Ra mắt Hiệp hội sầu riêng đầu tiên ở ĐBSCL
Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang là tổ chức hội về ngành hàng hàng sầu riêng đầu tiên ở ĐBSCL. Ảnh: Minh Đảm. Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang, có trụ sở đặt tại ấp Hòa Trí, xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy, được thành lập vào ngày 8/7/2024 theo Quyết định số 1240 của UBND tỉnh Tiền Giang. Hiệp hội có 42 hội viên, trong đó có 34 hội viên chính thức, 2 hội viên liên kết và 6 hội viên danh dự. Đại hội lần thứ nhất đã bầu ra 9 ủy viên tham gia Ban chấp hành. Ban chấp hành đã bầu 1 Chủ tịch và 2 Phó Chủ tịch. Trong đó, ông Võ Tấn Lợi, Giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Phương Ngọc Cái Bè, làm Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2024-2029. Ngành hàng tỷ đô còn nhiều vấn đề cần quan tâm Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh với diện tích đạt 21.790ha vào cuối năm 2023. Trong đó, diện tích cho sản phẩm đạt gần 15.000ha và sản lượng trên 386 ngàn tấn, tập trung tại các huyện Cai Lậy, Cái Bè và thị xã Cai Lậy. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… Hiện nay, đã có 155 vùng trồng được cấp mã số với diện tích hơn 6.927ha và 66 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng tươi sang Trung Quốc. Bà Nguyễn Như Thủy Tiên, Giám đốc Công ty TNHH MTV XNK Như Thủy Tiên, đồng thời là Phó Chủ tịch Hiệp hội chia sẻ: Đối với ngành hàng sầu riêng, những khó khăn hiện nay cần quan tâm như biến đổi khí hậu và thời tiết bất thường, chất lượng sản phẩm không đồng đều, hệ thống vận chuyển và bảo quản chưa đạt tiêu chuẩn, biến động thị trường, cạnh tranh quốc tế quá gay gắt, thiếu hụt nguồn lao động. Theo ông Lưu Văn Phi, Giám đốc Sở Công thương, 9 tháng đầu năm, ngành hàng sầu riêng xuất khẩu 2,7 tỷ USD. Trong nước, trái sầu riêng đã có mặt tại các siêu thị lớn như AEON, GO và các chợ đầu mối lớn, cho thấy ngành hàng này rất triển vọng. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ông cũng cho biết còn có những hạn chế như: nhiều nông dân thiếu thông tin về thị trường, chưa áp dụng tiêu chuẩn chất lượng cao, sản phẩm chưa đồng nhất, dễ bị hư hỏng sau thu hoạch. Hiệp hội ra đời sẽ giải quyết các vấn đề trọng tâm như tổ chức và kết nối, xây dựng thương hiệu, hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo, phát triển thị trường cho trái sầu riêng. Cục Bảo vệ thực vật tham quan một vườn trồng sầu riêng áp dụng mô hình canh tác an toàn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại Tiền Giang. Ảnh: Minh Đảm. Bắt tay ngay vào giải quyết những vấn đề nóng Ông Võ Tấn Lợi cho biết, Hiệp hội sầu riêng tỉnh Tiền Giang bên cạnh hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu hiệu quả còn liên kết với người nông dân thông qua các hợp tác xã chuyển giao khoa học kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm. “Chúng tôi sẽ bắt tay ngay vào việc giải quyết mối bất đồng giữa người nông dân và các thương lái trong việc thu hoạch sầu riêng. Tới đây, cần phải cắt sầu riêng đủ tuổi để khách hàng yên tâm hơn, nâng cao giá trị cho ngành hàng tỷ đô của chúng ta”, ông Lợi nói. Ông Phạm Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, mong muốn, các thành viên của Hiệp hội chấp hành nghiêm quy định về hoạt động của các tổ chức nghề nghiệp. Hiệp hội cũng cần thể hiện được trung tâm đoàn kết tập hợp lực lượng, sức mạnh, bảo vệ quyền của thành viên. Riêng đối với sở, ngành của tỉnh, ông cho rằng cần hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho Hiệp hội phát triển, nâng cao vai trò trong hoạt động. Hiệp hội sầu riêng Tiền Giang được thành lập nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả trong sản xuất, liên kết tiêu thụ, bảo quản, sơ chế, chế biến, tiêu thụ ngành hàng sầu riêng, góp phần vào việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.