Gian nan đưa các lồng nuôi cá chiên trở về sông Lô
Các lồng nuôi cá chiên đặc sản đang dần vắng bóng trên sông Lô thuộc địa bàn 2 tỉnh Tuyên Quang, Hà Giang. Ảnh: Đào Thanh. Gia đình anh Lê Anh Minh, tổ 4, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang gắn bó với nghề nuôi cá lồng hơn 20 năm nay. Anh Minh cho biết, mấy năm trước, gia đình thường xuyên duy trì khoảng 4 lồng nuôi cá chiên. Đây là giống cá đặc sản quý hiếm trên sông Lô, cho hiệu quả kinh tế cao, được nhiều nhà hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đặt đơn hàng lớn. Từ tháng 10/2023, sau khi 4 lồng cá chiên nuôi hơn 1 năm tuổi đồng loạt lăn ra chết, đến nay gia đình anh không còn nuôi loài cá đặc sản này. Mấy tháng trước, một số hộ tại khu làng chài của gia đình anh cũng mua con giống về thả, nhưng không hiểu sao chỉ được một thời gian, các lồng cá thi nhau chết, gây khó khăn cho việc tái đàn và thiệt hại lớn đối với người nuôi. Theo ghi nhận của Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Tuyên Quang, năm 2023, khi nhận được thông tin về tình trạng cá chiên đồng loạt chết, Chi cục đã đến kiểm tra thực địa, lấy mẫu test nhanh tại khu vực lồng nuôi cá của các hộ gia đình ở phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang. Kết quả cho thấy: độ pH 7,17, độ cứng 138, NH4 0,17, asen không phát hiện, nitrat 0,7, nitrit 0,016; tất cả chỉ số này đều nằm trong giới hạn cho phép. Đến nay, nguyên nhân chính khiến loài cá đặc sản này đồng loạt chết trên sông Lô vẫn chưa được tìm ra. Cá chiên thương phẩm và cá bố mẹ chết, gây ra khan hiếm nguồn con giống tự nhiên trên dòng sông Lô. Để giúp các hộ nuôi tái đàn, năm 2024, Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện sản xuất và cung ứng ra thị trường được hơn 30.000 con cá chiên giống. Tuy nhiên, nhu cầu mua con giống tái đàn của các hộ nuôi tại tỉnh Tuyên Quang cũng không tăng nhiều. Bởi lẽ, họ lo sợ chi phí mua cá giống cao, trong khi từ khi vào giống đến khi được xuất bán 1 lứa cá chiên mất từ 2-3 năm, quá trình nuôi kéo dài, rủi ro sẽ lớn. Không chỉ riêng tại tỉnh Tuyên Quang, ngược sông Lô lên địa phận tỉnh Hà Giang, vụ việc cá chiên bị dịch bệnh đồng loạt chết vào tháng 10/2023 cũng khiến người nuôi cá lồng tại địa phương này thiệt hại nặng nề. Để khôi phục sản xuất, sau khi nguồn nước ổn định, một số hộ nuôi đã mua con giống tái đàn. Tính đến tháng 10/2024, toàn tỉnh Hà Giang còn 19 lồng nuôi cá chiên. Con số này chỉ bằng 2/3 so với thời kỳ chưa bị dịch bệnh và ảnh hưởng của lũ lụt. Trung tâm Thủy sản tỉnh Tuyên Quang cung ứng ra thị trường hàng vạn con cá chiên giống mỗi năm, tuy nhiên nhiều hộ nuôi vẫn chưa mặn mà với việc tái đàn nuôi giống cá này. Ảnh: Đào Thanh. Theo Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản tỉnh Hà Giang, cá chiên là một trong số những loài cá đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao, mỗi lồng cá có giá trị lên đến cả trăm triệu đồng. Cũng bởi có giá trị lớn nên việc tái đàn gặp nhiều khó khăn, ngoài vấn đề nguồn con giống phải đảm bảo chất lượng thì mối lo về tình hình dịch bệnh đe dọa đến sức khỏe của đàn cá, khiến nhiều hộ nuôi thận trọng trong việc tái đàn. Cá bỗng, cá lăng, cá dầm xanh, cá anh vũ, cá chiên… là những giống cá đặc sản quý hiếm, cho chất lượng thịt thơm ngon nổi tiếng của dòng sông Lô. Khó khăn trong việc tái đàn do môi trường nuôi đang là rào cản lớn đặt ra mối lo về nguy cơ “mất tích” loài cá quý hiếm này trên hệ thống sông Lô, sông Gâm tại 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang.