Những quả nho hái ăn ngay không cần rửa ở nông trại xứ Đoài
Toàn cảnh nông trại nho của anh Vương Đắc Lộc ở xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Chỉ cách đây vài tháng, dịp cuối tuần khách còn tấp nập đến tham quan nông trại nho xứ Đoài của anh Vương Đắc Lộc ở xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội. Nhưng mùa này thì vắng lặng bởi những cây nho đang được chủ vườn chăm sóc cho hồi sức sau kỳ thu hoạch quả để có thể phân hóa mầm hoa, bước vào vụ mới trong năm tới. Trồng nho giống ngoại ở miền Bắc gần như bắt buộc phải dựng nhà màng mới có thể chống chịu được những điều kiện bất lợi của thời tiết. Trong nhà màng anh sử dụng dây thép làm giàn cho nho leo, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt nhằm cung cấp dinh dưỡng đến từng gốc nho, giữ ẩm cho đất và giảm công, chi phí lao động. Cái duyên đến với nghề trồng nho của anh Lộc cũng thật tình cờ. Số là khi dịch Covid-19 xảy ra, nghề kiểm định xây dựng trở nên ế ẩm, anh mới quyết định bỏ về quê làm nông. Qua phương tiện truyền thông anh thấy giống nho hạ đen khi đó là đối tượng cây trồng hấp dẫn nên đã đầu tư vườn đầu tiên vào năm 2020 với diện tích 2.000m2, năm 2022 mở rộng ra 5.000m2, rồi năm 2024 lại lập vườn thứ hai rộng 2ha và trồng thêm giống nho sữa. Mùa nho hạ đen chín. Với cây trồng hoàn toàn mới, lại là giống ngoại nên về kỹ thuật anh hợp tác trực tiếp với đối tác Trung Quốc để vừa nghiên cứu vừa thay đổi sao cho phù hợp với môi trường miền Bắc. Trên khu vườn cũ diện tích 5.000m2 mỗi năm thu được 4 – 5 tấn quả nhưng anh định hướng sẽ chuyển hết thành nho bon sai, tạo dáng thế rồi cho lên chậu. “Thị trường đang chưa có loại sản phẩm này nên bản thân mình phải tạo ra xu hướng”, anh Lộc chia sẻ. Trên khu vườn mới, anh sẽ tập trung vào phát triển nho lấy quả với hạ đen là giống chủ lực bởi có sức đề kháng tốt, ít bị sâu bệnh. Muốn cây khỏe mạnh, năng suất cao, chất lượng tốt, điều cốt lõi là ở kỹ thuật chăm sóc. Đầu vụ nho được bón hoàn toàn bằng phân bò, mỗi gốc 7 – 8kg trộn với vi sinh cùng khoảng 500gram lân. Sau khi quả hình thành thì tưới rỉ mật và định kỳ phun phân bón lá. Ngoài ra anh Lộc còn dùng đậu tương, ốc bươu vàng ủ để cung cấp thêm dinh dưỡng cho cây. Về thuốc BVTV, giai đoạn đầu hoàn toàn không cần mà chỉ dùng chất điều tiết sinh trưởng GA3 để cho cây đậu quả. Khi cây ra quả quá nhiều, buộc phải tỉa bớt để quả phát triển đồng đều và cho chất lượng tốt nhất. Trồng nho sợ nhất là bệnh nấm cuống gây héo cuống, nhũn quả khi chùm vẫn còn xanh, khô cuống khi chùm bắt đầu đổi màu gần chín. Với bệnh này phải dùng nấm đối kháng để phòng ngừa sớm. Những thân nho rất khỏe mạnh. Các bệnh khác như thán thư, sương mai, rỉ sắt anh phòng bằng chế phẩm sinh học, nhưng một khi đã bị thì phải chữa bằng thuốc BVTV hóa học có thời gian cách ly ngắn. Để tránh sự tấn công của ruồi vàng, anh dùng bao bọc chùm quả từ khi chúng còn nhỏ. Bao quả không chỉ chống được ruồi vàng mà còn giúp mã quả nho thêm bóng đẹp. Chính bởi cách chăm sóc an toàn thế nên quả hái trực tiếp tại vườn, không cần rửa vẫn có thể đưa lên miệng ăn ngay được. Vị của nho tươi khác biệt hẳn với vị của nho bảo quản lạnh dài ngày vẫn bày bán ê hề ở các siêu thị, cửa hàng. Nho hạ đen thơm, giòn và ngọt có giá 150.000đ/kg, còn nho sữa thanh và mát, có giá 180.000đ/kg. Với năng suất và giá bán như thế, đây có thể là mô hình nông nghiệp cho giá trị cao nhất từ trước đến nay của huyện Quốc Oai. Nông trại nho xứ Đoài chỉ cách trung tâm Hà Nội chưa đến 1 giờ di chuyển nên ngoài bán quả tươi, vào vụ anh Lộc còn mở cửa đón khách du lịch đến trải nghiệm thu hoạch, ăn tươi, uống nước ép, đồng thời chụp ảnh cùng khu vườn xanh mướt mát. Anh Lộc đã chủ động quảng bá hình ảnh vườn nho của mình lên các trang mạng xã hội; thiết lập định vị tìm kiếm nông trại để thu hút khách đến tham quan và mua sản phẩm. Bên cạnh đó anh còn kết hợp với các công ty lữ hành để họ dẫn khách về trải nghiệm. Một mô hình du lịch nông nghiệp đang dần hình thành. Tuy nhiên theo anh, khó khăn là chưa có cơ chế cho phép xây dựng hạ tầng trên đất nông nghiệp để phục vụ khách du lịch như chỗ ăn, chỗ nghỉ, chỗ đi vệ sinh, chỗ đỗ xe… Chỉ khi giải quyết được những vấn đề này thì du lịch nông nghiệp mới thực sự được cởi trói.