TIN TỨC

Ngành gỗ Bình Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD

Theo ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, năm 2024, ngành gỗ Bình Định tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn về đơn hàng và thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, nhờ chiến lược đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa khách hàng theo phương châm “tự lực, tiết kiệm”; cải tiến, đổi mới công nghệ trong sản xuất; nỗ lực tìm kiếm khách hàng, đơn hàng phù hợp năng lực, điều kiện sản xuất của từng doanh nghiệp, nên trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ Bình Định tăng trưởng 25% so cùng kỳ năm 2023, đạt 796,47 triệu USD, chiếm khoảng 61% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bình Định. Ngành gỗ Bình Định hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh: VĐT. Đây là tiền đề để ngành gỗ Bình Định hướng đến mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD trong năm 2024. Theo ông Lê Văn Nhuận, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Định, hoạt động xuất nhập khẩu mặt hàng gỗ trên địa bàn đơn vị này quản lý chủ yếu là dăm gỗ, viên nén, sản phẩm gỗ nội ngoại thất và nhập khẩu gỗ nguyên liệu. Trong 5 năm gần đây, số lượng doanh nghiệp ngành gỗ Bình Định tham gia hoạt động xuất nhập khẩu và kim ngạch xuất khẩu đều có xu hướng tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Cũng theo ông Nhuận, thời gian qua, với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong quá trình thực thi nhiệm vụ, Hải quan Bình Định đã nhận diện những doanh nghiệp có dấu hiệu nhập khẩu hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, dùng Việt Nam là nước trung chuyển để xuất khẩu hàng gỗ vào Mỹ nhưng lấy xuất xứ Việt Nam. Cục Hải quan Bình Định gửi cảnh báo cho các cơ quan có chức năng như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đơn vị có chức năng xác định xuất xứ hàng hóa và Công an tỉnh Bình Định để theo dõi, có biện pháp xử lý đối với các hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp gỗ Trung Quốc trốn xuất xứ… “Trong thời gian tới, Cục Hải quan Bình Định sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để kiểm soát mặt hàng gỗ, nguyên liệu gỗ xuất, nhập khẩu; đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Định quyết liệt ngăn chặn các hành vi tiếp tay cho doanh nghiệp gỗ Trung Quốc trốn xuất xứ và sử dụng xuất xứ Việt Nam”, ông Lê Văn Nhuận khẳng định. Cục Hải quan Bình Định khuyến các các doanh nghiệp ngành gỗ tránh khai báo sai trước khi có vỏ container; doanh nghiệp không nên dùng số container xin trước từ hãng tàu để khai hải quan khi chưa nhận được vỏ container rỗng; và khi đưa hàng lên tàu, doanh nghiệp phải xuất trình đầy đủ tờ khai hải quan chung container để tránh hàng hóa bị từ chối xác nhận thực xuất. Doanh nghiệp phải kiểm tra tình trạng xác nhận hàng hóa khi hàng lên tàu để thuận lợi trong việc cấp chứng nhận xuất xứ và hoàn thuế nội địa… Theo ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định, Bộ Công thương đã có thông báo chính thức là sẽ thành lập Phòng Xuất nhập khẩu tại tỉnh Bình Định. Chức năng của Phòng Xuất nhập khẩu này là cấp C/O cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. C/O là chứng từ phổ biến trong xuất nhập khẩu hàng hóa, và là chứng từ quan trọng để xác định xuất xứ hàng hóa. Từ đó, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể được hưởng chính sách ưu đãi thuế nếu mặt hàng đó nằm trong danh mục hàng hóa được ưu đãi theo thỏa thuận thương mại giữa 2 quốc gia xuất-nhập khẩu. “Dự kiến, hoạt động của Phòng Xuất nhập khẩu nói trên do công chức của Sở Công thương Bình Định đảm nhận. Sở Công thương Bình Định đang nỗ lực xúc tiến từ nay đến cuối năm 2024 Phòng Xuất nhập khẩu nói trên sẽ chính thức hoạt động. Khi đó, các doanh nghiệp ngành gỗ trên địa bàn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và chi phí khi làm thủ tục C/O”, ông Nguyễn Đình Kha, Phó Giám đốc Sở Công thương Bình Định chia sẻ.