Sản xuất VietGAP, cây ăn quả phục hồi tốt sau mưa lũ, cho năng suất cao
Thực hiện Đề án “Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa cây cảnh tập trung trên địa bàn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2020 – 2025”, từ đầu năm đến nay, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất VietGAP trên cây ăn quả tại các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động. Điẻm mô hình sản xuất bưởi VietGAP ở xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Ảnh: Hải Tiến. Tại các điểm mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên đã phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập và đưa vào vận hành hiệu quả hàng chục tổ hợp tác hoặc HTX cây ăn quả và tập huấn thuần thục quy trình VietGAP trên cây ăn quả cho các nông hộ. Hiện tai, cán bộ khuyến nông phụ trách mô hình cùng cơ quan tư vấn chứng nhận VietGAP đã xác định được 65ha cây cam, bưởi và ổi đủ điều kiện cấp chứng nhận VietGAP theo quy định. Bà Nguyễn Thị Sơn ở xã Tân Tiến (huyện Văn Giang) hào hứng cho hay, tham gia mô hình VietGAP, bà học hỏi được rất nhiều kỹ thuật chăm bón, thu hái, sơ chế và bảo quản trái cây đảm bảo an toàn thực phẩm. Trong đó, bà ấn tượng nhất là được khuyến nông gỡ cho “bàn thua trông thấy” trong đợt bão số 3 (Yagi). Mưa lũ lớn đợt bão số 3 khiến vườn ổi của bà Sơn bị úng ngập dài ngày, nhiều cây đã vàng lá, trút hoa, rụng quả… Đang chưa biết làm thế nào để giảm thất thu cho vườn cây thì bà Sơn được cán bộ khuyến nông tới hướng dẫn, vét rãnh, khơi thông dòng chảy, tiêu rút kiệt nước trong vườn, ngắt bỏ hết lá già, lá vàng và cắt bớt các đầu cành, thu dọn sạch tàn dư thực vật, xử lý vôi bột xuống ruộng để phòng nấm bệnh rồi bón chế phẩm kích rễ, phun phân bón lá kích chồi… Chỉ sau 10 – 12 ngày, cây ổi đã bật mầm trở lại, tiếp tục ra hoa đậu quả, đến nay đã bắt đầu cho thu hoạch, năng suất tuy bị giảm ít nhiều nhưng bù lại quả ổi ăn rất ngọt, giòn, bán được giá cao gấp 3 lần cùng kỳ năm trước. Ổi VietGAP ăn rất giòn, ngọt. Ảnh: Hải Tiến. Ông Nguyễn Văn Cảnh ở thôn Ngô Xuyên (xã Như Quỳnh, huyện Văn Lâm) cũng phấn chấn khoe, ông năm nay “được mùa kép” vì vườn bưởi của ông chẳng những được khuyến nông tỉnh chọn hỗ trợ tham gia mô hình VietGAP mà còn không bị ảnh hưởng mưa bão số 3. Do cây bưởi được bón nhiều phân hữu cơ vi sinh, giảm bón phân vô cơ (đạm, lân, kali), không dùng hoá chất trừ cỏ, luân phiên sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học nên cây khá sai quả, múi mọng nước, ngon ngọt, có hậu vị, được thương lái đặt hàng mua không phân loại với giá 20.000 đồng/quả, cao gấp 2 lần cùng kỳ năm 2023. Mô hình VietGAP trên cây bưởi của ông Nguyễn Văn Vĩnh ở xã Đồng Thanh (huyện Kim Động) cũng bị mưa bão số 3 (Yagi) gây ngập úng 7 ngày, làm rụng 30% lượng quả trên cây nhưng nhờ trước đó ông được cán bộ khuyến nông hướng dẫn bón chủ yếu bằng tro bếp, hạt đậu tương nghiền và dịch chắt từ cá thải loại ngâm ủ kỹ nên cây bưởi vượt qua được những ngày bị úng ngập, sạch bệnh, cho chất lượng quả ngon hơn mọi năm. Đến nay, ông Vĩnh đã bán được trên 2.000 quả bưởi đào đường và bưởi chín sớm siêu ngọt, thu về hơn 40 triệu đồng và vẫn còn gần 5.000 trái bưởi Diễn cho thu hoạch vào cuối năm. Dù bị mưa bão rất lớn, ông Vĩnh vẫn có lãi khoảng 75 – 80 triệu đồng từ thâm canh bưởi. Bưởi đào đường VietGAP giá 2.000 đồng/quả, cao gấp đôi năm ngoái. Ảnh: Hải Tiến. “Hưng Yên là địa phương nổi tiếng trong thâm canh tăng năng suất cây trồng nói chung, cây ăn quả nói riêng, chủ yếu là nhờ sử dụng nhiều chế phẩm kích thích sinh trưởng, phân bón hoá học và hoá chất bảo vệ thực vật nên không bền vững, dễ gây ô nhiễm môi trường. Để giúp nông dân phát huy tốt những mặt mạnh, khắc phục kịp thời các tồn tại, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp Hưng Yên, trực tiếp là Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng thành công nhiều mô hình VietGAP trên cây ăn quả. Các mô hình này đang từng bước phát huy tác dụng, lấy lại được lòng tin của người tiêu dùng, tăng cao giá trị thu nhập cho người sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng, ổn định độ phì nhiêu của đất”, ông Nguyễn Quang Khánh, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên nhìn nhận.