TIN TỨC

Bờ biển sạt lở, Bí thư Tỉnh ủy phê bình cấp dưới vì chậm báo cáo

Khu vực bờ biển thôn Văn Phong và thôn Đại Trường (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) có chiều dài hơn 1km xuất hiện nhiều điểm bị nước biển xâm thực gây sạt lở nghiêm trọng. Tại hiện trường, nhiều đoạn kè bê tông bị sóng biển đánh vỡ, lộ phần thép bên trong, nằm ngổn ngang ven bờ. Nhiều vị trí dọc tuyến, nước biển ăn sâu vào đất liền cả chục mét khiến đất, cát và hàng phi lao ven bờ bị “nuốt chửng” và tiếp tục có nguy cơ sạt lở nếu không được khắc phục kịp thời. Bờ biển bị xâm thực khiến nhiều gốc phi lao ven bờ lộ bộ rễ. Ảnh: Quốc Toản. Tuyến đường giao thông trong khu du lịch cũng bị biển xâm thực, cuốn đi một phần đất nền; mặt đường đứng trước nguy cơ bị kéo sụp nếu không sớm có biện pháp khắc phục. Cách đoạn bờ biển đang bị xâm thực khoảng hơn 200m về phía nam, khu vực bến bè mảng của người dân thôn 6, xã Hoằng Trường đã bị sóng đánh sập khoảng 30m kè bê tông cốt thép, gây đứt gãy bề mặt. Anh Trương Đình Chiến (xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa), lao động làm việc tại khu du lịch Hải Tiến cho biết: “Người dân và lao động sống và làm việc tại đây rất lo lắng mỗi khi mưa bão, nước biển xâm lấn sâu vào bờ. Tình trạng sạt lở bờ biển tại huyện Hoằng Hóa đã xảy ra đã khá lâu, nếu không có biện pháp khắc phục sẽ gây nguy hiểm cho bà con. Chúng tôi mong muốn nhà nước sớm đầu tư tuyến đê biển tại khu vực này để ngăn chặn nước biển xâm lấn vào đất liền”. Nhiều cây phi lao ven bờ bị bật gốc, nằm chỏng chơ ven bờ. Ảnh: Quốc Toản. Theo báo cáo của UBND huyện Hoằng Hóa, vào cuối tháng 7, đầu tháng 8/2024 do ảnh hưởng của triều cường, sóng lớn với tần suất cao nên hiện tượng sạt lở, xâm thực biển xảy ra mạnh hơn, đặc biệt là đoạn bờ biển từ Dự án du lịch của Công ty Cổ phần Đầu tư du lịch biển Hải Tiến 126 đến Kênh Phúc Ngư, có chiều dài khoảng 1.600m. Nước biển xâm thực khiến 0,38ha đất bị cuốn trôi ra biển, điểm xâm thực sâu nhất khoảng 15m vào sát đường nội bộ của doanh nghiệp đã đầu tư. Để đảm bảo an toàn cho người dân và khách du lịch, UBND huyện đã chỉ đạo UBND xã Hoằng Trường theo dõi chặt chẽ; cắm biển cảnh báo; mở sổ theo dõi tình trạng xâm thực; chủ động xử lý tình huống theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu tình trạng xói lở, xâm thực… Đoạn kè chắn sóng bị nước biển phá vỡ. Ảnh: Quốc Toản. Ngay sau khi nhận được thông tin về tình trạng sạt lở, xâm thực bờ biển tại huyện Hoằng Hóa, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy đã đi kiểm tra thực tế. Tại buổi kiểm tra, ông Hưng phê bình các sở, ngành, UBND huyện Hoằng Hóa vì chậm báo cáo tình hình biển xâm thực, gây sạt lở, chưa chủ động đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền để có biện pháp khắc phục. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Sở NN-PTNT Thanh Hóa; Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, phải trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ huyện Hoằng Hóa triển khai thực hiện các phương án “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất nước biển xâm thực. UBND tỉnh phải công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai. Đồng thời từ nguồn dự phòng ngân sách của tỉnh, hỗ trợ huyện Hoằng Hóa triển khai ngay công trình khẩn cấp thi công toàn tuyến, điểm đầu tại xã Hoằng Phụ đến điểm cuối cống Phúc Ngư, xã Hoằng Trường, dài 3km. Việc triển khai dự án phải lựa chọn nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm và phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết; công trình thi công đảm bảo chất lượng, mỹ quan và thời gian ngắn nhất.