Cần tập trung tăng chất lượng và chế biến sâu ca cao
Từ ngày 8 – 11/10, Câu lạc bộ Ca cao ASEAN (ACC) tổ chức hội thảo lần thứ 24 về Hợp tác ASEAN và các phương pháp tiếp cận chung trong chương trình thúc đẩy sản phẩm nông nghiệp và lâm nghiệp. Chương trình được Bộ NN-PTNT đăng cai tổ chức tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Hiện nay, các thị trường như EU, Mỹ và nhiều nước khác đã đưa ra những quy định mới. Đây chính là rào cản kỹ thuật đặt ra cho ca cao của ASEAN khi thâm nhập vào các thị trường trên. Từ đó, các thành viên của ACC sẽ tổ chức lại sản xuất và có giải pháp để giảm được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm ca cao. TS Nguyễn Viết Khoa (phải), Ban điều phối Ca cao Việt Nam điều phối hội nghị. Ảnh: Lê Bình. Hơn nữa, các nước trong ASEAN hiện nay vẫn đang sản xuất ca cao chưa theo tiêu chuẩn chung của vùng. Do đó, nhất thiết cần thống nhất tiêu chuẩn của các nước thành một tiêu chuẩn của ASEAN. Điều này không chỉ thúc đẩy việc xuất khẩu ca cao của khối mà còn tạo ra nhiều điều kiện cho từng quốc gia thành viên. Theo TS Nguyễn Viết Khoa (Ban điều phối Ca cao Việt Nam), chuyên gia các nước đánh giá rất cao về ca cao của Việt Nam. Thế giới đã từng trao giải thưởng cho một sản phẩm ca cao của nước ta có mùi thơm đặc biệt. Ca cao của Việt Nam được đánh giá có hàm lượng dinh dưỡng mà nhiều nước khác không có. Việc canh tác ca cao của nông dân nước ta cũng rất giỏi, có thể cạnh tranh được với Bờ Biển Ngà, châu Phi, thậm chí Indonesia… Ca cao Việt Nam được đánh giá có năng suất tốt, chất lượng cũng mang tính đặc trưng so với các quốc gia khác. Ảnh: Lê Bình. “Chúng ta phải phát huy được thế mạnh, trước hết là tập trung cải tạo bộ giống. Bởi nếu không nghiên cứu kịp thời, bộ giống ca cao của Việt Nam có thể sớm bị lạc hậu. Malaysia đã có những bộ giống lai cho năng suất có thể gấp rưỡi hiện tại. Chúng tôi đang trao đổi để xây dựng đề án nghiên cứu giống ca cao để cả ACC và Việt Nam sẽ được hưởng thành quả từ đề án này, như vậy sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí”, TS Nguyễn Viết Khoa chia sẻ. Chuyên gia các nước đang đề nghị Việt Nam phát triển ca cao theo hướng không tăng về diện tích, số lượng mà tập trung vào thâm canh tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và chế biến sâu. Việt Nam hiện có nhiều trái cây chủ lực, rất khó để ca cao có thể mở rộng diện tích theo hướng đột biến. Đồng thời, biến đổi khí hậu đang trở thành thách thức chung cho ngành trồng trọt. Các chuyên gia khu vực ASEAN ấn tượng trước các sản phẩm ca cao chế biến sâu của Việt Nam. Ảnh: Lê Bình. Ngành ca cao Việt Nam cũng phải tổ chức lại sản xuất, không chỉ tập trung vào chất lượng, năng suất, sản xuất tuần hoàn mà cần hình thành các chuỗi, thu mua sản phẩm và chế biến tại chỗ. Hiện nay cũng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang làm tốt điều này. Đơn cử như mô hình ca cao Trọng Đức (Đồng Nai) và Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Vũng Tàu đã hình thành các chuỗi và tập trung hỗ trợ nông dân về kỹ thuật. Phế phụ phẩm của ca cao cũng cần được tính để phục vụ cho mục đích khác nhằm tối ưu hóa nguyên liệu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà không gây hại cho môi trường. Theo GS Divina M. Amalin (Ban điều phối ca cao Philippines), Việt Nam có tiềm năng phát triển ca cao rất đặc biệt so với các nước trong khu vực như đất đai, kỹ thuật tốt và lợi thế về tổ chức sản xuất. GS Divina M. Amalin, Ban điều phối ca cao Philippines. Ảnh: Lê Bình. Tuy nhiên, để phát triển bền vững ngành ca cao nói riêng, Việt Nam cần phải có quy trình canh tác bền vững. Trong đó, việc quản lý dịch hại, sâu bệnh một cách tổng hợp là điều quan trọng. Đồng thời, người trồng ca cao phải hạn chế được việc sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu để không ảnh hưởng đến chất lượng ca cao. “Nếu không làm tốt điều này thì nguyên liệu cho sản xuất sô cô la (chocolate) sẽ bị nhiễm dư lượng các hóa chất độc hại. Điều đó có nghĩa chất lượng của ca cao bị ảnh hưởng và không thể nào tiến xa được ra các thị trường quốc tế. Các sản phẩm ca cao chế biến sâu của Việt Nam cũng rất đặc biệt, các bạn nên phát huy điều đó”, GS Divina M. Amalin đánh giá. Đồng quan điểm với TS Nguyễn Viết Khoa, bà Divina M. Amalin cũng cho rằng, Việt Nam nên đi sâu vào câu chuyện chế biến sâu để có hướng cạnh tranh tốt hơn so với các nước khác.