TIN TỨC

Cần sớm hình thành thị trường, thương mại hóa thiên địch

“Đi tắt, đón đầu” công nghệ mới Từ năm 1957 đến nay, ngành bảo vệ thực vật (BVTV) Việt nam đã giải quyết được các đợt dịch lớn do sinh vật gây hại như: Phòng trừ sâu đục thân hại lúa; bệnh đạo ôn; sâu đục thân và bệnh gỉ sắt cà phê; trừ sâu năn; bệnh vàng lụi; sâu cắn gié…, nhất là 2 đợt dịch rầy nâu (1977 – 1979 và 1988 – 1992). Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) gắn với nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn cần được ứng dụng trên diện rộng. Ảnh: Kim Anh. Đứng trước thách thức của biến đổi khí hậu, sinh vật gây hại ngày càng thay đổi, không còn theo quy luật như trước đây. Hiện nay, sinh vật hại cây trồng bao gồm sâu, bệnh và cỏ dại đang ngày càng gia tăng, tạo ra thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp. Hiện một số sinh vật gây hại mới nổi là châu chấu tre hại rừng tre, nứa, luồng, lúa, ngô; lúa cỏ; tuyến trùng trên lúa; rầy, rệp sáp giả hại xoài; rầy xanh hại sầu riêng hay bệnh chết ngược cành, thối rễ xuất hiện trên cây sầu riêng. Ngoài ra, cũng xuất hiện nhiều sinh vật gây hại ngoại lai như: Bệnh lùn sọc đen phương Nam; bệnh chồi cỏ mía; sâu keo mùa thu; sâu đục lá cà chua Nam Mỹ; bệnh khảm lá sắn, thối gốc khoai lang, rụng lá cao su… Thời gian qua, các loại thuốc BVTV hóa học đóng vai trò quan trọng trong việc phòng chống sinh vật hại cây trồng. Tuy nhiên, việc phụ thuộc quá nhiều vào thuốc BVTV hóa học dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho môi trường, làm suy giảm đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của hệ sinh thái. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu đang làm tăng mức độ phức tạp của các dịch hại. Vì vậy, GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam cho rằng, cần có những giải pháp BVTV vừa hiệu quả, vừa thân thiện với môi trường. GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam đặt vấn đề về nhu cầu cấp thiết “đi tắt, đón đầu” các công nghệ mới để bảo vệ,  nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Ảnh: Kim Anh. Vấn đề này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải “đi tắt, đón đầu” các công nghệ mới để bảo vệ cây trồng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Điển hình là việc ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để nghiên cứu tác nhân gây bệnh hại cây trồng hay tạo và sử dụng các giống cây trồng kháng sâu bệnh, kháng thuốc trừ cỏ bằng công nghệ gen; nghiên cứu, phát triển công nghệ sản xuất các sản phẩm thuốc BVTV sinh học… Bên cạnh đó, trong định hướng nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ lĩnh vực BVTV thời gian tới, cần quan tâm dự báo tình hình phát sinh, gây hại của các loài sinh vật mới. Đồng thời, phát triển và sản xuất, thương mại các loại KIT giúp chẩn đoán nhanh, phục vụ giám định ngay tại địa phương các loại bệnh virus, phytoplasma hại cây trồng. Đi sâu nghiên cứu phương pháp, quy trình nhân nuôi quy mô lớn sinh vật có ích và phóng thích trên đồng ruộng. Ngoài ra, việc quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) gắn với nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính… cũng cần được ứng dụng trên diện rộng. Song song đó, đảm bảo sản xuất hiệu quả, thúc đẩy bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Riêng đối với vùng ĐBSCL, trong bối cảnh các địa phương đang đẩy mạnh phát triển Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, GS.TS Nguyễn Văn Tuất cho rằng, ngành BVTV phải làm sao áp dụng các gói kỹ thuật để giảm thiểu chi phí đầu vào. Đặc biệt là thuốc BVTV hóa học, thay vào đó là các loại thuốc BVTV sinh học hoặc thảo dược. Thời gian qua, Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam