Hợp tác xã lấy phương châm ‘ăn xanh – sống lành’
Không giống với các địa phương khác bên hồ Trị An có thổ nhưỡng màu mỡ và giàu dinh dưỡng, xã Tân An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) có đặc thù đất sét pha sỏi cằn cỗi. Tuy nhiên thông qua việc sử dụng các kỹ thuật nông nghiệp hiện đại, cải tiến phương pháp canh tác và áp dụng quy trình hữu cơ, HTX Tâm Minh Quang đã thành công trong việc phủ xanh vùng đất khó. Trang trại hữu cơ tuần hoàn đẹp như trong tranh của HTX Tâm Minh Quang. Ảnh: Trần Trung. Dẫn chúng tôi thăm trang trại rộng hơn 35ha được phủ một màu xanh mướt của các loại cây trồng từ chuối đến ổi, bưởi, dưa hấu, đu đủ, nấm rơm, lúa…, chị Nguyễn Thị Thi Nhân quản lý trang trại cho biết, để đất màu mỡ, HTX có nhiều giải pháp như trồng chuối ở khu bờ bao hoặc những dải đất ngăn cách giữa các khu trong trang trại để vừa thu hoạch trái, cây chuối băm ra phủ trên đất làm phân bón. Những trái chuối phẩm chất kém được ủ với chế phẩm IMO để tạo ra dịch chuối – loại dinh dưỡng hữu cơ chất lượng cao cho cây trồng. Ngoài ra, để tạo ra chuỗi cung ứng dinh dưỡng phong phú cho cây trồng, HTX còn tạo ra dịch đậu nành, tận dụng những trái bưởi non phối hợp với các nguyên liệu khác để ủ phân hữu cơ bón gốc… Đặc biệt, HTX sử dụng cây thuốc lá để phòng trừ sâu bệnh. Theo chị Nhân, thuốc lá có chứa một lượng nhỏ nicotine, một chất có khả năng diệt côn trùng. Khi phun lên cây, nicotine có thể tác động đến hệ thần kinh của sâu bọ, gây rối loạn chức năng và làm chết chúng. Phương pháp này là một phần trong chiến lược kiểm soát sâu bệnh tổng hợp, giúp bảo vệ cây trồng hiệu quả mà vẫn giữ được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp mà HTX đã ứng dụng thành công. Chị Nguyễn Thị Thi Nhân tận dụng các phế phụ phẩm ngay tại vườn để sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh IMO. Ảnh: Trần Phi. “Nhờ xây dựng quy trình tuần hoàn khép kín, phụ phẩm từ cây trồng được sử dụng để nuôi cấy IMO và sản xuất phân hữu cơ, chế phẩm BVTV sinh học, qua đó cây phát triển tốt hơn, sai trái hơn mà không lãng phí tài nguyên, đồng thời giảm thiểu chất thải…”, chị Nhân chia sẻ. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc HTX Tâm Minh Quang cho biết thêm, triết lý hoạt động của HTX là tạo ra nông sản xanh, an toàn, với giá trị cốt lõi là “Tâm” (tâm thiện lành), “Minh” (minh bạch) và “Quang” (ánh sáng cho sự sống). Khu vực ủ chế phẩm hữu cơ của HTX Tâm Minh Quang. Ảnh: Trần Phi. Ông Dũng cũng chỉ ra rằng làm nông nghiệp hữu cơ hiện nay gặp nhiều thách thức, từ môi trường đất, nước, không khí bị ô nhiễm đến việc tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, ông tin rằng nhu cầu về sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe là rất lớn và đó sẽ là hướng đi bền vững cho tương lai. “Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư mạnh vào công nghệ cao trong sản xuất và bảo quản nông sản, từ hệ thống máy sấy, kho lạnh, máy nghiền đến các sản phẩm chế biến sâu. Sản phẩm từ trái chuối như kẹo chuối, bánh chuối và các sản phẩm khác sẽ có mặt trên thị trường trong tương lai không xa”, ông Dũng chia sẻ. Đánh giá về HTX Tâm Minh Quang, ông Nguyễn Trần Phước Lộc, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Cửu cho biết, HTX là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Đồng Nai có diện tích sản xuất nông nghiệp lớn đạt chứng nhận hữu cơ. Với trang trại rộng 35ha, trong đó 15ha đã được chứng nhận hữu cơ, HTX sản xuất hàng trăm tấn nông sản mỗi năm. HTX Tâm Minh Quang là đơn vị tiên phong, điển hình ở huyện Vĩnh Cửa làm nông nông nghiệp hữu cơ. Ảnh: Trần Trung. HTX đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển giao kỹ thuật canh tác hữu cơ cho nông dân địa phương nhằm tạo ra hệ sinh thái nông nghiệp bền vững. Điều này giúp nông dân tại địa phương nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm thiểu tác động đến môi trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về thực phẩm an toàn. “Nông nghiệp huyện Vĩnh Cửu đang hướng tới việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, đảm bảo hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, đồng thời góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh Đồng Nai”, ông Nguyễn Trần Phước Lộc chia sẻ.