Sẵn sàng nguồn cung thực phẩm Tết: [Bài cuối] Tết Ất Tỵ đủ thịt
Theo ông Phạm Kim Đăng, với tốc độ tăng trưởng đàn, sản lượng sản phẩm chăn nuôi như hiện tại nguồn cung thực phẩm cho Tết Ất Tỵ sẽ được đảm bảo. Ảnh: Trung Quân. Không thiếu nguồn cung thực phẩm Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, theo tổng hợp của các địa phương bị thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ, đã có hơn 44.000 con gia súc (chiếm 0,12% tổng đàn cả nước), hơn 5,7 triệu con gia cầm bị chết (chiếm hơn 1,0% tổng đàn gia cầm cả nước). Điều này cho thấy, so với tổng đàn vật nuôi của cả nước số lượng vật nuôi thiệt hại là không đáng kể. Tuy nhiên, đối với từng trang trại và hộ nuôi cụ thể những thiệt hại lại ảnh hưởng không nhỏ tới sinh kế, cuộc sống, kế hoạch chi tiêu… của gia đình. Theo số liệu ước tính của Tổng cục Thống kê, thời điểm cuối tháng 9, tổng số trâu giảm 3,6%, bò giảm 0,4%, lợn tăng 2,5%, gia cầm tăng 2,2% so với cùng thời điểm năm 2023. Trong 9 tháng đầu năm, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt hơn 6,1 triệu tấn, sữa bò tươi hơn 942.000 tấn, trứng gia cầm 14,9 tỷ quả. Về cơ bản, với tốc độ tăng trưởng đàn, sản lượng sản phẩm chăn nuôi như hiện tại, nếu đảm bảo tốt an toàn dịch bệnh nguồn cung thực phẩm cho các dịp lễ, Tết Nguyên đán sắp tới sẽ được đảm bảo. Giống gia cầm đáp ứng đủ nhu cầu cho khôi phục sản xuất. Giống gia súc đến cuối năm 2024, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, công tác tái đàn trong thời điểm hiện tại có nhiều yếu tố thuận lợi như: nguồn cung con giống (lợn, gia cầm) đáp ứng đầy đủ nhu cầu, giá bán hợp lý. Giá thức ăn chăn nuôi trong nước đang có xu hướng giảm (khoảng 10-20% so với cùng kỳ 2023) giúp giảm giá thành sản xuất. Điều kiện thời tiết tại miền Bắc khá mát mẻ, thuận lợi cho hoạt động chăn nuôi. Các Bộ, ngành, hiệp hội, doanh nghiệp đã kịp thời có những hoạt động hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi tại các tỉnh bị bão, lũ… Trong 9 tháng đầu năm, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt hơn 6,1 triệu tấn. Ảnh: Trung Quân. Theo ông Đăng, bên cạnh những thuận lợi, công tác tái đàn vật nuôi cũng gặp phải một số khó khăn như: những nơi thiệt hại nặng về người và hạ tầng đang tập trung ưu tiên cho công tác ổn định dân cư; nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi sau bão lụt rất dễ xảy ra nếu không làm tốt công tác chuẩn bị tái đàn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn (vệ sinh môi trường, tiêm phòng, chất lượng con giống, các giải pháp nâng cao đề kháng vật nuôi). Các cơ sở bị thiệt hại mặc dù đã được hỗ trợ nhưng vẫn gặp những khó khăn về nguồn lực tài chính… Do đó, để thực hiện tốt việc tái đàn, các địa phương cần hướng dẫn người dân thực hiện Công văn số 6671/BNN-CN ngày 9/9/2024 về tăng cường công tác chủ động khắc phục, khôi phục cho đàn vật nuôi sau cơn bão số 3. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn bám sát địa bàn hướng dẫn các hộ nuôi khôi phục sản xuất bắt đầu từ công tác tiêu độc, khử trùng, vệ sinh môi trường, tu sửa chuồng trại, kỹ thuật quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi. Không tái đàn khi chưa đảm bảo về môi trường và an toàn dịch bệnh. Cung ứng đủ giống vật nuôi chất lượng cao, sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch, tiêm phòng theo quy định để phục vụ các địa phương tái đàn. Thường xuyên theo dõi sát tình hình, diễn biến thị trường, nguồn cung hàng hóa, kịp thời triển khai các biện pháp kiểm soát giá cả, không để xảy ra đầu cơ, găm hàng, lợi dụng để trục lợi. Về lựa chọn đối tượng vật nuôi để tái đàn, do thời gian từ nay tới Tết Nguyên đán không còn nhiều (khoảng 3 tháng), cho nên cần ưu tiên lựa chọn đối tượng vật nuôi có chu kỳ sản xuất ngắn, khả năng phát triển nhanh, sức chống chịu tốt, chi phí chăn nuôi thấp hơn các đối tượng vật nuôi khác, phù hợp với nông hộ như gia cầm để giúp kịp thời cung cấp thực phẩm vào dịp Tết và đảm bảo sinh kế ban đầu cho người dân. Hiện tại, Cục Chăn nuôi đã kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 02, tạo thuận lợi cho người chăn nuôi tái đàn, phát triển sản xuất. Ảnh: Trung Quân. Xem xét điều chỉnh quy định tại Nghị định 02 Ông Phạm Kim Đăng cũng cho rằng, sau 7 năm triển khai thực hiện Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh (Nghị định 02) đã góp phần giảm thiểu khó khăn cho các đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, giúp người dân nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, qua báo cáo của các địa phương, kiến nghị của cử tri, khi áp dụng Nghị định 02 đã phát sinh những tồn tại, bất cập và cần phải có những điều chỉnh, thay thế để phù hợp với thực tiễn sản xuất. Cụ thể, một số điều kiện để được hỗ trợ không phù hợp như: Yêu cầu cơ sở chăn nuôi phải có đăng ký kê khai được UBND xã xác nhận là không phù hợp với Luật Chăn nuôi, Thông tư 18/2023/TT-BNNPTNT và cũng không phù hợp với thực tế khi phần lớn người chăn nuôi không kê khai ban đầu. Điều kiện về sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của chính quyền địa phương (quy định này còn chung chung, chưa sát với thực tế, mang tính bao hàm lớn). Điều kiện về đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương chỉ mang tính chất định tính, chưa cụ thể và khó xác định, đánh giá trong quá trình trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai. Bên cạnh đó, một số loại vật nuôi như chim bồ câu, ong mật…, hình thức nuôi chưa được quy định trong Nghị định 02 dẫn đến khó khăn trong công tác hỗ trợ khôi phục sản xuất khi áp dụng. Mức hỗ trợ trong Nghị định 02 được xây dựng từ năm 2017 là thấp và không còn phù hợp ở thời điểm hiện tại do chi phí sản xuất đối với từng đối tượng vật nuôi là khác nhau. Bên cạnh đó, chi phí sản xuất chăn nuôi (con giống, thức ăn, thuốc thú y…) đã tăng cao so với thời điểm xây dựng Nghị định. Về trình tự, thủ tục hỗ trợ còn phức tạp, bất cập khi thực hiện kê khai hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Một số thủ tục không phù hợp với thực tế nên việc triển khai các chính sách hỗ trợ sau thiên tai rất khó khăn.