TIN TỨC

Áp dụng IPHM trên cây khoai lang, lợi nhuận tăng thêm 20 triệu đồng/ha

Nông dân ấp Tân Phú, xã Tân Bình (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) đang tham gia buổi tập huấn theo dõi mật độ thiên địch trên ruộng khoai lang. Ảnh: Hồ Thảo.  Vùng nguyên liệu khoai lang giảm mạnh Huyện Bình Tân là vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất tỉnh Vĩnh Long với diện tích trồng hằng năm hơn 1.000ha, nông dân vẫn duy trì thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học định kỳ (7 – 10 ngày/lần) để phòng trừ sâu bệnh. Việc lạm dụng này không chỉ gây mất cân bằng sinh thái, làm sâu bệnh kháng thuốc mà còn dẫn đến ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó còn đẩy chi phí sản xuất tăng cao, khiến nhiều nông dân gặp khó khăn, thua lỗ khi giá khoai lang xuống thấp, buộc họ phải chuyển sang các cây trồng khác. Theo Phòng NN-PTNT huyện Bình Tân, đến cuối tháng 9/2024, diện tích khoai lang của huyện chỉ còn 805ha, giảm 218ha so với cùng kỳ năm trước. Nhằm hướng đến sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm an toàn, Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long đã triển khai mô hình “Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây khoai lang” thuộc địa bàn huyện Bình Tân. Mô hình được triển khai tại xã Tân Bình với diện tích thực hiện 24ha của 30 hộ tham gia. Trong mô hình, nông dân áp dụng phương pháp canh tác giảm giống từ 2 muôn giống/1.000m² xuống còn 1,6 muôn (1 muôn = 10.000 dây giống). Phân bón hóa học được cắt giảm, thay thế một phần bằng phân hữu cơ và số lần phun thuốc BVTV cũng giảm 2 lần so với trước. Hàng tuần, bà con theo dõi, ghi chép các tiêu chí như: Số lá, chiều dài dây khoai, tổng số củ, tỷ lệ củ bị sâu đục, bệnh thối củ và mật độ các loài thiên địch. Đồng thời, ruộng khoai trong mô hình còn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm 3 tăng, “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)… Ruộng khoai trong mô hình IPHM sinh trưởng rất tốt. Ảnh: Hồ Thảo. Lợi nhuận tăng 20 triệu đồng/ha Mới đây, tại ấp Tân Phú, xã Tân Bình (huyện Bình Tân), hơn 30 hộ nông dân đã có mặt tại buổi tổng kết mô hình quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trên cây khoai lang. Đây là lần đầu tiên họ áp dụng quy trình canh tác mới nên rất sốt sắng tham gia để kiểm chứng hiệu quả. Kết quả cho thấy, ruộng áp dụng mô hình IPHM đạt năng suất 3,7 tấn/công (1 công = 1.000m2), cao hơn 1 tấn so với ruộng đối chứng. Sau khi trừ chi phí, nông dân thu lãi gần 11 triệu đồng/công, lợi nhuận tăng thêm 20 triệu đồng/ha. Bà con nông dân phấn khởi cho biết đây là mức lợi nhuận cao nhất trong 2 năm trở lại đây (so với cùng kỳ). Ông Võ Văn Tấn ở ấp Tân Phú chia sẻ: Ban đầu, tôi khá lo lắng khi cán bộ hướng dẫn giảm 4.000 dây giống/công vì sợ trồng thưa sẽ giảm năng suất. Nhưng thực tế, trồng mật độ vừa phải cây khoai sinh trưởng nhanh giúp củ ăn sâu vào đất và to hơn nên đạt năng suất cao hơn. Đồng thời tỷ lệ củ bị sâu, sùng cũng giảm. Ông Tấn cho biết, nhờ được tập huấn, ông đã nắm vững vòng đời của sâu bệnh nên chỉ phun thuốc đúng thời điểm, giúp tiết kiệm tiền mua thuốc BVTV từ 9 triệu đồng/công/vụ xuống còn 5 triệu đồng và giảm được công phun. “Khoảng 15 – 20 ngày sau khi xuống giống, khi sâu lá bắt đầu xuất hiện tôi mới xịt thuốc lần đầu rồi ngưng. Cho đến khi khoai ra củ, khi sâu sùng và dế phát triển tôi mới tưới thuốc dưới gốc”, ông Tấn cho biết. Cũng theo ông Tấn, trước đây nông dân thường trồng khoai lang liên tục 2 – 3 vụ/năm dẫn đến đất bạc màu và bùng phát dịch hại do mầm bệnh từ vụ trước. Từ khi được tập huấn, ông Tấn đã áp dụng phương pháp luân canh một vụ khoai lang với một vụ lúa để cải thiện chất lượng đất, giảm rủi ro dịch hại. Vì vậy, ruộng khoai của ông đạt 55 tạ/công, cao hơn ruộng bên ngoài 10 tạ/công, lợi nhuận 70 triệu đồng/ha. “Ăn vụ này xong, tôi đang chuẩn bị cho nước vào rửa đất và sẽ mở rộng thêm 50 công theo quy trình IPHM đã được hướng dẫn”, ông Tấn nói. Kết quả so với ruộng đối chứng, lợi nhuận ruộng mô hình áp dụng IPHM tăng thêm 2 triệu đồng/công, tổng lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha. Ảnh: MH. Tương tự ông Tấn, ông Nguyễn Văn Phúc (ngụ cùng ấp) cũng đang thu hoạch ruộng khoai đạt năng suất 62 tạ/công (1 tạ = 60kg), cao hơn ruộng ngoài mô hình 15 tạ. Ông Phúc chia sẻ, ruộng của mình không chỉ đạt năng suất cao mà lợi nhuận cũng vượt trội, tăng gần 2 triệu đồng mỗi công so với cách canh tác truyền thống. “Ruộng ngoài mô hình chi phí tốn kém hơn do sử dụng nhiều giống hơn, trong khi ruộng của tôi giảm 4.000 hom giống, tiết kiệm khoảng 280.000 đồng/công. Phân bón cũng giảm còn 20kg/1.000m2, tiết kiệm thêm 350.000 đồng. Thuốc BVTV ít hơn đến 800.000 đồng/công nhờ giảm số lần phun”, ông Phúc phân tích và khẳng định vụ chắc chắn sẽ tiếp tục áp dụng quy trình IPHM. Theo bà Trần Thị Hồng Thơi, cán bộ kỹ thuật Trạm BVTV huyện Bình Tân, kết quả trên cho thấy, IPHM là giải pháp hàng đầu cho canh tác khoai lang hiện nay. Mô hình không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn giúp nâng cao nhận thức của nông dân về việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là những biện pháp như tuân thủ lịch thời vụ, luân canh cây trồng khác họ, đồng thời kết hợp đồng bộ các biện pháp canh tác, các giải pháp kết hợp sinh học và hóa học… “Chúng tôi sẽ đề xuất với Phòng NN-PTNT và UBND các xã tiếp tục giám sát, khuyến khích các hộ đã tham gia mô hình duy trì và mở rộng quy mô trong những năm tới”, bà Thơi cho hay. Mở rộng áp dụng IPHM  Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Vĩnh Long đánh giá, nông dân trồng khoai lang ở huyện Bình Tân đã và đang đối mặt với nhiều rủi ro từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đặc biệt là lạm dụng thuốc BVTV, chi phí cho công tác BVTV chiếm tới 30 – 35% tổng chi phí sản xuất. Ông Phúc cho rằng, nông dân cần thay đổi tư duy và cách thức canh tác bằng việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để duy trì sức khỏe đất và cây trồng, đồng thời giảm chi phí sản xuất đầu vào. Vùng nguyên liệu khoai lang của tỉnh Vĩnh Long sẽ tăng cường áp dụng IPHM trong thời gian tới. Ảnh: Hồ Thảo. Việc áp dụng các biện pháp canh tác IPM, IPHM sẽ giúp sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng và tạo ra sản phẩm an toàn. Đồng thời góp phần vực dậy vùng nguyên liệu khoai lang của tỉnh trong những năm tới. Tỉnh cũng đã phê duyệt kế hoạch phát triển quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đến năm 2030, áp dụng cho nhiều loại cây như khoai lang, lúa, mít…