WWF-Việt Nam đẩy mạnh giáo dục giảm rác nhựa
Trong khuôn khổ dự án “Huế – Đô thị giảm nhựa ở miền Trung Việt Nam” với nguồn tài trợ của nhân dân Na Uy, tổ chức WWF-Việt Nam đã phối hợp với Ban Giám hiệu Trường THCS Phú Mỹ, huyện Phú Vang triển khai hoạt động giới thiệu mô hình Trường học giảm nhựa. Tại buổi giới thiệu mô hình, đại diện WWF-Việt Nam, bà Hoàng Ngọc Tường Vân, cho rằng mô hình Trường học giảm nhựa là nỗ lực nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của cộng đồng, đặc biệt là các em học sinh, trong việc giảm thiểu rác thải nhựa từ nguồn. Các em học sinh, thế hệ tương lai của đất nước, cần được trang bị không chỉ kiến thức mà còn hành vi tích cực để ứng phó với vấn đề ô nhiễm nhựa. Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn đảm bảo sức khỏe lâu dài cho các thế hệ sau, bởi rác thải nhựa, dù đã phân hủy, vẫn tồn tại trong môi trường và gây hại trong thời gian dài. Mô hình Trường học giảm nhựa trên địa bàn huyện Phú Vang giúp mang đến cho học sinh những kiến thức và trải nghiệm thực tế, khuyến khích các em thực hành từ chối, giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng nhựa dùng một lần. Hoạt động này đặc biệt ý nghĩa khi các em học sinh là những chủ nhân tương lai của đất nước cũng là đối tượng dễ bị ảnh hưởng bởi các vấn đề môi trường. Bà Hoàng Ngọc Tường Vân, quản lý dự án TVA/WWF-Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của mô hình “Giảm rác thải nhựa” trong việc xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh. Ảnh: Kiên Đồng. Trong bối cảnh ô nhiễm rác thải nhựa đang trở thành vấn đề nghiêm trọng toàn cầu, đặc biệt tại các đô thị ven biển, những nỗ lực tuyên truyền sẽ càng có ý nghĩa. Mỗi năm, có khoảng 8 triệu tấn rác thải nhựa thất thoát trực tiếp ra các đại dương, và nếu không hành động kịp thời, con số này có thể tăng gấp đôi vào năm 2040 và tăng gấp bốn lần vào năm 2050. Bên cạnh giáo dục và nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa, hoạt động thực hành phân loại rác tại nguồn đã được tổ chức để học sinh dễ dàng tiếp cận và thực hành. Được sự hướng dẫn từ đại diện Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Huế (HEPCO), học sinh các trường trong huyện Phú Vang đã học cách phân loại rác thành bốn nhóm: rác tái chế, rác thủy tinh và rác nguy hại nhóm rác còn lại. Hoạt động gần gũi giúp các em dễ dàng áp dụng kiến thức vào cuộc sống hàng ngày, từ việc phân loại rác tại gia đình đến lan tỏa thông điệp bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Đây cũng là nền tảng để xây dựng thói quen bền vững và hình thành ý thức bảo vệ môi trường khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Học sinh các trường trong huyện Phú Vang được thực hành phân loại rác tại nguồn vào các nhóm khác nhau. Ảnh: Kiên Đồng. Thầy Đỗ Thái Dương, Hiệu trưởng Trường THCS Vinh Hà, nhấn mạnh việc giảm rác thải nhựa là một nội dung quan trọng trong giáo dục hiện nay, đặc biệt đối với học sinh trung học cơ sở tại các khu vực nông thôn. Theo thầy, giáo dục học sinh về vấn đề này không chỉ giúp xây dựng thói quen tốt mà còn định hình hành vi bền vững. “Giảm rác thải nhựa là chương trình rất ý nghĩa, góp phần nâng cao nhận thức cho các em về tác hại của nhựa đối với môi trường xung quanh và cuộc sống trong tương lai”, thầy Dương chia sẻ. Nhiều trường học trên thành phố Huế được trang bị các “Ngôi nhà xanh” nhằm tăng hiệu quả phân loại rác tại nguồn. Ảnh: WWF-Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu giảm rác thải nhựa, nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động như “Ngôi nhà xanh”, “Chủ nhật xanh” hay phong trào “Nói không với túi nilon dùng một lần.” Ngoài ra, các chương trình truyền thông, phóng sự giáo dục cũng được triển khai nhằm phân tích rõ ràng tác động của ô nhiễm nhựa đối với môi trường và trái đất. Những nỗ lực này không chỉ giúp học sinh hiểu sâu sắc về vấn đề mà còn khuyến khích các em chủ động tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Ngoài ra, học sinh các trường được tiếp cận thông tin về phân loại rác thải và giảm thiểu rác thải nhựa thông qua các cuộc thi: Rung chuông vàng, hùng biện, vẽ tranh và thiết kế bìa sách… cùng với các buổi tuyên truyền dưới cờ, truyền tải qua chương trình phát thanh măng non tại trường để tất cả học sinh đều được tiếp cận.