Vai trò chủ đạo của khuyến nông cộng đồng trong xử lý rác thải nông nghiệp
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: PC. Ngày 29/10, tại TP Gia Nghĩa (Đắk Nông) Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức hội thảo “Khuyến nông cộng đồng trong thu gom và xử lý chất thải trong sản xuất cà phê” nhằm phát huy vai trò của khuyến nông cộng đồng và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị có liên quan trong việc thu gom và xử lý chất thải sản xuất cà phê. Tham dự có ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; đại diện của Tổ chức Diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP) tại Việt Nam; ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cùng lãnh đạo UBND các xã, thành viên tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Những năm qua, việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) giúp tăng năng suất, bảo vệ cây trồng, nâng cao giá trị cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh các lợi ích mà thuốc BVTV mang lại, hiện nay tình trạng lạm dụng thuốc BVTV và bao bì, chai lọ thuốc BVTV chưa được thu gom, xử lý đúng cách đã và đang gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều nơi. Tại hội thảo, ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông cho biết, vấn đề phát thải carbon, lạm dụng thuốc BVTV, phân bón vô cơ gây ra những hệ lụy ô nhiễm môi trường, sức khỏe cộng đồng và người tiêu dùng… Do đó, cần có những hành động cụ thể, thiết thực để giảm thiểu những hệ lụy do sản xuất cà phê gây ra. “Giảm phát thải thông qua việc thay đổi phương thức canh tác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khỏe cây trồng, sức khỏe đất, thu gom rác thải trong nông nghiệp là những việc mà chúng ta cần phải chung tay hành động ngay lập tức, trong đó khuyến nông cộng đồng giữ vai trò chủ đạo”, ông Phạm Tuấn Anh nói. Cần có những giải pháp xử lý hiệu quả rác thải trong sản xuất cà phê. Ảnh: PC. Theo Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh Đắk Nông, trong sản xuất cà phê, nông dân chủ yếu sử dụng thuốc trừ bệnh để phòng, trị các bệnh do nấm, vi khuẩn gây bệnh thán thư, thối thân, nấm hồng trong mùa mưa; thuốc trừ sâu phòng trừ các đối tượng rầy rệp hại cành, tuyến trùng hại rễ… Bình quân mỗi năm nông dân phun từ 1 – 2 lần, lượng thuốc BVTV sử dụng toàn tỉnh trong sản xuất cà phê khoảng 195 nghìn lít/năm, trong đó chủ yếu là thuốc trừ bệnh và rầy, rệp chích hút. Thời gian qua, Tổ chức Diễn đàn cà phê toàn cầu (GCP) đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông và Giống nông, lâm nghiệp tỉnh triển khai hiệu quả chương trình “Sáng kiến hành động tập thể sử dụng vật tư nông nghiệp có trách nhiệm trong ngành cà phê”. Trong đó, nổi bật là các hoạt động tập huấn, đào tạo kỹ thuật cho nông dân trồng cà phê về tác hại của việc lạm dụng vật tư nông nghiệp, đặc biệt là thuốc diệt cỏ có chứa hoạt chất Glyphosate trong sản xuất cà phê. Đã có 300 nông dân sản xuất cà phê trên địa bàn huyện Đắk Glong, Đắk Song và Đắk R’lấp tham gia các lớp tập huấn. Bên cạnh đó, tổ chức 2 hoạt động “Phát động phong trào thu gom rác thải nông nghiệp” trên địa bà huyện Krông Nô, Đắk Glong với trên 400 đại biểu tham gia, giúp nâng cao nhận thức người dân trong sản xuất nông nghiệp cũng như ý thức bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới. Sau hoạt động này, các địa phương cũng đã phát động các phong trào thu gom rác thải và hỗ trợ xây dựng các bể chứa rác thải nông nghiệp, người sản xuất đã có nhiều thay đổi về tư duy và hành động đối với rác thải nông nghiệp… Các tổ khuyến nông cộng đồng tại Đắk Nông đã từng bước đi vào hoạt động hiệu quả. Ảnh: PC. Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, sản xuất cà phê khi gia tăng về diện tích, năng suất, sản lượng thì đồng thời sử dụng rất nhiều vật tư phân bón, hóa chất BVTV, kèm theo đó những vấn đề liên quan đến rác thải khi sử dụng những vật tư này. Xét về lâu dài, đây là vấn đề hết sức nhức nhối, nếu để rác thải tồn đọng mãi ở môi trường, không có cách xử lý sẽ gây nguy hại về chất lượng của cà phê. Do đó, ông Thanh cho rằng, cần tăng nhận thức của cộng đồng đối với loại rác thải này, kèm theo đó là cụ thể hơn nữa cách thức, quy trình xử lý. Đồng thời, phải làm rõ trách nhiệm giữa các bên, đâu là trách nhiệm của nhà cung cấp vật tư, người sản xuất, cộng đồng. “Ở Đắk Nông có các tổ khuyến nông cộng đồng đã từng bước đi vào hoạt động hiệu quả. Chúng tôi xác định nếu tích hợp được vai trò của tổ khuyến nông cộng đồng trong việc vận động, đồng hành với bà con trong quá trình này sẽ đạt hiệu quả tốt hơn”, ông Lê Quốc Thanh cho hay. Hiện nay, tỉnh Đắk Nông đã thành lập 2 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm và 59 tổ khuyến nông cộng đồng mở rộng với 705 thành viên tham gia, hoàn thành chỉ tiêu 100% các xã có tổ khuyến nông cộng đồng. Sau khi thành lập, hệ thống khuyến nông cộng đồng đã phát huy được vai trò trong phát triển ngành hàng cà phê tại tỉnh cũng như tham gia đóng góp các hoạt động nông nghiệp tại đại phương.