TIN TỨC

Núi Pù Húc dọa ‘húc’ nhà dân

Khu vực núi Pù Húc, thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai gây ra. Ảnh: Đào Thanh. Núi Pù Húc đe dọa sạt lở Trong 7 tháng đầu năm 2024, trên địa huyện Lâm Bình đã xảy ra nhiều đợt mưa vừa, mưa to cục bộ gây ra các đợt lũ quét, sạt lở đất với diễn biến khó lường. Trong đó, đợt mưa lớn kéo dài từ ngày 21 – 22/6 tại thị trấn Lăng Can đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất làm ảnh hưởng, thiệt hại đến nhà ở, các công trình hạ tầng, đời sống và sản xuất của người dân. Đặc biệt là với 10 hộ dân sống dưới chân núi Pù Húc, tổ dân phố Nà Khà, thị trấn Lăng Can. Ông Quan Văn Phùng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Lâm Bình cho biết, những đợt mưa lớn kéo dài, tại các sườn núi đã hình thành nhiều vệt lũ quét và các điểm sạt lở đất. Hiện nay khối đất, đá vẫn đang tiếp tục trượt, sạt và có nguy cơ cao trong mùa mưa lũ năm 2024, gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của 10 hộ dân (42 nhân khẩu) đang sinh sống tiếp giáp phía dưới chân núi Pù Húc, tổ dân phố Nà Khà và Bản Khiển của thị trấn Lăng Can. 10 hộ dân kể trên 100% là người dân tộc thiểu số, trong đó có 6 hộ nghèo, 1 hộ cận nghèo, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Gia đình ông Nguyễn Văn Công, sinh sống tại khu vực Thác Én, thôn Bản Khiển, thị trấn Lăng Can là hộ nghèo với 6 nhân khẩu. Ông Công cho biết, năm nay mưa nhiều, nên một số khu vực trên đỉnh núi có hiện tượng sạt lở đất rất nguy hiểm. Ông mong muốn chính quyền các cấp sớm bố trí được quỹ đất tái định cư để hỗ trợ gia đình đến nơi ở mới đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống. Trước thực trạng nguy hiểm do thiên tai đe dọa, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản đề nghị các sở, ngành liên quan và UBND huyện Lâm Bình tổ chức di dời khẩn cấp toàn bộ người dân đến nơi an toàn khi có nguy cơ, tình huống sạt lở nguy hiểm và thực hiện các nội dung khác trong phương án phòng, chống thiên tai đã được phê duyệt; nghiên cứu, đề xuất phương án di dời các hộ dân khu vực sạt lở đất đến nơi tái định cư an toàn. Chính quyền huyện Lâm Bình và người dân địa phương đang tích cực phối hợp tìm giải pháp để sớm đưa người dân đến nơi ở mới an toàn. Ảnh: Đào Thanh. Trong trường hợp không thể xử lý ổn định tại chỗ, cần chủ động sử dụng nguồn kinh phí của địa phương để tổ chức thực hiện. Trường hợp vượt quá khả năng kinh phí ngân sách của huyện, báo cáo UBND tỉnh để xem xét, giải quyết. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Can, huyện Lâm Bình cho biết, hiện nay các cơ quan, đơn vị gặp gỡ 10 hộ dân để nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ, từ đó có phương án sắp xếp bố trí quỹ đất để họ di chuyển đến nơi ở mới. UBND thị trấn cũng đang tích cực phối hợp với các đơn vị của huyện tìm mặt bằng, quỹ đất xây dựng phương án trình UBND huyện thẩm định phê duyệt đảm bảo đúng quy định. Khi có đủ quỹ đất, chính quyền địa phương sẽ huy động các tổ chức đoàn thể cùng người dân các thôn hỗ trợ 10 hộ gia đình di chuyển nhà ở và tài sản đến nơi ở mới, đảm bảo an toàn và ổn định cuộc sống. Dự kiến sẽ hoàn thành việc di chuyển 10/10 hộ dân trước tháng 9/2024. Hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản Hàng năm vào mùa mưa bão, thiên tai đã gây thiệt hại về nhà ở, hoa