TIN TỨC

Xây dựng cơ chế cảnh báo sớm với phòng vệ thương mại

Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại được Bộ Công thương tổ chức với hệ thống thương vụ tại nước ngoài. Ảnh: MOIT. Xu hướng diễn biến ngày một phức tạp Theo Bộ Công thương, nhờ lợi thế về giá nhân công, chi phí sản xuất, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam không những đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế mà còn trở thành “mối đe dọa” cho ngành sản xuất trong nước của nhiều quốc gia nhập khẩu. Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Trương Thùy Linh cho biết, các quốc gia ngày càng sử dụng nhiều công cụ phòng vệ thương mại, gồm biện pháp chống bán phá giá, biện pháp chống trợ cấp và tự vệ lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Một số nước như Hoa Kỳ, còn sử dụng công cụ thứ 4, có tên “biện pháp chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại”, nhằm ngăn chặn các hành vi thay đổi nguồn gốc của mặt hàng xuất khẩu đang bị áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp để né thuế. “Điều này khiến số lượng vụ việc phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng”, bà Linh thông tin. Giai đoạn 2001 – 2011, Việt Nam có 50 vụ bị điều tra phòng vệ thương mại. Nhưng từ thời điểm đó, số vụ phòng vệ thương mại tăng lên tới 207 (gấp khoảng 4 lần). Trong số này, 141 vụ điều tra chống bán phá giá, 37 vụ điều tra chống lẩn tránh, 27 vụ điều tra chống trợ cấp và 52 vụ điều tra tự vệ. Đỉnh điểm là năm 2020, Việt Nam có 39 vụ. Còn trong năm 2024, hiện số lượng là 14 vụ.  Ngoài tăng về số lượng vụ việc, số lượng thị trường điều tra cũng mở rộng. Một số quốc gia và vùng lãnh thổ chưa từng điều tra hoặc ít điều tra như Mexico, Nam Phi, Đài Loan cũng bắt đầu nghiên cứu Việt Nam. Phạm vi sản phẩm bị điều tra không còn giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin mặt trời…, mà mở rộng sang máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập… Xu hướng điều tra càng khắt khe hơn, đưa ra yêu cầu cao trong nhiều khía cạnh đối với Chính phủ, doanh nghiệp (bao gồm thời hạn trả lời, số lượng thông tin phải bổ sung, khó xin gia hạn…).  Mức thuế phòng vệ thương mại có xu hướng bị đẩy lên, theo bà Linh. Nguyên nhân bởi một số quốc gia như Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường nên sử dụng chi phí của một nước thứ ba để tính giá trị thông thường trong các vụ việc chống bán phá giá.  Sản phẩm gỗ thường xuyên bị Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp. Ảnh: Gỗ Việt. Chủ động từ sớm, từ xa  Để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp, Cục Phòng vệ thương mại và hệ thống thương vụ đã chủ động nắm bắt thông tin, diễn biến, kết quả của các vụ điều tra. Ngay khi nhận được thông tin, các thương vụ đã cảnh báo sớm và kịp thời đề xuất những giải pháp cho Chính phủ để thêm thời gian chuẩn bị, cũng như phương án kháng kiện. Đặc biệt, trong nhiều trường hợp, các thương vụ đã thay Bộ Công thương trao đổi, lập luận, nêu quan điểm của Chính phủ về kết luận của cơ quan điều tra. Phó cục trưởng Trương Thùy Linh đề nghị hệ thống thương vụ làm rõ quy định điều tra của Chính phủ nước nhập khẩu; hỗ trợ trình bày ý kiến, quan điểm của Chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, hỗ trợ tham vấn hoặc khởi kiện ra Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) trong trường hợp cơ quan điều tra nước ngoài vi phạm các quy định của WTO về tự do thương mại. Là thị trường xuất khẩu lớn nhát trong những nằm gần đây, nhưng Hoa Kỳ cũng khởi phát số vụ điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với hàng hóa Việt Nam. Trưởng thương vụ Đỗ Ngọc Hưng thông tin, gỗ và sản phẩm từ gỗ, mật ong, thép là những sản phẩm bị phía bạn điều tra nhiều nhất. Nhằm phối hợp chặt chẽ với các tổ chức, cá nhân trong nước, Thương vụ thường xuyên phối hợp Đại sứ quán, đề xuất trao đổi ở cấp lãnh đạo đại sứ quán khi làm việc với đối tác để tăng hiệu ứng tác động, hỗ trợ ứng phó với vụ việc. Ngoài ra, thương vụ cũng luôn thăm dò, trao đổi, gặp gỡ đối tác Hoa Kỳ để tìm hiểu thông tin, phân tích số liệu xuất nhập khẩu để đưa ra khuyến nghị, cảnh báo doanh nghiệp. “Doanh nghiệp cần luôn ở tâm thế sẵn sàng ứng phó, xử lý khi vụ việc xảy ra để có thể hợp tác đầy đủ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan điều tra  hướng tới kết quả khả quan nhất. Riêng tại Hoa Kỳ, điều chúng tôi luôn nhấn mạnh, là phải hợp tác đầy đủ với Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (USITC)”, ông Hưng phân tích. Với những mặt hàng từng được Hoa Kỳ điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp nên đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, tránh bị vướng vào các vụ kiện lẩn tránh thuế hoặc liên quan đến Đạo luật Lao động cưỡng bức (UFLPA) khiến hàng hóa sẽ bị kiểm tra nghiêm ngặt và có nguy cơ bị trả lại. Tham tán thương mại tại Canada Trần Thu Quỳnh bổ sung, rằng một số mặt hàng như khung xe đầu kéo, turbin gió, văn phòng bọc vải, tháp điện gió, tấm năng lượng mặt trời, thép cuộn cán nóng, vít, khớp nối thép, sàn thép lưới, ống đồng, máy làm mát, máy sưởi nhiệt, gỗ ván sàn công nghiệp, ống khoan, ống đóng cọc và nhôm thanh định hình…có thể bị quốc gia Bắc Mỹ điều tra. Ngoài các biện pháp do Trưởng thương vụ Đỗ Ngọc Hưng đề xuất, bà Quỳnh đề nghị doanh nghiệp tham gia tích cực hơn vào những sự kiện phổ biến Hiệp định CPTPP, hiểu về nguyên tắc xuất xứ và cách khai thác nguyên tắc xuất xứ cộng gộp trong sản xuất…  Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long chỉ đạo các đơn vị xây dựng, triển khai một cách hiệu quả cơ chế cảnh báo từ sớm đối với việc điều tra phòng vệ thương mại. “Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phải là những tai mắt, những ăng-ten của Việt Nam tại nước ngoài, cần có thông tin về tình hình kinh tế, chính trị nước sở tại, cũng như các biện pháp phòng vệ của họ để hiệp hội, ngành hàng trong nước nắm bắt thông tin và có sự chuẩn bị”, Thứ trưởng nhấn mạnh. Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, toàn ngành đã đối mặt 78 vụ điều tra phòng vệ thương mại, chiếm 30% số vụ việc liên quan tới sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Riêng tháng 8 và 9/2024 đã phát sinh 3 vụ việc.