Nâng cao năng lực phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật tại cấp huyện
TS Dishon Muloi, chuyên gia của ILRI về dịch tễ và kháng kháng sinh của ILRI. Ảnh: Tùng Đinh. Trình bày về kinh nghiệm phòng chống các bệnh lây truyền từ động vật sang người của Kenya tại Hội nghị khoa học Một sức khỏe với chủ đề “Thực tiễn quốc tế và các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”, TS Dishon Muloi nhìn nhận, quốc gia châu Phi có nhiều điều kiện tương đồng với Việt Nam về vấn đề này. Do nhận thức được bệnh lây truyền từ động vật, kháng kháng sinh và an toàn thực phẩm là những vấn đề phức tạp, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh y tế toàn cầu, phát triển kinh tế xã hội và an ninh lương thực, nên Kenya đã sớm thành lập Nền tảng Một sức khỏe – Đơn vị Bệnh lây truyền từ động vật (ZDU). Đây là tổ chức được thành lập giữa Bộ Y tế và Cục Dịch vụ Thú y, thành lập năm 2012 thông qua Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) ở cấp Bộ, bao gồm các chuyên gia dịch tễ học y tế và thú y, cùng một số điều phối viên bán thời gian, có thể huy động tùy thuộc vào nhiệm vụ cụ thể. Theo ông Muloi, ý tưởng thành lập ZDU xuất phát từ việc Thành lập Lực lượng Nhiệm vụ Cúm quốc gia (NIT) để ứng phó với mối đe dọa H5N1 toàn cầu vào năm 2005. Sau đó, Kenya đổi tên NIT thành Nhóm Công tác Kỹ thuật về Bệnh lây truyền từ động vật (ZTWG). Đến tháng 8/2011, ý tưởng về việc thành lập ZDU manh nha và kết thúc bằng buổi ký kết bản ghi nhớ (MOU). Nhờ sự tham gia của các bên liên quan như nông nghiệp, y tế và môi trường, cách tiếp cận Một sức khỏe được tích hợp và tối ưu hóa cho cả 3 thành tố con người, động vật và hệ sinh thái. Trong đó, 2 đơn vị thường trực của ZDU là Giám đốc Dịch vụ thú y (MALF) và Giám đốc Dịch vụ Y tế (MoH). Từ đó, các Nhóm công tác kỹ thuật về bệnh lây truyền từ động vật (ZTWG) và Ủy ban gồm các bên liên quan của Một sức khỏe tại Kenya triển khai nhiệm vụ định kỳ tới cấp hạt (tương đương cấp huyện tại Việt Nam). Các nhóm công tác của Kenya kiểm tra sức khỏe của động vật. Ảnh: WAP. Trong một số khung thời gian đặc biệt, chẳng hạn như Covid-19, ZDU có thể huy động thêm các chuyên gia từ bên ngoài như chuyên gia về động vật hoang dã, sinh thái, đa dạng sinh học… để hỗ trợ công việc chung. Mới đây, quốc gia Đông Phi đã ban hành Kế hoạch chiến lược Một sức khỏe để phòng ngừa và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm từ động vật sang người ở Kenya giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, đặt ra 3 mục tiêu cơ bản: Tăng cường triển khai phương pháp Một sức khỏe ở cấp quốc gia và cấp hạt; Tăng cường phòng ngừa, giám sát, ứng phó và kiểm soát ưu tiên lây truyền từ động vật ở cả người và động vật; Thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng sử dụng cách tiếp cận Một sức khỏe. Bên cạnh đó, dựa trên mức độ nghiêm trọng của bệnh, khả năng kiểm soát, tiềm năng gây dịch, gánh nặng bệnh tật, tác động kinh tế – xã hội, Kenya cũng phân loại các bệnh lây truyền từ động vật theo mức độ nguy hiểm. Cụ thể, gồm bệnh than, bệnh trypanosomiasis ở người, bệnh dại, bệnh Brucella, bệnh sốt thung lũng Rift (RVF). Lấy ví dụ về bệnh sốt thung lũng Rift, lần đầu phát hiện tại thung lũng Rift, Kenya vào năm 1912, TS Muloi thông tin, các đợt bùng phát của bệnh này diễn ra theo chu kỳ mỗi 5 – 15 năm ở Kenya. Đồng thời, bệnh có liên quan đến các đợt gió mùa, hoặc lũ lụt trong lịch sử, dẫn đến gia tăng quần thể vật trung gian truyền bệnh. Để phòng chống những bệnh truyền nhiễm như vậy, Kenya đã thiết lập cấu trúc để thúc đẩy khung đối tác Một sức khỏe tại cấp hạt. Trong đó, có điều phối viên giám sát dịch bệnh, cán bộ thú y, điều phối viên động vật hoang dã khu vực. Tất cả nhằm điều tra ổ dịch, chia sẻ dữ liệu và đánh giá rủi ro chung. Buổi đào tạo về phân tích dữ liệu kháng kháng sinh tại văn phòng ILRI Việt Nam. Ảnh: ILRI. “Chúng tôi mong muốn thúc đẩy và hỗ trợ nghiên cứu về bệnh lây truyền từ động vật và các sự kiện liên quan đến Một sức khỏe, nhằm cải thiện khả năng thu thập dữ liệu. Ngoài ra, nghiên cứu được thực hiện tại giao điểm giữa con người, động vật và môi trường và ra quyết định dựa trên bằng chứng”, chuyên gia của Viện Nghiên cứu chăn nuôi quốc tế (ILRI) nhấn mạnh. Mỗi lần xuất hiện nguy cơ bùng phát dịch bệnh, cán bộ thú y luôn phối hợp điều phối viên dịch tễ ngay tại cấp huyện. Cả bộ phận cùng hợp tác đào tạo, tập huấn ở cấp vùng, miền hoặc thậm chí là đưa ra kịch bản ứng phó cho châu Phi. Tùy theo mức độ triển khai và tính chất nghiêm trọng của từng chiến dịch cụ thể, Kenya sẽ huy động nguồn lực tương xứng, với mục tiêu triển khai nhanh nhất có thể. Dù đã xây dựng được cơ chế phản ứng cơ bản tại cấp huyện, vị chuyên gia của ILRI vẫn thừa nhận một số thách thức. Đó là nguồn lực về tài chính, kỹ thuật; hệ thống quản trị phân cấp; việc thiếu dữ liệu cùng các yếu tố thúc đẩy Một sức khỏe. “Tại châu Phi, còn nhiều dịch bệnh nguy hiểm khác như sốt rét, HIV… Do đó, điều phối viên của khung Một sức khỏe có thể phải dịch chuyển luân phiên giữa các chương trình, khiến đôi lúc nguồn lực bị phân tán”, ông Muloi nhận xét.