TIN TỨC

‘Bàng ơi…!’ kể chuyện lịch sử qua nét đẹp nghệ thuật

Dường như, bàng là một loại cây vô cùng bình dị, có mặt ở khắp phố phường trên mảnh đất hình chữ S. Vậy mà, trong không gian u tối của ngục tù, cây bàng lại trở thành một “chứng nhân lịch sử”, chứng kiến bao khoảnh khắc gian khổ và những cuộc đấu tranh hào hùng năm xưa. Bàng không chỉ dùng tán lá che bóng mát, những cây bằng còn là “người bạn” gần gũi, thân thương, đồng hành và gắn bó mật thiết  với đời sống của tù chính trị, âm thầm giúp người tù vượt lên những khắc nghiệt chốn “địa ngục trần gian”. Chuyên đề “Bàng ơi…!” kể về câu chuyện của những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò. Chuyên đề “Bàng ơi…!” giới thiệu câu chuyện về những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò, bàng nơi đảo xa và bàng trong thơ ca, hội họa, về những công dụng của từng bộ phận cậy bàng, những sản phẩm được làm từ bàng,… Qua đó, ta hiểu và yêu hơn về cây bàng, dù trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn vươn lên mạnh mẽ. Bên cạnh đó, chuyên đề còn là lời cảm ơn sâu sắc đến những chiến sĩ yêu nước, hy sinh bất khuất, chiến đấu bằng cả tính mạng bị thực dân Pháp bắt, giam tại nhà tù Hỏa Lò. Trưng bày được chia làm 2 phần: Những cây bàng trong Nhà tù Hỏa Lò và Bàng ơi!. Ở phần I “Những cây bàng trong nhà tù Hỏa Lò”, người xem sẽ thấy ý nghĩa đặc biệt của từng bộ phận cây bàng và hình ảnh cuộc sống của những tù nhân thân thiết bên cây bàng. Theo tư liệu, trước năm 1930, những tù nhân phải lao dịch ở tòa án, đã có sáng kiến bứng về một cây bàng non, xin được trồng để lấy bóng mát. Thấy có lợi, giám ngục cho trồng thêm những cây bàng tại các khu sân trại. Theo thời gian, bàng lớn lên, gắn bó thân thiết và hữu ích với nhiều thế hệ tù chính trị Hỏa Lò.  Ngày đầu tiên mở cửa đón khách đến với chuyên đề “Bàng ơi…!” thu hút đông đảo khách tham quan. Gốc bàng là nơi đặt hòm thư mật, gốc cây bàng ở sân trại nữ còn là “sân bay” của những chuyến hàng đồ tiếp tế (đồ tiếp tế, bánh kẹo,…) từ bên ngoài đáp vào. Với tù chính trị Hỏa Lò, quả bàng là “thần dược”,”nguồn vitamin”, là “thuốc bổ hồi sinh”. Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Huynh, tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm 1943- 1945, kể: “Tôi có ký ức sâu sắc về cây bàng và những quả bàng chín ở trại giam Hòa Lò vì sau khi trải qua một trận ốm nặng, đúng là từ cõi chết trở về, anh em trong trại tăng cường giúp tôi thuốc để điều trị và đặc biệt gửi cho tôi nhiều quả bàng chín, lúc đó đúng là loại “thuốc bổ hồi sinh” giúp tôi hồi phục dần dần”. Qua bàn tay khéo léo của tù nhân, những cành bàng rụng xuống được gọt đẽo, gọt trở thành tẩu thuốc, quản bút, đũa ăn cơm,… Tù chính trị còn dùng vỏ bàng để sắc nước uống, chữa bệnh đường ruột rất hiệu quả. Nhạc sỹ Đõ Nhuận tù chính trị Hỏa Lò năm 1943 – 1944, chia sẻ về việc chế tác ống tiêu từ cành bàng để biểu diễn văn nghệ. Ông kể lại quá trình tỉ mỉ, công phu từ việc chọn cành, vặt lá, đến khoét rỗng ruột và tạo hình ống tiêu.Qua đây, câu chuyện này minh họa sinh động cho sự khéo léo và tinh thần nghệ thuật không bao giờ tắt của những người tù. Đối với tù chính trị, lá bàng là nguồn dược liệu quý. Mỗi khi được ra sân, tù chính trị thường tìm cách hái vội những búp măng non hay lá bánh bánh tẻ, lén giấu trong người, ngậm trong miệng để đem về phòng giam chia cho bạn tù. Lá bàng được dùng để chữa kiết lỵ, tiêu chảy. Lá bàng bánh tẻ được hơ nóng, rồi chườm lên vết thương cho bớt đau nhức, mưng mủ. Bên cạnh đó, trong phần I còn đề cập đến những sản phẩm đặc trưng từ bàng. Đó là, những thức quà bàng trong các chương trình Đêm thiêng liêng được tổ chức tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò, gồm: Trà bàng lá nếp, bánh lá bàng, thạch bàng, chè bất khuất, trà sữa thạch bàng, khung ảnh lá bàng in hình cổng chính Nhà tù Hỏa Lò, những lá bàng in thơ do các chiến sĩ cách mạng sáng tác… Đến với phần II, “Bàng ơi!”, công chúng sẽ được biết thêm những câu chuyện cây bàng ở đảo xa và trong những câu hát, vần thơ. Trên những hòn đảo xa xôi, cây bàng như một minh chứng cho sức sống mãnh liệt, cho tinh thần bất khuất của tù chính trị Côn Đảo và những chiến sĩ hải quân. Bên cạnh hình ảnh bàng Côn Đảo, cây bàng vuông với vẻ đẹp riêng biệt cũng góp phần tô điểm cho vùng biển quê hương. Loài cây này có mặt ở nhiều đảo như Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quốc, Thổ Chu và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, chính vì thế nó còn được biết đến với tên gọi bàng biển hay bàng Trường Sa. Một phần trưng bày của chuyên đề “Bàng ơi…!”. Điểm nhấn của trưng bày “Bàng ơi…!” được thiết kế theo bảng màu chủ đạo với sắc xanh – vàng, lấy cảm hứng từ những gam màu của lá bàng.Ngoài ra, khu vực khối chữ “BÀNG ƠI!” với kích thước nổi bật, màu sắc đan xen, sẽ là điểm chụp ảnh check-in thú vị cho du khách khi đến với Nhà tù Hỏa Lò. Trưng bày ra mắt vào ngày 8/10/2024 và kéo dài tới ngày 31/12/2024 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.