đã có những nghiên cứu, tìm kiếm các sản phẩm thuốc BVTV sinh học tiềm năng, có cơ hội mở rộng sản xuất số lượng lớn để đưa vào sản xuất, hướng đến năm 2030 cắt giảm 30% thuốc BVTV hóa học. Đây vừa là thách thức, cũng là cơ hội để các nhà khoa học tận tâm, phát triển và hiện thực hóa những nghiên cứu của bản thân. Cần sớm có thị trường thương mại hóa thiên địch Từ ngày 2 – 3/8 tại Trường Đại học Cần Thơ đã diễn ra Hội nghị Khoa học Bảo vệ thực vật Quốc gia 2024 với chủ đề “các giải pháp bảo vệ thực vật tiên tiến cho nông nghiệp bền vững”. Các chuyên gia cho biết, quản lý sâu hại cây trồng hiện nay được thực hiện theo các chương trình phòng chống tổng hợp (IPM) và quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM). Trong đó, phòng chống sinh vật gây hại bằng biện pháp sinh học là nội dung cốt lõi của 2 chương trình trên và là giải pháp thân thiện được lựa chọn cho sản xuất nông nghiệp bền vững. Các loại sâu hại thường rất khó thực hiện các biện pháp phòng trừ do không được phát hiện kịp thời, đúng lúc. Ảnh: Kim Anh. Theo TS Nguyễn Văn Liêm, Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, việc nghiên cứu về thành phần, vai trò và ứng dụng thiên địch trong phòng chống sinh vật gây hại cây trồng ở nước ta đã được tiến hành từ những năm 1970 và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Thiên địch được hiểu là kẻ thù tự nhiên của sâu hại, đóng vai trò quan trọng trong điều hòa số lượng sâu hại cây trồng trong hệ sinh thái nông nghiệp. Nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật cho thấy, nước ta có nguồn tài nguyên thiên địch rất phong phú, với ít nhất 1.124 loài/dạng côn trùng ăn thực vật và nhện nhỏ ăn thực vật. Ngoài ra, Viện đã thu thập hơn 600 loài thiên địch trên các cây trồng chính. Trong đó, có nhiều loài được đánh giá là tác nhân sinh học hiệu quả và có tiềm năng sử dụng cao trong phòng chống các loài sâu hại.  Mô hình “ruộng lúa bờ hoa” nằm trong chương trình quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái đang được nhân rộng ở ĐBSCL. Ảnh: Kim Anh. Thực tế thời gian quan, Việt Nam đã có rất nhiều công trình sử dụng thiên địch thành công. Điển hình là sử dụng ong ký sinh để phòng chống bọ cánh cứng hại dừa. Tuy nhiên, để việc sử dụng thiên địch phát huy hiệu quả, phải xác định được ngưỡng hữu hiệu để quản lý sâu hại tốt và xác định thời điểm thả, với mật độ phù hợp. Bên cạnh đó, hiện nay trên cả nước chưa có một cơ sở nhân nuôi thiên địch chuyên nghiệp, quy mô lớn, đòi hỏi phải có sự đầu tư nhiều hơn nữa. Hiện nay, thị trường thiên địch của sâu hại trong nước cũng chưa hình thành, số thiên địch được đưa ra thương mại hóa còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Hơn nữa, các chính sách hỗ trợ cho việc phát triển hệ thống nhân nuôi, duy trì, cung cấp thiên địch cho sản xuất cũng như việc sử dụng thiên địch của bà con nông dân cũng chưa có. Các nghiên cứu về nhân nuôi, ứng dụng thiên địch chưa hoặc không được đầu tư một cách liên tục và dài hạn. Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất, đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu nhân nuôi, chuyển giao thiên địch phục vụ sản xuất song còn gặp nhiều khó khăn do chưa có quy định, cơ chế cụ thể. Ảnh: NNVN. Để phát huy lợi thế của việc sử dụng thiên địch, vấn đề là làm sao để khuyến khích hoạt động của thiên địch trong tự nhiên thông qua các biện pháp canh tác hợp lý, tạo sự đa dạng sinh học trong các ruộng, vườn. Mặt khác, bà con nông dân có thể trồng các loại cây bổ sung thức ăn cho thiên địch. Quan trọng là sử dụng thuốc BVTV hợp lý, khi thật sự cần thiết để duy trì và tạo thuận lợi cho hoạt động của thiên địch trong phòng chống sâu hại.