‘Nghĩ thật, nói thật và làm thật’, quyết tâm gỡ thẻ vàng IUU trong năm 2024
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, các địa phương phải tập trung gỡ “thẻ vàng” của EC. Ảnh: Hồ Thảo. Ngày 29/10, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cùng Đoàn công tác Bộ NN-PTNT có buổi làm việc với Tỉnh ủy Trà Vinh về chống khai thác thủy sản IUU, nỗ lực gỡ “thẻ vàng” của EC và thực hiện dự án hạ tầng nuôi trồng thủy sản tại địa phương. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, công tác chống khai thác IUU chủ yếu xoay quanh ba nhiệm vụ: quản lý đội tàu, giám sát thiết bị truy xuất nguồn gốc và rà soát các tàu không đăng ký. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, các nhiệm vụ này cần được tăng cường để đạt mục tiêu gỡ “thẻ vàng” trong năm 2024; đồng thời đề nghị Trà Vinh tập trung quyết liệt để cùng Bộ đạt được mục tiêu. Còn lỗ hổng trong quản lý Theo lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) và tăng cường công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã gửi thư ngỏ kêu gọi các doanh nghiệp, chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân cùng chung tay nỗ lực. Đến nay, Trà Vinh chưa ghi nhận trường hợp vi phạm khai thác hải sản tại vùng biển nước ngoài. Về quản lý tàu cá, tỉnh đã cập nhật đầy đủ thông tin đăng ký, đăng kiểm và cấp phép khai thác của các tàu lên hệ thống VNFishbase, hoàn thành 100% kế hoạch. Tỉnh cũng đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho 248 tàu đang hoạt động, đạt tỷ lệ 100%. Những tàu không còn hoạt động hoặc bị hư hỏng đều được lập danh sách để theo dõi. Trà Vinh còn tổ chức theo dõi tàu cá 24/24 giờ và lưu trữ dữ liệu giám sát. Hiện tại, tỉnh đang hỗ trợ 200 tàu lắp đặt thiết bị VMS với tổng kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Từ tháng 10/2023, Trà Vinh ghi nhận 146 tàu mất kết nối VMS trong hơn 6 tiếng, 2 tàu mất kết nối trên 10 ngày và 17 tàu mất kết nối trên 6 tháng. Các trường hợp này đã được kiểm tra và xử lý theo quy định. Trong việc kiểm soát tàu cập và rời cảng, văn phòng đại diện Thanh tra nghề cá đã giám sát 2.584 lượt tàu rời cảng và 2.342 lượt cập cảng đúng quy định. Từ đầu năm 2024 đến nay, tổng sản lượng thủy sản khai thác tại cảng đạt 6.550 tấn, trong khi các điểm lên cá khác ghi nhận 25.617 tấn. Hệ thống phần mềm Google Sheets và VN Fishbase được sử dụng để cập nhật dữ liệu hằng ngày. Từ tháng 4/2024, tỉnh đã triển khai phần mềm truy xuất nguồn gốc eCDT tại cảng Định An và cảng cá Láng Chim, ghi nhận 1.097 lượt tàu xuất cảng và 914 lượt cập cảng. “Trà Vinh nhận thức rõ ràng và có trách nhiệm cao trong công tác quản lý IUU. Các văn bản chỉ đạo từ Trung ương được triển khai cụ thể; đồng thời, lãnh đạo tỉnh thường xuyên giao ban và tăng cường vai trò giám sát của nhân dân. Tỉnh tập trung kiểm soát chặt chẽ hoạt động ra vào cảng, quyết không để con sâu làm rầu nồi canh”, ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh, nhấn mạnh. Phó Cục trưởng Cục Thủy sản Vũ Duyên Hải chỉ ra những lỗ hổng trong quản lý tàu cá tại tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Hồ Thảo. Theo Phó Cục trưởng Cục Thủy sản Vũ Duyên Hải, công tác quản lý tàu cá ở Trà Vinh được đánh giá cao nhưng báo cáo của tỉnh so với cơ sở dữ liệu còn hạn chế. Tỉnh hiện có hơn 1.363 tàu cá, nhưng chỉ có 1.120 