TIN TỨC

Người dân sợ ‘nước sạch’: UBND xã Hòa Bình vào cuộc kiểm tra

Dùng nước mưa thay nước sạch Từ nỗi sợ nước ‘sạch’, người dân xã Hoà Bình buộc phải dùng nước mưa thay thế thứ nước mà họ phải bỏ tiền ra mua. Gia đình nào không có đủ nước mưa phải đi xin hàng xóm. Còn “nước sạch” mua từ nhà máy, người dân chỉ dùng để cọ rửa nền nhà tắm, nhà vệ sinh,… Thậm chí có những hộ gia đình phải đầu tư thêm một hệ thống lọc trước khi sử dụng. Nhiều hệ thống lọc nước đã được đầu tư nhưng chưa thể đem lại sự an tâm cho người sử dụng. Ảnh: Hùng Khang. Gia đình ông Phạm Đăng Dung (xã Hòa Bình) phải chia rõ ràng thành bể nước mưa và bể “nước sạch”. Theo quan sát và so sánh của ông Dung, “nước sạch” chỉ thi thoảng có màu trong chứ không sạch. Ông Dung đã rất nhớ mùi Clo trong nước sạch, nhưng vẫn phải dùng nước mưa để sinh hoạt. Tiền nước nhà máy chưa bao giờ thu thiếu của người dân, nhưng cái thiếu ở đây là sự rõ ràng về chất lượng nước sạch khi đến tay bà con. Người dân chỉ thật sự an tâm khi sử dụng nước mưa. Ảnh: Hùng Khang. Cận cảnh công nghệ xử lý nước sạch Chất lượng nguồn nước đầu ra không đảm bảo đặt ra nhiều nghi vấn về quá trình xử lý nước của doanh nghiệp này. Công nghệ xử lý của nhà máy là công nghệ Nhật Bản, được chuyển giao từ năm 2015.   Ông Nguyễn Đức Toàn (Chủ doanh nghiệp Hoàng Luật) khẳng định: “Chúng tôi làm theo quy trình của nhà máy, tuần tự từ bể nọ sang bể kia chứ không thể đổ tuột nước sông vào bể này để tránh bể kia được…”. Tuy nhiên, tại những khu vực bể chứa nước xuất hiện nhiều vết ố bẩn, rong rêu. Điều này được chủ doanh nghiệp lý giải là điều tất yếu khi chứa nước và cương quyết khẳng định đã cọ rửa bể thường xuyên. Tại khu vực giếng trộn có nhiều lắng cặn, hệ thống ống dẫn nước đã chuyển sang màu ố vàng như bám cặn. Trên thành bể, nhiều lớp rêu đã bong tróc, có khả năng rơi xuống bể và trở thành nguồn gây ô nhiễm. Cận cảnh công nghệ xử lý nước của doanh nghiệp cấp nước. Ảnh: Hùng Khang. Ngoài ra, tại một số bể chứa còn xuất hiện nhiều côn trùng nhỏ bám chặt vào thành bể. Xác của nhiều con chết rơi trực tiếp xuống bể. Thậm chí, ở một số mặt bể còn xuất hiện váng, không rõ nguyên nhân. Chứng kiến những hình ảnh này, chúng tôi không khỏi rùng mình về công nghệ xử lý nước sạch của nhà máy này và đặt ra nghi vấn về việc chất lượng nước đầu ra có đảm bảo vệ sinh hay không. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn, đại diện doanh nghiệp quả quyết, chất lượng nước đầu ra vẫn đạt tiêu chuẩn. Trách nhiệm thuộc về ai? Quyết định 3757/QĐ-UBND ngày 17/12/2019 của UBND tỉnh Thái Bình quy định rất rõ trách nhiệm của từng cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trong công tác quản lý, khai thác và bảo vệ công trình cấp nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch cấp nước sạch khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cấp nước đối với các công trình cấp nước sạch tập trung nông thôn nhằm phát hiện, ngăn chặn, xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm pháp luật về cấp nước. Sở Y tế thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kiểm tra, giám sát chất lượng nước; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch của các đơn vị cấp nước theo Thông tư số 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế. Mua nước sạch nhưng người dân lại chỉ có thể dùng nước mưa để ăn uống. Ảnh: Hùng Khang. Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước; xả nước thải vào nguồn nước; phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt sau khi công trình được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác; đôn đốc, hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân xác định ranh giới vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt trên thực địa sau khi được phê duyệt và công bố. UBND xã phối hợp với đơn vị cấp nước xây dựng quy chế phối hợp về quản lý, vận hành, khai thác và bảo vệ công trình; kế hoạch ứng phó các sự cố của công trình cấp nước sạch tập trung. Ngoài ra, cũng cần phối hợp chặt chẽ với đơn vị cấp nước trong việc triển khai, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm với các tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm làm hư hại công trình cấp nước sạch tập trung theo quy định của pháp luật. Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp Việt Nam về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Hòa (Chủ tịch UBND xã Hòa Bình) thừa nhận, công tác giám sát của địa phương chưa được đảm bảo, địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình đối với người dân trên địa bàn. Chủ tịch xã Hòa Bình cho rằng điều này có liên quan đến các cơ quan chuyên môn. Địa phương tin tưởng vào các cơ quan này vì vậy xã cũng không có sự giám sát độc lập đối với hoạt động cấp nước này. Trên thực tế, doanh nghiệp này có trưng ra kết quả thử nghiệm của các mẫu kiểm nghiệm tại CDC. Kết quả này chỉ rõ các tiêu chí hóa lý như màu sắc, mùi vị, độ đục, độ pH, hàm lượng Clo và các tiêu chí vi sinh như: Coliform, E.coli đều ở ngưỡng an toàn. Tuy nhiên, các mẫu này lại là do doanh nghiệp tự mang đến kiểm nghiệm chứ không do giám sát đột xuất, lấy mẫu ngẫu nhiên. Ông Hòa thừa nhận địa phương chưa làm hết trách nhiệm của mình đối với người dân trên địa bàn. Ảnh: Minh Toàn. Kết quả kiểm nghiệm mẫu nước của doanh nghiệp đem lại sự yên tâm trên giấy tờ. Tuy nhiên, trên thực tế, cảm quan của người dân lại đem đến sự bất an khi sử dụng. Điều đó đặt ra dấu hỏi lớn trong công tác giám sát của cơ quan quản lý. Ông Hòa cho hay: “Khi nhận được những thông tin như vậy, chúng tôi đã mời doanh nghiệp lên làm việc. Địa phương sẽ kiểm tra, giám sát độc lập theo chức năng, nhiệm vụ đối với doanh nghiệp. Để cải thiện chất lượng nước cũng đề nghị doanh nghiệp nâng cấp nhà máy, đầu tư các trang thiết bị hiện đại để đảm bảo chất lượng nước cho bà con…”. Từ những gì đã và đang xảy ra, người dân xã Hòa Bình cho rằng, thay vì gọi là nước sạch nông thôn thì nên gọi là nước sinh hoạt nông thôn sẽ đúng hơn. Vì thực sự thứ nước sạch họ bỏ tiền túi để mua về hàng tháng chưa mang lại sự yên tâm khi sử dụng để ăn uống.