TIN TỨC

Bộ phim ‘Độc đạo’ vì sao thu hút khán giả truyền hình?

Một cảnh trong bộ phim “Độc đạo”. Bộ phim “Độc đạo” do cặp đạo diễn Phạm Gia Phương và Trần Trọng Khôi thực hiện. Thú thật tôi hầu như chưa xem một bộ phim hình sự nào của Hãng phim truyền hình Việt Nam. Nhưng tình cờ, xem một tập của bộ phim “Độc đạo” và từ hôm đó không thể rời mắt được. Lược qua vài điểm mạnh của bộ phim “Độc đạo”. Thứ nhất, nhiều nhân vật, nhưng nhân vật nào cũng không lẫn lộn, không mờ nhạt, đều có tính cách khá rõ (công đầu của ai đây, biên kịch, diễn viên hay đạo diễn?). Thứ hai, tình huống kịch luôn căng thẳng, nhưng các diễn viên vào vai lại không đơn điệu, không căng cứng. Phải dành lời khen cho các gương mặt trẻ Doãn Quốc Đam, Duy Hưng, Bảo Anh, Hà Việt Dũng cùng các “bậc lão tướng” như Chí Trung, Hoàng Hải, Vĩnh Xương và nhiều diễn viên trong các vai khác. Thứ ba, xung đột kịch xuất hiện trong từng trường đoạn, trong từng tập phim. Và vì là phim hình sự nên tiết tấu phải nhanh. Chính ở điểm này bộc lộ tài năng cắt cúp của quay phim, tài năng chuyển cảnh, dựng cảnh của đạo diễn. Đồng thời, bối cảnh phim rất kỹ càng, không sa vào bệnh qua quýt, ẩu thả Trên hết, tính hấp dẫn của bộ phim “Độc đạo” nằm giữa yếu tố hình sự và quan hệ con người, giữa đấu tranh thiện ác và phẩm chất trữ tình. Ví như cuộc gặp gỡ của ông trùm Vĩnh Xương và bà cả, bá hai có nhiều chi tiết cực kỳ khéo léo. Là một người theo dõi đời sống điện ảnh nhiều năm, tôi thấy bộ phim “Độc đạo” là một bước tiến dài của Hãng phim truyền hình Việt Nam. Trong khi thiên hạ đua nhau làm phim ma quỷ, phim cổ trang nhăng nhít, bôi tro trát trấu lên mặt diễn viên, mong tìm ra của lạ giả vờ non kém, nhằm kéo khách tới rạp, để đạt doanh thu cao, thì bộ phim “Độc đạo” thu hút người xem bằng tài năng, bằng tay nghề, bằng những gì bám sát đời sống. Và hơn thế, bộ phim “Độc đạo” định vị bằng chính thứ ngôn ngữ điện ảnh hiện đại (cứ coi là “học lỏm” của điện ảnh Hollywood, thì đã sao, đâu phải dễ). Nghệ sĩ Ưu tú Hoàng Hải vai ông trùm Lê Toàn trong bộ phim “Độc đạo”. Có một nhận xét này, có thể là hời hợt, cạn cợt của một khán giả ngoài bát tuần, nhưng cứ liều nói xem sao: Hãng phim truyền hình Việt Nam biết làm phim hay. Khi đã có phim hay thì sẽ có casting cao bằng tiền quảng cáo. Và như vậy nguồn thu tài chính khá ổn. Nên không ở đâu như ở Hãng phim truyền hinh Việt Nam, cả biên kịch, đạo diễn lẫn quay phim thỏa sức thi tài để viết kịch bản, để dàn dựng, để diễn, để quay… Tức là thỏa sức được thử nghiệm con đường khám phá chinh phục công chúng bằng giá trị tác phẩm. Từ trường hợp bộ phim “Độc đạo”, xin hoan nghênh Hãng phim truyền hình Việt Nam, đã tìm được “lối ra” đúng đắn cho dòng chảy nghệ thuật trên màn ảnh nhỏ. Cứ tàng tàng tiến lên, Hãng phim truyền hình Việt Nam sẽ là lò luyện nghiêm túc, nơi sàng lọc đích thực để tạo ra các biên kịch, đạo diễn , quay phim, diễn viên giỏi cho phim truyện truyền hình nói riêng và cho điện ảnh nước nhà nói chung.