‘Bệnh kép’ hại ớt
HẢI DƯƠNG Gọi là ‘bệnh kép’ bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.
Ruộng ớt nhà anh Lương Quang Hiệp ở thôn Tống Xá (xã Thanh Quang, huyện Nam Sách, Hải Dương) đang bị “bệnh kép” gây hại. Triệu chứng: Bệnh gây hại trên tất cả các bộ phận của cây, từ lá đến cành, đến chồi non, nhất là trên quả với những vết thối nổi rõ đường quầng. Bà con thường gọi đây là bệnh thối trái ớt, còn khoa học gọi là bệnh thán thư do nấm Colletotri Chum SPP. Đồng thời cũng những cây bị bệnh này, toàn bộ mặt lá, nhất là các lá to và già đều bị lớp phấn trắng bám trạt trên mặt lá, phần dưới lá hoá màu vàng nâu rồi dần dần cả lá khô rạc và rụng, còn trơ lại những quả mang bệnh thán thư, không thể bật chồi khiến ruộng ớt bị giảm năng suất. Triệu chứng này bà con gọi là bệnh tàn lá ớt, khoa học gọi là bệnh phấn trắng, tác nhân gây bệnh là nấm gây hại Sphaerotheca Panoavar. Ruộng ớt nhà anh Lương Quang Hiệp sau khi đã phun trừ “bệnh kép” hại ớt. Nguyên nhân: Nguyên nhân sâu xa là do thời tiết diễn biến phức tạp, ẩm độ cao và nhiệt độ thấp kéo dài, ít nắng. Nguyên nhân trực tiếp là do bón phân không cân đối, trồng quá dày hoặc phun thuốc không triệt để, chưa đúng chủng loại thuốc…. Biện pháp khắc phục: Hưởng ứng xu thế sử dụng thuốc sinh học của ngành nông nghiệp, xin giới thiệu với bà con về kết quả đã sử dụng hỗn hợp 2 loại thuốc và pha phun theo hướng dẫn sau: – Dùng 20 đến 30gram bột Tricho Derma cùng với 2 gói thuốc Sát thủ (loại 18gram) của Công ty Cổ phần hoá sinh EBC rồi pha đều trong 16 đến 18 lít nước và phun cho 1/3 đến 1/2 sào ớt. – Phun vào chiều mát, khi có mưa phun lần 2 cách lần 1 từ 2 đến 3 ngày. Hiệu quả của biện pháp khắc phục: Hiện ruộng ớt nhà anh Lương Quang Hiệp ở thôn Tống Xá, xã Thanh Quang (Nam Sách, Hải Dương) pha phun theo hướng dẫn trên và “bệnh kép” này đã dừng hẳn. (Phương pháp phòng trừ bệnh trong bài viết chỉ mang tính tham khảo từ kinh nghiệm ở trường hợp cụ thể).