màu và cả sinh mạng con người. Lũ quét, sạt lở đất đã khiến không ít gia đình rơi vào cảnh hoang tàn, liêu xiêu. Để chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiệt hại, giải pháp được các địa phương của tỉnh Tuyên Quang đưa ra là thường xuyên thực hiện thông tin, cảnh báo các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá. Trên cơ sở đó, tổ chức rà soát, kiểm tra các vị trí xảy ra sạt, lở, thực hiện cắm biển cảnh báo để người dân biết chủ động, sơ tán, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Theo Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025, thực hiện chương trình bố trí dân cư, toàn tỉnh có 753 hộ thuộc diện được di chuyển đến nơi ở mới an toàn. Tổng nguồn vốn thực hiện là hơn 157 tỷ đồng.  Kết quả, giai đoạn từ 2021-2023, đối với dự án di dân tập trung, tỉnh thực hiện di chuyển được 288 hộ, gồm 280 hộ vùng thiên tai, 80 hộ vùng đặc biệt khó khăn. Đối với bố trí ổn định dân cư vùng đặc biệt khó khăn được 31 hộ. Di dân theo hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ là 242 hộ, gồm 122 hộ xen ghép, 120 hộ ổn định tại chỗ. Thực hiện bố trí dân cư giai đoạn 2021-2024 là 188 hộ. Ông Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang cho biết, các dự án bố trí dân cư cơ bản đã hình thành được các khu dân cư mới theo tiêu chí phát triển bền vững, đời sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Trong quá trình triển khai và quản lý thực hiện theo đúng quy định, nội dung, mục tiêu các dự án. Các hạng mục đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng phù hợp yêu cầu và phát huy hiệu quả. Hàng năm, lũ quét, sạt lở đất gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương ở tỉnh Tuyên Quang trong mùa mưa bão. Ảnh: Đào Thanh. Chuyển ra nơi ở mới, gia đình bà Hoàng Thị Dung, thôn Nà Đứa, xã Đà Vị, huyện Na Hang đã trút bỏ được lo âu, thấp thỏm mỗi khi mưa lớn xảy ra. Bà Dung cho biết, gia đình bà có 7 nhân khẩu, năm 2023, gia đình bà được nhà nước di chuyển đến khu ở mới tập trung, thuộc dự án sắp xếp ổn định dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm. Qua hơn 1 năm đến nơi ở mới, gia đình bà Dung dần ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn phát triển kinh tế. Hiện nay đang là cao điểm mùa mưa bão, nguy cơ lũ ống, lũ quét sạt lở đất tại các huyện miền núi là rất cao, do đó UBND tỉnh Tuyên Quang chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp khẩn cấp áp dụng để ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ và tình hình sạt lở đất; thực hiện việc cắm biển báo, khoanh vùng khu vực nguy hiểm; chủ động thực hiện các biện pháp sơ tán người và tài sản đến khu vực an toàn khi có diễn biến bất thường tại khu vực sạt lở, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị phù hợp để hỗ trợ, ứng phó khi có yêu cầu, kịp thời báo cáo khi có tình huống khẩn cấp xảy ra. UBND các huyện, thành phố và Ban chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp cần tăng cường công tác thông tin, cảnh báo hướng dẫn người dân nhận biết về dấu hiệu, nguy cơ xảy ra sạt lở; thông báo các khu vực có nguy cơ sạt lở, hướng dẫn kỹ năng để người dân chủ động ứng phó sẵn sàng sơ tán khi có mưa lớn xảy ra; chủ động sử dụng ngân sách dự phòng để thực hiện việc sơ tán, di chuyển người dân đến nơi an toàn và khắc phục thiệt hại theo đúng quy định.