tàu đã đăng ký, đạt tỷ lệ 82%, thấp hơn mức trung bình toàn quốc là 91%. Tỷ lệ cấp giấy đăng kiểm còn hiệu lực chỉ đạt 61%, cũng dưới mức trung bình cả nước là 62,7%. Đặc biệt, chỉ có 44% số tàu được cấp phép hoạt động còn hiệu lực. Về khai thác thủy sản, Trà Vinh có hai cảng là Định An và Láng Chim, nhưng chỉ 253 tàu cá cập cảng này, bao gồm 236 tàu trong tỉnh và 17 tàu từ các tỉnh khác. Trong tổng số gần 1.000 tàu, hiện còn khoảng 33% chưa được kiểm soát. Năm 2024, chỉ có 18% sản lượng thủy sản được giám sát, còn 80% vẫn chưa được kiểm soát. “Báo cáo từ năm 2023 cho thấy chỉ có 4 trường hợp vi phạm được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu, trong khi năm 2024 chưa có trường hợp nào được ghi nhận. Mặc dù đã có 44 vụ vi phạm bị xử phạt, vẫn còn những tàu mất kết nối VMS mà chưa xác định được nguyên nhân và thiếu cập nhật chi tiết”, ông Hải thông tin. Đoàn công tác đã đề nghị tỉnh tập trung thực hiện các giải pháp theo hướng dẫn của Bộ NN-PTNT để đảm bảo gỡ thẻ vàng thành công. Quyết tâm gỡ thẻ vàng Thứ trưởng Phùng Đức Tiến ghi nhận những nỗ lực nghiêm túc của tỉnh Trà Vinh trong công tác chống khai thác IUU; đồng thời chỉ ra một số báo cáo vẫn chưa sát với tình hình thực tế, đặc biệt trong việc kiểm soát vi phạm IUU và quản lý tàu cá. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị cần thực hiện các báo cáo chi tiết và chính xác hơn, nhất là trong việc giám sát các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài. Đối với các tàu lớn, cần có biện pháp quản lý nghiêm ngặt và minh bạch. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc từng tàu, từ thông tin hành trình và nhật ký tàu cho đến việc tuân thủ các quy định đăng ký ra vào cảng. “Các đơn vị phải bám sát các yêu cầu về giám sát, truy xuất nguồn gốc và xử phạt vi phạm hành chính. Sở NN-PTNT cần cam kết làm đúng, làm thật để đạt mục tiêu gỡ bỏ “thẻ vàng”. Sở NN-PTNT xem kỹ các chỉ đạo từ Bộ để báo cáo Tỉnh ủy và UBND tỉnh”, Thứ trưởng yêu cầu. Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng bày tỏ vui mừng về sự cải thiện cơ sở hạ tầng tại Trà Vinh và cho biết, Bộ đang xem xét các dự án với nguồn vốn mới để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, đặc biệt trong thủy sản, thủy lợi cũng như nuôi trồng. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kỳ vọng tỉnh sẽ đạt được thành công và đóng góp vào kinh tế cả tỉnh lẫn vùng. Trà Vinh là tỉnh có số lượng tàu khá ít so với các tỉnh khác trong khu vực. Ảnh: Hồ Thảo. Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Trà Vinh Kim Ngọc Thái yêu cầu Sở NN-PTNT tỉnh hoàn tất các vấn đề phát sinh trước ngày 15/11, đặc biệt là việc báo cáo cụ thể vị trí tàu chưa đăng ký, cũng như giải quyết tình trạng 26 tàu chưa kết nối thiết bị giám sát. “Hiện tại, sản lượng khai thác chỉ quản lý được 18%, đây là con số chưa đạt yêu cầu. Sở cần làm rõ các vấn đề còn chưa hiểu. Những cán bộ ngành nông nghiệp còn chưa nắm rõ quy trình cần được tập huấn đầy đủ”, ông Thái nhấn mạnh. Tỉnh Trà Vinh hiện có 1.120 tàu cá đăng ký, trong đó 271 tàu dài từ 15m trở lên và 849 tàu dưới 15m. Giấy phép khai thác thủy sản cũng đã được cấp cho 1.100 tàu đủ điều kiện. Những tàu chưa đủ điều kiện (20 tàu) được liệt kê để theo dõi, gồm tàu không có giấy chứng nhận an toàn, tàu hư hỏng, và tàu ngừng hoạt động.