Dọc đường biên Mường Lát: [Bài cuối] Tìm lối thoát cho huyện nghèo nhất tỉnh
1. Trưởng bản Suối Tút – Tạ Văn Lai (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) mấy năm đau đáu chuyện thoát nghèo của dân bản. Bản có 26 hộ dân, 130 nhân khẩu nhưng hầu hết là hộ nghèo và cận nghèo. Đời sống người dân quanh năm bám vào cây lúa, cây ngô. Năm nào trời thương, thì năm đó lúa, ngô cho hạt. Năm nào hạn hán thì cả bản thiếu ăn. Dân bản luẩn quẩn trong nghèo đói, bởi vậy, thanh niên làng dần bỏ xứ đi làm ăn xa: “Cả bản giờ chỉ còn khoảng 60 người chủ yếu là người già và trẻ em. Thanh niên làng khoảng 20 người, giờ còn lác đác vài người ở lại làm nương, rẫy. Nhiều cặp vợ chồng trẻ phải gửi con cái cho ông bà ở quê để đi tìm việc làm. Có vợ chồng phải gửi cả 4 đứa con cho ông bà nội để đi làm ăn xa, mấy năm nay chưa về một lần. Mọi chuyện từ ốm đau, bệnh tật, ma chay, hiếu hỷ đều do người có tuổi trong bản cáng đáng”, ông Lai cho biết. Ông Tạ Văn Lai, Trưởng bản Suối Tút (xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, Thanh Hóa). Ảnh: Quốc Toản. Bản Suối Tút dạo trước rộ lên việc trồng xoan, với diện tích khoảng 50 ha. Được vài năm dân bỏ gần hết. Trồng xoan không đem lại hiệu quả, dân chặt cây xếp đống ven đường, nhường đất cho cây trồng khác: “Cây xoan được vài năm đầu, đến năm thứ 4 trở đi thì còi cọc và chết do không hợp thổ nhưỡng… Công chăm sóc bấy lâu của người dân bỗng tan thành mây khói. Cũng may, nhờ trồng xoan, người dân được nhà nước hỗ trợ gạo nên mới có cái ăn qua ngày”, ông Lai nói. Ông Lai là trưởng bản nên khá áp lực chuyện sinh kế cho bà con. Trưởng bản Suối Tút nhớ lại, có lần người trong bản về quê ăn Tết mang theo cam Lào biếu ông. Ông Lai ăn thử và thấy ngon nên tìm hiểu cặn kẽ giống cam này. Năm 2013, ông Lai cùng bạn thân là trưởng bản Con Dao làm giấy tờ, sang Lào học cách trồng cam và mua giống về trồng. Nói thì dễ, nhưng ông Lai cũng phải mất vài tháng trời đánh đường liên tục sang Lào học kỹ thuật trồng cam. Có giống cam, nhưng dân ra điều kiện với trưởng bản: Cán bộ phải trồng trước dân bản mới tin. Trưởng bản Lai tự tin có kỹ thuật trong tay, đem giống gốc cam Lào lên khu đồi rộng 1ha phía sau nhà hì hục trồng trong 1 tuần. Mất 7 năm, cam Lào mới cho ra quả bói đầu tiên. Ông Lai thu hoạch vụ đầu tiên khoảng 1 tấn cam và bỏ túi 20 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Cây cam Lào đang giúp nhiều hộ dân tại bản Suối Tút thoát nghèo. Ảnh: CTV. Nhận thấy hiệu quả, ông Lai bắt đầu dùng hạt để nhân giống, mở rộng diện tích cho vụ tiếp theo lên 2ha. Theo ông Lai, cam Lào dễ trồng, vỏ mỏng, ngọt, ít xơ, ít hạt phù hợp với đất đồi, giá bán tương đối cao. Vài năm nay, người dân trong bản học tập ông Lai, mở rộng diện tích trồng cam lên hơn 30ha. Cam Lào được người tiêu dùng ưa thích, chín đến đâu, thương lái thu mua đến đó. Đặc biệt, vào chính vụ từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, nhiều thương lái ở Hà Nội tìm về tận vườn, trực tiếp hái cam và mua với giá 30.000 đồng/kg. Ông Lai cho biết, diện tích đồi ở bản Suối Tút trước đây rất khó canh tác, vì đất dốc lại khan hiếm nguồn nước. Ông đã trồng nhiều loài cây như ngô, sắn, mía nhưng hiệu quả kinh tế không cao, đất nhanh bạc màu. Trong khi đó, trồng cam chỉ mất công làm cỏ, chăm bón đúng thời vụ và chỉ vất vả khi thu hoạch rộ. Sau vài năm, trồng cam Lào, hiệu quả gấp đôi so với trồng ngô, sắn, bà con có thêm thu nhập. Theo ông Lai, từ khi bản Suối Tút trồng cam Lào, đã có 6 hộ dân thoát nghèo. Có hộ dân trong làng chỉ trồng vài vụ cam Lào đã xây được nhà tiền tỷ. 2. Từ bản Suối Tút đến bản Pùng (xã Quang Chiểu) mất khoảng 20 phút đi xe máy. Ít ai dám nghĩ tại một xã thuộc huyện nghèo của cả nước lại xuất hiện hàng trăm căn nhà khang trang, kiên cố trị giá vài trăm triệu đến cả tỷ đồng, trông chả khác nào phố thị. Ông Vi Hồng Inh là cán bộ văn phòng UBND xã Quang Chiểu có 2 đứa con đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc. Cách đây không lâu, ông Inh xây cất căn nhà khoảng 1 tỷ đồng từ tiền của 2 đứa con gửi về. Ngoài ra, ông Inh còn lập sổ tiết kiệm cho 2 đứa làm vốn sau khi chúng trở về từ nước ngoài. Gia đình mấy năm nay có của ăn của để, vợ chồng ông Inh cũng mở mày, mở mặt với thiên hạ. Căn nhà khang trang của ông Vi Hồng Inh tại xã Quang Chiểu được xây dựng cách đây chưa lâu. Ảnh: Quốc Toản. Không chỉ gia đình ông Inh, cả bản Pùng cũng trở nên sung túc nhờ tiền của lao động xa xứ gửi về. Phó Chủ tịch xã Quang Chiểu – Vi Văn Thứ thành thật, nếu không có nghề xuất khẩu lao động, thì bà con dân bản không thể có ngày như hôm nay. Chỉ sau vài năm, hàng chục hộ dân xã Quang Chiểu đã thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động. Đơn cử như tại bản Pùng, một số gia đình tới 2 người đi xuất khẩu lao động, mỗi tháng con cái gửi về từ 60-70 triệu đồng. Khi ổn định, họ rủ thêm anh em xuất ngoại, làm việc tại Đài Loan, Nhật Bản… Hiện nay, cả 13 bản của Quang Chiểu đều có người đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản với tổng số 249 lao động, đông nhất là bản Pùng, bản Xim. Toàn xã hiện còn khoảng 40 lao động đang chờ xuất ngoại. Đến nay, khi lao động làm quen với môi trường và công việc ở nước ngoài, tiền gửi về quê đều đặn, bộ mặt làng quê tại xã Quang Chiểu thay đổi rõ rệt. Từ việc xuất khẩu lao động, người dân đã có của ăn, của để, ý thức cũng đi lên, nạn trộm cắp vặt không còn. Khi xã kêu gọi đóng góp nông thôn mới, người dân không ngần ngại hưởng ứng. Một góc Bản Pùng, xã Quang Chiểu. Ảnh: Quốc Toản. Theo cán bộ Thứ, trong vài năm qua, lượng tiền đóng góp của người dân thông qua xã hội hóa để thực hiện các công trình xây dựng cơ bản đã lên tới hơn 10 tỷ đồng. Tại 13 bản của xã Quảng Chiểu đã được bê tông hóa đường thôn, xã kiên cố với tổng chiều dài 50km; 8 bản đã đạt chuẩn nông thôn mới. Các bản này đều có số lao động xuất khẩu khá đông. Bởi vậy, lãnh đạo xã ra “nghị quyết” quyết tâm đưa Quang Chiểu phải đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2025. Cán bộ Thứ mở sổ thống kê dài dằng dặc danh sách con em địa phương sang nước ngoài làm việc. Chỉ tính trong năm 2023 lượng tiền gửi về địa phương từ xuất khẩu lao động đạt hơn 80 tỷ đồng, chưa kể thanh niên trai, gái trong xã cũng có tới 1.000 người đi làm ở các công ty, xí nghiệp trong nước như: da giày, may mặc, nghề điện, nghề xây dựng… Tính đến tháng 7/2024 số tiền lao động xuất khẩu gửi về địa phương đã đạt hơn 60 tỷ đồng. Toàn xã có hơn 1.300 hộ gia đình, trước đây hầu hết thuộc diện nghèo, cận nghèo, trong đó có tới 90% dân số sinh sống bằng nghề nông, thu nhập bấp bênh. Chỉ sau khoảng chục năm, toàn xã chỉ còn hơn 300 hộ nghèo, cận nghèo. Việc xuất khẩu lao động giúp tỷ lệ hộ nghèo ở Quang Chiểu giảm từ 78% (năm 2010) xuống còn hơn 20% (năm 2023). Toàn xã có khoảng 200 căn nhà khang trang kiên cố có giá từ 700 – 800 triệu đồng. 3. Bí thư huyện ủy Mường Lát Hà Văn Ca nhắc nhiều về Nghị quyết “đặc thù” cho vùng đất khó (Nghị quyết 11-NQ/TU về “Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”). Nói về nội dung Nghị quyết thì nhiều, nhưng tựu chung lại theo ông Ca, yếu tố cốt lõi trong việc thực hiện Nghị quyết là nâng cao thu nhập người dân, sớm đưa Mường Lát thoát nghèo. Nghị quyết đó do ông Lại Thế Nguyên – Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa trực tiếp chắp bút và cũng chính ông Nguyên là người vận động doanh nghiệp chế biến sắn đầu tư, mở rộng vùng nguyên liệu sắn trên địa bàn huyện Mường Lát. Cây sắn đang phát huy hiệu quả trên những đồi thoải tại huyện Mường Lát. Ảnh: Quốc Toản. Tôi hỏi ông Ca, tại sao lại chọn cây sắn? Bí thư huyện ủy Mường Lát trả lời: “Khác với trước đây, bây giờ Mường Lát đã xây dựng được bản đồ thổ nhưỡng – nông hóa làm cơ sở khoa học để huyện xây dựng kế hoạch sản xuất, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn ở từng địa phương. Trong đó, hướng tới các loại cây trồng, con nuôi chủ lực, gắn với địa chỉ bao tiêu sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế trong đó có cây sắn. Riêng cây sắn đỏ trên Mường Lát có hàm lượng tinh bột cao hơn so với các vùng trồng khác nên doanh nghiệp rất ưa thích. Năm ngoái, diện tích trồng sắn toàn huyện đạt khoảng 3.000ha, năng suất ước đạt 180 tạ/ha, sản lượng ước đạt 54.000 tấn, với giá sắn hiện tại (từ 2,4 – 2,6 triệu đồng/tấn), tổng số tiền người dân thu được từ bán sắn đạt hơn 130 tỷ đồng. Thu nhập từ cây sắn đang góp phần giúp người dân địa phương cải thiện đời sống, xoá đói, giảm nghèo”, ông Ca chia sẻ. Ông Ca tin rằng, trong những năm tới cây sắn sẽ góp nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho nhiều hộ dân: “Suốt gần 3 thập kỷ, chưa bao giờ có cây trồng nào định vị rõ giá trị kinh tế và thu nhập ổn định như cây sắn. Doanh nghiệp thu mua sắn và trả tiền tươi tại ruộng cho dân. Có hộ dân thu nhập tới 300 triệu đồng/vụ sắn”, Bí thư Ca khoe. Ông Hà Văn Ca, Bí thư huyện ủy Mường Lát trả lời PV NNVN. Ảnh: Quốc Toản. Để thực thực hiện liên kết bền chặt, Công ty Phúc Thịnh đã đầu tư giống sắn, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, để người nông dân yên tâm sản xuất. Nông dân có trách nhiệm thực hiện cung cấp nguyên liệu cho nhà máy sau khi thu hoạch theo cam kết đã ký. Bên cạnh đó, huyện Mường Lát đã quy hoạch bố trí quỹ đất để doanh nghiệp đặt cơ sở chế biến trên địa bàn huyện. Nhưng điều ông Ca lo nhất lại xuất phát từ vấn đề nội tại tồn tại trong suy nghĩ của người dân. Đó là thói quen trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Theo ông Ca, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong suy nghĩ của người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thực hiện Nghị quyết số 11. Để tạo được sự chuyển biến trong nhận thức, tư tưởng của bà con, Ban Thường vụ Huyện ủy đã giao cho Ủy ban MTTQ và các đoàn thể xây dựng nội dung này thành một phong trào trên địa bàn huyện với mục tiêu xóa bỏ được tâm lý sợ thoát nghèo, không muốn thoát nghèo, cũng như tập quán canh tác, thói quen sinh hoạt lạc hậu của một bộ phận người dân. Cùng với việc tìm hướng phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp thực hiện các chính sách hỗ trợ, năm 2023 tỉnh Thanh Hoá đã đầu tư 100 tỷ đồng để hỗ trợ huyện xây dựng 16 trường học, góp phần từng bước thay đổi kết cấu hạ tầng trên địa bàn. Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đang phát huy hiệu quả và đạt được nhiều kết quả tích cực.