâng cao công tác chẩn đoán, xét nghiệm và đầu tư, nâng cấp hoạt động phòng thí nghiệm của các chi cục tại địa phương. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, triển khai văn bản quy phạm pháp luật lĩnh vực thú y để các tỉnh, thành phố thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước. Bà Dương Thị Mỹ Trang, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Mỏ Cày Nam rất đồng tình việc thành lập các Trạm Chăn nuôi và Thú y vùng, bởi vừa giảm được đầu mối nhưng vẫn giúp công tác phối hợp, tham mưu kịp thời, đảm bảo được công tác quản lý, phòng chống dịch bệnh, tất nhiên công việc của Trạm sẽ vất vả hơn thời điểm mỗi huyện 1 Trạm như trước.