Bổ sung quy định thời gian khi lập thủ tục và phê duyệt đầu tư công
Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn ĐBQH Đà Nẵng. Ảnh: Hồ Long. Tiêu chí về vốn của dự án đầu tư công trong dự thảo luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 đã tăng so với luật hiện hành. Tuy nhiên, trong phiên thảo luận tại hội trường ngày 6/11, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Đoàn ĐBQH Quảng Bình bày tỏ, cần có đánh giá cụ thể hơn và đưa ra cơ sở cho việc nâng mức vốn đầu tư để đạt tiêu chí dự án quan trọng quốc gia. Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn ĐBQH Thái Nguyên đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh biên độ về vốn giữa dự án nhóm B và C (hiện là 240 và 3.000 tỷ đồng). Theo ông Thành, việc điều chỉnh biên độ này sẽ giúp đẩy nhanh thủ tục, nhất là với tính chất của dự án nhóm B, C hơn, tránh trường hợp dự án nhỏ cũng phải bảo đảm quy trình, hồ sơ, giấy tờ phức tạp, tăng tốc triển khai dự án. Hiện các thủ tục đầu tư không những được quy định trong Luật Đầu tư mà còn xuất hiện trong nhiều luật khác như: Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Phòng cháy và Chữa cháy… Mỗi thủ tục lại có yêu cầu khác nhau về hồ sơ, trình tự và thời gian. Một số thủ tục thậm chí quy định nhiều bước thực hiện, số khác lại phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác. Đại biểu Trần Chí Cường, Đoàn ĐBQH Đà Nẵng nhẩm tính, thời gian trung bình để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên kéo dài từ 250 đến 350 ngày mới đủ điều kiện khởi công xây dựng, tương đương hơn 8 tháng kể từ lúc HĐND thông qua mới thực hiện. Trên thực tế, thời gian thực hiện nhiều khả năng kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện hồ sơ và tài liệu liên quan. Do đó, ông đề nghị dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) bổ sung quy định thời gian ở từng bước lập thủ tục và phê duyệt của các cơ quan, tương tự như quy định ở Điều 36a bổ sung trong Luật Đầu tư quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt trình Quốc hội trong dự án Luật sửa đổi. Ông Cường cũng đề xuất tổ soạn thảo xem xét nâng hạn mức phần vốn chuyển tiếp của kỳ đầu tư công trung hạn hiện tại sang kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau không vượt quá 50%, trên cơ sở định hướng, chiến lược phát triển, dự kiến nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của trung ương và địa phương khi phê duyệt kế hoạch. Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thông tin, Điều 17 Luật Đầu tư công hiện hành đã cho phép trong trường hợp cần thiết HĐND có thể giao UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư. Đã có 43 tỉnh, thành phố thực hiện quy định này. Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tin rằng, để đẩy nhanh tiến độ triển khai, giải ngân đầu tư công, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu và nghiên cứu kỹ lưỡng xem phân cấp cho UBND, hoặc giữ nguyên như hiện nay, hoặc đưa ra một phương án khác. Lắng nghe các ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, cần cân nhắc, đánh giá kỹ lưỡng, giải trình một cách thuyết phục trước khi sửa đổi một chính sách. Quan điểm tăng cường phân cấp, phân quyền về địa phương đã được thực hiện trong nhiều ngành, lĩnh vực. Với đầu tư công, cần lưu ý thêm đến tính khả thi, năng lực tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị được phân cấp và phải tổ chức lấy ý kiến của các cơ quan cũng như HĐND cấp tỉnh. Cùng với đó, các quy định về phân công giám sát, kiểm soát quyền lực, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan phải bảo đảm quy định chặt chẽ, nhất là về chuyển thẩm quyền của HĐND sang UBND, giữa cơ quan dân cử sang cơ quan quản lý hành chính. Trong thời gian chờ luật mới được thông qua, các bên tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất giữa các điều luật sửa đổi, bổ sung lần này với các luật khác, đặc biệt là các luật chuyên ngành về ngân sách và nợ công.