Uông Bí chủ động phòng trừ châu chấu tre
Châu chấu tre lưng vàng gây hại ngô tại Quảng Ninh. Ảnh: Cường Vũ. Hiện nay, châu chấu tre đã phát sinh và gây hại tại 11/16 tỉnh phía Bắc với diện tích bị nhiễm khoảng 1.031ha, trong đó có tỉnh Quảng Ninh. Như vậy, so với thời điểm cuối tháng 5/2024, dịch châu chấu tre đã xuất hiện thêm ở 7 tỉnh và diện tích bị nhiễm tăng khoảng 400ha. Để chủ động phòng, chống nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cây trồng do châu chấu tre gây ra, UBND TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan và UBND các xã, phường tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sản xuất nông nghiệp và các chủ rừng thường xuyên kiểm tra, nắm bắt sự xuất hiện của châu chấu tre. Ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí cho biết, Thành phố đã phân công cán bộ kỹ thuật theo dõi, nắm bắt tình hình châu chấu tre gây hại trên tre, nứa và cây nông nghiệp khác để chủ động phát hiện và tổ chức xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, hạn chế thấp nhất bùng phát trên diện rộng. Đồng thời báo cáo diễn biến tình hình phát sinh, phát triển của châu chấu tre gây hại trên cây trồng về UBND Thành phố qua Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp để kịp thời chỉ đạo xử lý. Thành phố cũng giao Hạt Kiểm lâm Uông Bí có trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng tăng cường kiểm tra, phát hiện và thực hiện phòng trừ châu chấu tre trên cây lâm nghiệp (nếu có); chủ động nắm bắt, trao đổi về tình hình phát sinh và gây hại của châu chấu tre trên cây trồng lâm nghiệp với Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Thành phố để phối hợp xử lý. Theo ông Nguyễn Duy Toàn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Thành phố Uông Bí, Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ kỹ thuật chủ động, tăng cường điều tra, dự tính, dự báo tình hình phát sinh, gây hại cây trồng của châu chấu tre trên địa bàn Thành phố để đề xuất các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong công tác chỉ đạo phòng trừ châu chấu tre tại các địa phương; chủ động xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện về vật tư, nhân lực cho công tác phòng trừ châu chấu tre trên địa bàn Thành phố. Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp Thành phố Uông Bí kiểm tra công tác phòng trừ châu chấu hại lúa. Ảnh: Cường Vũ. “Châu chấu tre là loài côn trùng đa thực, thời gian sống và gây hại dài, có khả năng di chuyển nhanh, thường tập trung thành từng đàn và có sức tàn phá mạnh. Nếu không phòng trừ kịp thời, sẽ ảnh hưởng lớn tới sản xuất”, ông Toàn nhấn mạnh. Ông Trần Văn Thực, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Ninh cho biết, để chủ động phòng chống, hạn chế thấp nhất thiệt hại cây trồng do châu chấu tre gây ra, cần theo dõi, phát hiện sớm các ổ châu chấu mới nở, còn co cụm, sống quần tụ, tổ chức diệt trừ bằng biện pháp thủ công, dùng vợt bắt đồng loạt. Những diện tích có mật độ châu chấu tre cao, khoảng trên 100 con/bụi đối với cây tre, nứa và trên 20 con/m2 đối với cây trồng nông nghiệp, cần kết hợp biện pháp thủ công với dùng thuốc bảo vệ thực vật để xử lý. “Có thể sử dụng các loại thuốc có trong Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam để xử lý phòng trừ như Anvado 100WG, Neretox 95WP, Lufen extra 100EC… Nên phun thuốc vào sáng sớm hoặc chiều mát vì đây là thời điểm châu chấu tre ít di chuyển. Nồng độ và liều lượng sử dụng thuốc theo khuyến cáo trên bao bì của nhà sản xuất và cơ quan chuyên môn có thẩm quyền”, ông Thực hướng dẫn. Ông Thực lưu ý, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện theo nguyên tắc “4 đúng”, đó là đúng thuốc, đúng lúc, đúng tỷ lệ liều lượng và đúng cách. Nên phun thuốc tập trung, bao vây xung quanh các ổ châu chấu tre, phun cuốn chiếu từng khu vực. Đặc biệt lưu ý tuyệt đối không được chăn thả gia súc, gia cầm trong khu vực phun thuốc.