TIN TỨC

Năm nhiều niềm vui của nông nghiệp Hà Tĩnh

Ngày 20/11, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết ngành NN-PTNT năm 2024, triển khai kế hoạch năm 2025 và đề án sản xuất vụ xuân năm 2025. Sản xuất lúa lập kỷ lục cả vụ xuân và hè thu Bao đời nay, sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro và phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố thời tiết. Đáng mừng là năm 2024 tại Hà Tĩnh được đánh giá mưa thuận gió hòa nên cơ quan quản lý nhà nước và nông dân phấn khởi vì cây trồng được mùa, được giá; chăn nuôi vẫn giữ vai trò đầu kéo; vi phạm lâm luật gần như không có; khai thác thủy sản ước tăng hơn 5% so với năm 2023. Sản xuất lúa vụ xuân và hè thu của Hà Tĩnh được mùa, được giá toàn diện. Ảnh: Thanh Nga. Ông Nguyễn Quang thọ, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Tĩnh phấn khởi thông tin, năm nay, 2 lĩnh vực chủ lực là trồng trọt và chăn nuôi đều ghi nhận những con số tăng trưởng đáng mừng. Cụ thể, sản xuất lúa được mùa toàn diện với tổng sản lượng lương thực ước trên 66 vạn tấn, tăng hơn 3% so với năm 2023 (tăng 2,6 vạn tấn). Năng suất lúa bình quân đạt 57,14 tạ/ha, trong đó vụ xuân năng suất ghi nhận hơn 61 tạ/ha – mức cao nhất từ trước tới nay; vụ hè thu đạt gần 52 tạ/ha, tăng 4,87% so với kế hoạch. Chưa kể, thông qua việc liên kết, doanh nghiệp áp dụng tiến bộ kỹ thuật, canh tác lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP trên nhiều cánh đồng lớn đã góp phần nâng giá bán lúa có những vùng lên đến 10.000đ/kg. Minh chứng là chiến dịch hợp tác giữa huyện Cẩm Xuyên với Công ty Cổ phần Hòa Lạc IEC cung ứng mạ khay, máy cấy (áp dụng công nghệ mạ khay – máy cấy của Nhật Bản) cho các hộ dân xuất theo hình thức chậm trả với diện tích 85ha. Ông Lê Ngọc Hà, Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên nhấn mạnh, sau thành công mô hình thí điểm tại xã Cẩm Bình vụ xuân 2023, đến vụ xuân năm 2024 doanh nghiệp mở rộng liên kết sản xuất lúa ST25 theo tiêu chuẩn hữu cơ và theo hướng hữu cơ tại 6 xã, thị trấn gồm Cẩm Bình, Yên Hòa, Nam Phúc Thăng, Cẩm Quang, Cẩm Thành và thị trấn Cẩm Xuyên. “Toàn bộ sản lượng lúa nông dân thu hoạch được Công ty Cổ phần Hòa Lạc IEC thu mua toàn bộ với giá 9.000đ/kg (diện tích đang trong giai đoạn chuyển đổi) và giá 12.000 đồng/kg với diện tích đã được chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ. Việc liên kết này đang đem lại thu nhập cao cho nông dân, đồng thời bảo vệ môi trường đất, nước rất tốt”, ông Hà nói. Sau lúa, cây ăn quả có múi cũng vừa được mùa vừa được giá. Theo ghi nhận, diện tích bưởi cho thu hoạch toàn tỉnh hiện đạt hơn 3.500ha, sản lượng quả đạt gần 40.000 tấn, tăng 9,9% so với năm 2023. Năm nay, giá bán cam tại Hà Tĩnh đạt cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Ảnh: Thanh Nga. Riêng cây cam hiện đang chính vụ thu hoạch, giá nhà vườn bán tại gốc giao động từ 30.000 – 60.000đ/kg tùy loại, đây là mức giá cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây. Bà Lê Thị Cẩm Vân, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Thảo Vân (xã Phúc Trạch, huyện Hương Khê) cho biết, với quy trình trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, cam của HTX được bọc kỹ từng quả nên mẫu mã đẹp, vị ngọt đậm. Toàn bộ sản lượng của các thành viên HTX được thương lái đến mua trực tiếp tại vườn, bình quân giá bán đạt gần 40.000đ/kg. Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 7.300ha cam, trong đó hơn 6.100ha cho thu hoạch, tổng sản lượng đạt gần 70.000 tấn/năm. Đến nay, đã có 115 cơ sở sản xuất cam được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích hơn 680ha và diện tích cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ gần 80ha. Chăn nuôi tiếp tục giữ vai trò “đầu kéo” Song hành với trồng trọt, năm 2024, chăn nuôi tiếp tục là lĩnh vực đóng vai trò “đầu kéo” cho toàn ngành nông nghiệp Hà Tĩnh với tỷ trọng chiếm trên 53% cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp. Tổng đàn lợn duy trì khoảng 405.000 con, tăng 2,1% so với năm 2023; đàn trâu, bò hơn 230.000 con; đàn hươu khoảng 49.000 con; gia cầm hơn 10 triệu con, tăng 2,9%. Chăn nuôi đại gia súc chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp của Hà Tĩnh. Ảnh: Thanh Nga. Điểm nhấn lĩnh vực này đạt được trong năm nay là giám sát, hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn và vừa thực hiện các giải pháp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, đảm bảo các quy định của Luật Chăn nuôi và Luật Bảo vệ môi trường. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp Hà Tĩnh ước đạt trên 2,84%; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích ước đạt hơn 100 triệu đồng/ha; tỷ lệ độ che phủ rừng đạt trên 52,58%; tổng sản lượng thủy sản ước gần 60.000 tấn. Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh – ông Trần Hùng thông tin, toàn tỉnh có 254 trang trại chăn nuôi quy mô lớn và vừa thì đến nay đã có 37/46 trang trại quy mô lớn thực hiện việc đánh giá điều kiện, cấp chứng nhận chăn nuôi, dự kiến đến cuối năm cấp cho 9 trang trại còn lại, đảm bảo theo quy định pháp luật. “Bên cạnh phát triển tổng đàn gia súc, gia cầm, chúng tôi khuyến khích các địa phương chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, hữu cơ, tuần hoàn, liên kết theo chuỗi giá trị. Quan điểm xuyên suốt từ cấp tỉnh đến cơ sở là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Do đó, yêu cầu bắt buộc hiện tại và tương lai là cơ sở chăn nuôi phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường”, ông Hùng nhấn mạnh. Theo ông, trên cơ sở khuyến khích của tỉnh, đến nay đã có 20 mô hình nuôi lợn theo hướng hữu cơ liên kết với Tập đoàn Quế lâm; 6 cơ sở được chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh và 13 cơ sở được chứng nhận VietGAHP còn hiệu lực. Có 157 cơ sở chăn nuôi lợn liên kết với doanh nghiệp, chiếm 46% tổng đàn lợn. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh biểu dương kết quả thực hiện kế hoạch năm 2024 của ngành nông nghiệp tỉnh. Ảnh: Thanh Nga. Ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực toàn ngành nông nghiệp tỉnh trong năm 2024, ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, kết quả năm nay là tiền đề cho năm sau. Căn cứ kế hoạch đã xây dựng, ngành nông nghiệp và các địa phương cố gắng duy trì tốc độ tăng trưởng cả năm đạt từ 2,5 – 3%. Thường xuyên bám sát cơ sở, đồng ruộng, chủ động trong công tác dự tính, dự báo, cảnh báo, tham mưu phòng trừ kịp thời các sâu bệnh, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; ứng phó hiệu quả với các tình huống thiên tai, thời tiết bất thường. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, chỉ đạo thực hiện các nội dung, giải pháp Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2024 – 2030; tăng cường kiểm tra, thanh tra quản lý nhà nước về giống, vật tư nông nghiệp gắn với đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá, xây dựng thương hiệu, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp… “Gần nhất là vụ xuân năm 2025, yêu cầu quan trọng nhất là hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm lịch thời vụ gieo cấy. Căn cứ thời gian sinh trưởng của từng giống và thực tiễn sản xuất tại địa phương để hoàn thành xuống giống lúa trong thời gian từ 10/01 – 05/02/2025, cây trồng cạn kết thúc trong tháng 2/2025”, ông Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh.