Nhân loại đạt tới ngưỡng tuổi thọ
Bà Emma Morano, từng giữ kỷ lục người cao tuổi nhất thế giới, cầm bánh nhân 117 năm ngày sinh của bà vào tháng 11/2016. Ảnh: AP. “Chúng ta phải thừa nhận rằng có một giới hạn đối với tuổi thọ con người”, Jay Olshansky, nhà khoa học thuộc Đại học Illinois-Chicago, Hoa Kỳ, tác giả chính của nghiên cứu vừa được tạp chí Nature Aging công bố hôm thứ Hai (7/10) cho biết. Mark Hayward, một nhà nghiên cứu tại Đại học Texas, người không tham gia vào nghiên cứu này, đồng tình và nói thêm: “Chúng ta đang đạt đến một ngưỡng” về tuổi thọ. Theo ông, các quốc gia, doanh nghiệp và chính các cá nhân nên đánh giá lại về thời điểm một người lao động bình thường nên nghỉ hưu. Bên cạnh đó, những nhà làm chính sách xã hội cũng sẽ có những tính toán chính xác hơn về việc một người sẽ cần bao nhiêu tiền để đảm bảo nhu cầu sống hết cuộc đời. Theo dõi quá trình Jay Olshansky cùng các cộng sự nghiên cứu, hãng tin AP cho biết, nhóm đã lấy từ cơ sở dữ liệu do Viện nghiên cứu nhân khẩu học Max Planck cung cấp, nhằm ước tính tuổi thọ của nhiều nhóm đối tượng từ năm 1990 đến 2019. Các nhà nghiên cứu cũng tập trung phân tích kỹ 8 khu vực được cho là có tuổi thọ cao nhất trên thế giới gồm: Australia, Pháp, Hồng Kông, Italia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Ngoài ra, Hoa Kỳ – nơi nhóm nghiên cứu công tác – cũng được lấy mẫu bởi họ dự đoán, rằng tuổi thọ trung bình của người dân nơi đây có thể tăng đột biến trong thế kỷ này (dù hiện tại Hoa Kỳ không nằm trong tốp 40 quốc gia sống thọ nhất). Kết quả không khiến nhiều người bất ngờ. Phụ nữ vẫn sống lâu hơn nam giới và tuổi thọ của phái đẹp tiếp tục được cải thiện, dù là với tốc độ chậm lại. Vào thập niên 1990, phụ nữ sống thọ thêm trung bình 2,5 năm sau mỗi thập kỷ. Tuy nhiên, vào những năm 2010, con số này chỉ còn 1,5 năm. Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ như dùng thuốc quá liều, xả súng, béo phì và bất bình đẳng, không được chăm sóc y tế đầy đủ… cũng được nhóm nghiên cứu tính đến. Dù vậy, ngay cả khi gạt bỏ tất cả những ca tử vong trước 50 tuổi, nhóm Olshansky thừa nhận, mức tăng tuổi thọ nhiều nhất trong 1 thập kỷ vẫn xung quanh ngưỡng 1,5 năm. Tuổi thọ trung bình là ước tính về số năm trung bình mà một người từ khi sinh ra trong một năm nhất định có thể sống được, giả sử tỷ lệ tử vong tại thời điểm đó không thay đổi. Ông John Tinniswood, 112 tuổi, được công nhận là người đàn ông sống thọ nhất thế giới hiện nay. Ảnh: Reuters. Ngay khi nghiên cứu được công bố, trưởng nhóm nghiên cứu Jay Olshansky đánh giá, tuổi thọ của hầu hết chủng tộc trên thế giới đều có giới hạn và nhân loại sắp chạm đến giới hạn đó, bất chấp những tiến bộ trong công nghệ y tế và nghiên cứu di truyền. “Chúng ta đang vắt kiệt dần những công nghệ kéo dài tuổi thọ này. Có lẽ lão hóa đang cản trở nỗ lực đưa nhân loại lên một nấc thang mới” ông nói. Trước đó, vào đầu năm 2024, một nhóm nghiên cứu của Trường đại học Erasmus Rotterdam cũng dự đoán, tuổi thọ của con người đạt mức tới hạn vào khoảng 115 tuổi. Sách kỷ lục Guiness mới ghi nhận 75 trường hợp, trong đó gồm 72 phụ nữ, vượt qua mốc này. Dù tuổi thọ không tăng, các chuyên gia dự đoán số người cao tuổi (sống đến 100 tuổi hoặc lâu hơn) sẽ trên đà tăng trong vài chục năm tới. Dù vậy, nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự gia tăng dân số. Olshansky phỏng đoán, tỷ lệ những người đạt đến 100 tuổi có thể lên tới 15% ở phụ nữ và 5% đối với nam giới tại hầu hết các quốc gia trong một tương lai gần. Trước đó, theo số liệu điều tra năm 2019, chỉ hơn 2% người dân Hoa Kỳ sống đến 100 tuổi, so với khoảng 5% ở Nhật Bản và 9% ở Hồng Kông. Một phát hiện nữa, theo nhóm các nhà khoa học, là tuổi thọ có xu hướng giảm ở những quốc gia có dân số sống lâu nhất. Số lượng người sống đến 100 tuổi ngày càng tăng sẽ không chuyển thành bước nhảy vọt đáng kể về tuổi thọ nói chung. Việc một người sống đến 100 tuổi ngày nay không còn là điều hiếm. Vào tuần trước, cựu Tổng thống Hoa Kỳ Jimmy Carter đã đạt đến tuổi thọ này. Theo Sách kỷ lục Guiness, bà Jeanne Louise Calment, người Pháp, là người có tuổi thọ được chứng thực cao nhất trong lịch sử, hưởng thọ 122 năm, 164 ngày. Bà sinh tháng 2/1875 và mất vào tháng 8/1997. Một số tài liệu khác viện dẫn kỷ lục sống vượt ngưỡng 140 tuổi của 2 cụ ông người Indonesia và Brazil. Dù vậy, đến nay Guiness chưa công nhận điều này. Bà Tomiko Itooka, 116 tuổi, người Nhật Bản, hiện là người cao tuổi nhất thế giới. Sau khi chồng qua đời vào năm 1979, bà sống một mình tại quê chồng ở tỉnh Nara. Trong khoảng thời gian này, bà thường xuyên leo núi.Ở tuổi 100, cụ vẫn có thể leo lên những bậc đá dài của đền Ashiya mà không cần chống gậy. Trong tốp 100 phụ nữ sống thọ nhất của Sách kỷ lục Guiness, có tới 5 người còn sống, bao gồm bà Tomiko Itooka. Ngược lại, duy nhất John Tinniswood, người Anh, trong tốp 100 nam giới cao tuổi nhất hành tích còn sống.