TIN TỨC

Tình trạng khai thác tận diệt thủy sản trên hồ Dầu Tiếng được kiểm soát

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh, với diện tích 27.000ha, dung tích khoảng 1,5 tỷ m3 nước, nguồn lợi thủy sản dồi dào, hồ Dầu Tiếng được xem là điểm nóng trong khai thác tận diệt thủy sản.   Những phương tiện khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt nằm bờ sau khi có lệnh cấm. Ảnh: Trần Trung. Hiện nay, khu vực ven hồ Dầu Tiếng có khoảng 600 hộ dân sinh sống với khoảng 2.000 nhân khẩu là Việt kiều Campuchia, sinh kế phụ thuộc vào việc khai thác thủy sản trên mặt hồ. Theo nhiều ngư dân, việc khai thác bằng ngư cụ cấm đã tồn tại hàng chục năm qua, người làm nghề đánh bắt thủy sản ai cũng biết về quy định cấm này. Tuy nhiên, vì sinh kế, các đối tượng này vẫn dùng mọi phương cách, thủ đoạn để qua mắt lực lượng chức năng. Việc khai thác tận diệt không chỉ làm suy giảm đáng kể nguồn lợi thủy sản mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của các ngư dân chân chính. Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh đã có văn bản gửi Sở NN-PTNT; Công an tỉnh, UBND các huyện Dương Minh Châu, Tân Châu; Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi miền Nam và các đơn vị liên quan về việc nghiêm cấm khai thác thủy sản trong thời gian thả cá giống vào hồ Dầu Tiếng. UBND tỉnh chỉ đạo nghiêm cấm khai thác thủy sản, các hoạt động mua bán, tiêu thụ thủy sản có nguồn gốc trong hồ Dầu Tiếng từ ngày 7/11 đến hết ngày 7/12/2024 Những ngư dân chân chính phấn khởi khi tỉnh ban hành lệnh cấm. Ảnh: Trần Trung. Anh Nguyễn Văn Hiền, một ngư dân dày dạn kinh nghiệm khai thác thủy sản theo phương thức truyền thống trên hồ Dầu Tiếng cho biết, khi chưa có lệnh cấm, người dân thường xuyên khai thác thủy sản trên hồ Dầu Tiếng, trong đó phương tiện chủ yếu là ghe nhủi, kích điện để đánh bắt cá. Tuy nhiên, khi lệnh cấm được ban hành, tình trạng này cơ bản đã được khắc phục, anh cũng như nhiều bà con nơi đây rất phấn khởi, yên tâm giăng lưới bắt cá. Ông Nguyễn Văn Thanh chuyên hành nghề vận chuyển khách tham quan hồ Dầu Tiếng cho biết thêm, trước đây, không khó để bắt gặp hình ảnh những ghe nhủi hoạt động cả ngày lẫn đêm, cao điểm có hàng chục chiếc ghe nhủi hiệp đồng tận diệt thủy sản, thời gian hoạt động thường diễn ra từ 17h chiều đến 7 giờ sáng, tức ngoài giờ hành chính để né tránh lực lượng chức năng. Nhưng nay, hầu hết những chiếc ghe này đều nằm bờ. Để giải quyết gốc rễ vấn nạn trên, ngành chức năng cần có chế tài mạnh tay và quyết liệt hơn không chỉ trong thời gian nhất định mà cần xuyên suốt cả năm. Lực lượng chức năng tỉnh Tây Ninh phối hợp tuần tra kiểm soát trên hồ Dầu Tiếng. Ảnh: Trần Trung. Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, Sở đã đề nghị các cơ quan, đơn vị, chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý khai thác thủy sản trên địa bàn; phối hợp chặt chẽ với Sở trong kiểm tra việc vận chuyển, tàng trữ, sử dụng ngư cụ cấm để khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, có biện pháp điều tra tổng thể các hộ dân sinh sống ven hồ, từ đó đề xuất những giải pháp quản lý có hiệu quả. Tăng cường công tác quản lý, đăng ký phương tiện, nghề, con người trong khai thác thủy sản theo quy định hiện hành để việc quản lý khai thác đạt hiệu quả tốt hơn. Ngoài ra, cần vận động, thành lập tổ chức cộng đồng bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản trong hồ Dầu Tiếng để người dân cùng tham gia. “Các địa phương liên quan thông báo để các hộ dân tham gia khai thác thủy sản tại các xã ven hồ Dầu Tiếng nắm rõ chỉ đạo của UBND tỉnh về việc cấm đánh bắt cá; chỉ đạo đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm. Các xã ven hồ Dầu Tiếng có nhiệm vụ kiểm tra, rà soát số lượng phương tiện đang tham gia khai thác thủy sản trên địa bàn; vận động người dân ký cam kết không khai thác thủy sản trong thời gian cấm đánh bắt…”, ông Nguyễn Đình Xuân chia sẻ.