TIN TỨC

Bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước Tràm Chim

Trải nghiệm dịch vụ du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Tràm Chim. Ảnh: Lê Hoàng Vũ. UBND tỉnh Đồng Tháp vừa quyết định phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững Vườn quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2024 – 2030 tại huyện Tam Nông. Mục tiêu cụ thể của phương án nhằm tăng doanh thu từ các hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí, thuê môi trường rừng đạt khoảng 10 tỷ đồng/năm. Phương án xác định giải pháp thực hiện công tác bảo tồn đa dạng sinh học theo các phân khu: Khu A1, nơi bảo tồn tổng hợp các sinh cảnh đất ngập nước theo mùa làm nơi cư trú, kiếm ăn cho các loài chim nước. Khu A2, nơi bảo tồn rừng tràm, các loài thủy sản và các sinh cảnh khác. Khu A3, C là nơi bảo tồn, tái tạo toàn bộ các sinh cảnh đặc trưng phục vụ công tác phát triển du lịch sinh thái. Còn khu A4, A5 nơi bảo tồn các sinh cảnh đồng cỏ ngập nước theo mùa phù hợp với môi trường sống của các loài chim nước… Về môi trường, bảo tồn và phát triển các hệ sinh thái đất ngập nước, với khoảng 2.600ha rừng tràm, 3.600ha các sinh cảnh đồng cỏ tiêu biểu như sen, súng, cỏ ống, mồm mốc, hoàng đầu ấn, lúa ma, năng ống, năng kim là nơi cư trú, phân bố của nhiều loài động thực vật nguy cấp, quý, hiếm thông qua các biện pháp quản lý điều tiết nước, các chương trình phòng cháy chữa cháy rừng, phục hồi các sinh cảnh rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Từng phân khu được xác định chức năng phù hợp với điều kiện thực tế về các yếu tố tự nhiên và đa dạng sinh học để làm cơ sở thiết lập các biện pháp bảo tồn, khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững đất ngập nước và cung cấp các dịch vụ du lịch sinh thái. Về xã hội, phương án còn đặt mục tiêu giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động có kỹ năng hướng dẫn du lịch, câu lạc bộ đờn ca tài tử tại địa phương, nâng cao nhận thức về quản lý rừng bền vững. Qua đó, giảm áp lực đối với công tác bảo vệ rừng, bảo tồn Vườn quốc gia Tràm Chim cũng như sức ép của cộng đồng dân cư sống ở ven khu rừng, hạn chế tình trạng xâm nhập vào rừng trái phép đặt bẫy, săn bắt động vật hoang dã.