Đăk Lăk nhiều tiềm năng phát triển thị trường tín chỉ carbon
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk vừa tổ chức hội thảo sản xuất nông lâm nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển thị trường tín chỉ carbon tại Đắk Lắk. Đắk Lắk hiện có trên 600 nghìn ha đất nông nghiệp và hơn 700 nghìn ha đất lâm nghiệp, độ che phủ rừng đạt 38,04%. Những năm qua, nông nghiệp Đắk Lắk đã có những dịch chuyển khả quan, trong đó có việc phát triển sản xuất hàng hóa năng suất cao, chất lượng tốt, tăng sức cạnh tranh, bền vững, gắn với hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay các mô hình kinh tế nông, lâm nghiệp đang thể hiện vai trò là trợ lực để đổi mới tư duy, nâng cao trình độ sản xuất cho nông dân, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình phát triển nông lâm nghiệp và nông thôn bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu. Đắk Lắk có hàng trăm nghìn ha đất nông nghiệp để phát triển tín chỉ carbon. Ảnh: Quang Yên. Trong nhiều năm qua, tỉnh Đắk Lắk đã áp dụng nhiều giải pháp quan trọng để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, tín chỉ carbon và bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, cho đến nay kết quả đạt được còn rất khiêm tốn, phần lớn diện tích sản xuất nông, lâm nghiệp chưa được quản lý theo các tiêu chuẩn quản lý bền vững; diện tích được tính tín chỉ carbon mới triển khai thực hiện ở mức giai đoạn đầu nên còn nhiều hạn chế. Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng việc chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý ngành nông, lâm nghiệp, bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quyết định đến sự phát triển bền vững của đất nước. Ngoài ra, các chuyên gia đã trao đổi thông tin về tín chỉ carbon, thị trường chứng chỉ carbon và hoạt động của thị trường tín chỉ carbon hiện nay ở trong nước và quốc tế. Việc phát triển thị trường carbon và các cơ chế quản lý, trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính với chi phí hợp lý, thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ phát thải thấp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và thu nhập của người dân tham gia các dự án giảm phát thải khí nhà kính. Các đại biểu cũng chỉ ra những cơ hội và thách thức về xây dựng và phát triển thị trường carbon tại Đắk Lắk; các chính sách quan trọng liên quan tới phát triển nông lâm nghiệp bền vững, phát triển thị trường carbon của Thủ tướng Chính phủ cũng được các đại biểu đánh giá, phân tích và đưa các giải pháp thực hiện… Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương có nhiều tiềm năng phát triển tín chỉ carbon từ rừng và nông nghiệp. Ảnh: Quang Yên. Ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương có nhiều tiềm năng về phát triển tín chỉ carbon, tập trung chủ yếu là tín chỉ carbon từ rừng và lĩnh vực nông nghiệp. Theo ông Văn, hiện nay Việt Nam đang trong quá trình thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn trao đổi tín chỉ carbon từ năm 2025 với kỳ vọng vận hành chính thức hệ thống mua bán tín chỉ carbon vào năm 2028. Do đó, nếu thực hiện được thị trường tín chỉ carbon thì đây sẽ là nguồn lợi đáng kể từ nông, lâm nghiệp và đóng góp đáng kể cho việc phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh. “Thông qua hội thảo đã có những kiến nghị, giải pháp đối với Việt Nam và Đắk Lắk trong xây dựng khuôn khổ pháp lý, vận hành sàn giao dịch carbon, bảo đảm tính bao trùm, công bằng trong quá trình phát triển thị trường carbon. Các đại biểu đã đề xuất các cơ chế hợp tác về tính chỉ carbon, thúc đẩy xây dựng các dự án thí điểm về trao đổi carbon cho tỉnh Đắk Lắk”, ông Văn nói.