TIN TỨC

Cận cảnh Xá lợi Phật – Bảo vật quốc gia của Ấn Độ đang ở TP.HCM

Xá lợi kim thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Sáng sớm ngày 2/5, kim thân Xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, bảo vật vô giá và biểu tượng tinh thần cao quý của Ấn Độ, đã được long trọng nghênh đón tại TP.HCM. Sự kiện trọng đại này nằm trong Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, đánh dấu sự chuẩn bị cho những ngày chiêm bái thiêng liêng dành cho Tăng, Ni, Phật tử và người dân, bắt đầu từ ngày 3/5. Đại diện Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cung thỉnh Xá lợi Đức Phật về chùa Thanh Tâm. Ảnh: Lê Bình. Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự cho biết, đã có những giám định khoa học nghiêm ngặt từ các nhà khảo cổ, nhà khoa học và y học, bao gồm cả xét nghiệm ADN, để xác thực đây chính là xá lợi đích thực của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Xá lợi Đức Phật hiện được tôn thờ tại Bảo tàng Quốc gia New Delhi, Ấn Độ. Theo quy định ngoại giao đặc biệt, việc thỉnh xá lợi ra nước ngoài được xem là sự kiện mang tầm quốc gia, tương đương với chuyến công du của nguyên thủ, cho thấy giá trị tinh thần và ý nghĩa văn hóa to lớn của bảo vật này. Ông Đào Ngọc Dung (Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo và ông Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM đã ra sân bay Tân Sơn Nhất để đảnh lễ Xá lợi Đức Phật theo đúng nghi thức ngoại giao. “Nhiều nguyên thủ và cán bộ cấp cao nhiều quốc gia sẽ sang dự đại lễ Vesak 2025 và phát biểu. Đây có thể là sự yêu mến, quan tâm của các quốc gia về đại lễ, góp phần thành công trong việc tổ chức Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025”, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho hay. Xá lợi Đức Phật là bảo vật quốc gia của Ấn Độ, được các nhà khảo cổ, khoa học khẳng định là xá lợi đích thực của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ảnh: Lê Bình. Theo Thượng tọa Thượng toạ Thích Nhật Từ, Phó Tổng Thư ký Thường trực, Ủy ban Tổ chức Quốc gia Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025, việc cung rước Xá lợi Đức Phật về Việt Nam mang trong mình ba tầng ý nghĩa sâu sắc. Thứ nhất là khẳng định mối thâm giao hữu nghị bền chặt giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thứ hai, đây là việc trao tặng món quà tâm linh và văn hóa vô giá từ Chính phủ Ấn Độ nhân dịp Đại lễ Vesak 2025. Đồng thời, sự kiện góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam như một cầu nối văn hóa tâm linh quan trọng của cộng đồng Phật giáo toàn cầu. Người dân chiêm bái xá lợi Phật thế nào? Thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng ban Thông tin – Truyền thông Phật giáo TP.HCM cho biết, thời gian chiêm ngưỡng và đảnh lễ xá lợi Đức Phật dành cho chư Tăng Ni, Phật tử và người dân từ ngày 3/5 đến hết trưa ngày 08/5. Thời gian mở cửa chiêm bái hàng ngày là từ 6h – 22h, riêng buổi sáng ngày 6/5 sẽ dành riêng cho các đại biểu tham dự Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025. Phật tử và người dân có thể tới chùa Thanh Tâm (huyện Bình Chánh) để đảnh lễ và chiêm bái Xá lợi Đức Phật. Ảnh: Lê Bình. Thượng tọa Thích Tâm Hải đặc biệt lưu ý: “Quý vị Phật tử và người dân đến chiêm bái xá lợi Phật không cần đăng ký trước. Khi đến, xin vui lòng tập trung tại khu vực nhà chờ để được hướng dẫn”. Ban Tổ chức không thu bất kỳ khoản phí nào đối với tất cả quý vị đến chiêm bái. Đồng thời, xin miễn nhận vòng hoa và lễ phẩm cúng dường, cũng như không thực hiện nghi thức dâng cúng tại khu vực tôn trí xá lợi. Để đảm bảo sự trang nghiêm và trật tự, Phật tử và người dân khi vào chiêm bái xá lợi Đức Phật vui lòng tuân thủ theo sự hướng dẫn của Ban Tổ chức, xếp hàng tuần tự, di chuyển theo hàng lối và tuyệt đối không chạy hoặc chen ngang dòng người. Người dân cũng được đề nghị giữ gìn sự im lặng trang nghiêm, không tự ý chụp hình hoặc quay phim bên trong khu vực tôn trí xá lợi cũng như các khu vực chiêm bái. Người dân không phải mất bất cứ phí nào khi tham gia chiêm bái Xá lợi Đức Phật. Ảnh: Lê Bình. Ban Tổ chức thông báo không tiếp đón trẻ em dưới 2 tuổi, người có sức khỏe không đảm bảo hoặc trang phục không phù hợp vào khu vực tôn trí xá lợi Phật. Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, do Ủy ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc (ICDV) và Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp tổ chức, sẽ diễn ra từ ngày 6/5 – 8/5 tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Sự kiện dự kiến quy tụ đại diện từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.