TIN TỨC

Chăn nuôi an toàn sinh học giúp thảnh thơi ‘né dịch’

Trang trại chăn nuôi bò sữa Hồ Toản là đơn vị tiên phong về chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh. Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Tuyên Quang, hiện toàn tỉnh có 46 cơ sở chăn nuôi được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAHP và GlobalGAP. Số cơ sở được chứng nhận an toàn dịch bệnh là 13 cơ sở/111 trang trại chăn nuôi. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi trên địa bàn có hệ thống xử lý chất thải, an toàn với môi trường đạt 71%. Tuy con số này chưa thực sự lớn so với mặt bằng chung của ngành chăn nuôi tại địa phương này, nhưng đã có nhiều khởi sắc so với những năm trước. Đặc biệt, các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình chăn nuôi quy mô lớn ý thức nghiêm ngặt được vai trò, tầm quan trọng của công tác thú y, an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi. Công ty Cổ phần Hồ Toản, xã Mỹ Bằng, huyện Yên Sơn chăn nuôi hơn 2.700 con bò sữa được nhập khẩu từ Úc, với quy mô 17 chuồng nuôi, 2 nhà vắt sữa, 2 hệ thống xử lý chất thải. Bảo vệ sức khỏe đàn bò, nhiều năm nay công ty chú trọng việc chăn nuôi an toàn dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ người, phương tiện ra vào trang trại và thực hiện các biện pháp sát trùng, khử khuẩn. Trong công tác tiêm phòng, Công ty kiểm soát danh sách bò, bê đến thời gian tiêm phòng theo quy định, tổ chức và xây dựng đội ngũ tiêm phòng chuyên nghiệp để đảm bảo thực hiện tốt nhất công tác tiêm phòng hàng tháng. Đơn vị cũng thực hiện nghiêm việc kiểm soát, giám sát tần suất phun sát trùng chuồng trại, sân chơi, nhà vắt sữa, rải vôi bột tại khu vực trọng yếu, kiểm soát nhân viên sát trùng đảm bảo phun đúng tần suất, đúng kỹ thuật… Ông Lương Duy Toản, Giám đốc Công ty Cổ phần Hồ Toản cho biết, trung bình mỗi ngày đàn bò của công ty cung cấp ra thị trường khoảng 45 tấn sữa. Do đó, nếu không thực hiện tốt công tác thú y, đảm bảo an toàn dịch bệnh không những ảnh hưởng đến sức khỏe của vật nuôi mà chất lượng sữa sẽ không thể đạt yêu cầu của bạn hàng lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chăn nuôi an toàn dịch bệnh giúp nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn ở Tuyên Quang thảnh thơi né dịch bệnh. Ảnh: Đào Thanh. Nhiều năm nay, trang trại chăn nuôi của HTX Sáng Nhung, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương luôn là đơn vị tiên phong trong việc chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Hiện nay, HTX có 3.500 con lợn, gồm 500 con lợn nái và 3.000 con lợn thương phẩm. Đảm bảo đàn lợn không bị dịch bệnh, trang trại thực hiện kiểm soát nghiêm ngặt việc ra vào, trang trại. Trong đó, toàn bộ công nhân làm việc trong trang trại có khu sinh hoạt tập trung, nếu có ra, vào khu chăn nuôi phải cách ly, khử khuẩn trong vòng 3 ngày. Công tác tiêm phòng định kỳ cũng được thực hiện nghiêm túc, đúng thuốc, đúng chủng loại. Nhờ đó trong nhiều đợt cao điểm dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, trang trại luôn né dịch thành công. Anh Nguyễn Ngọc Sáng, Giám đốc HTX Sáng Nhung cho biết, thực hiện nghiêm ngặt việc chăn nuôi an toàn dịch bệnh nên khi có dịch người chăn nuôi sẽ yên tâm hơn về mối lo dịch rình rập, bủa vây. Không có dịch bệnh và thực hiện tốt các biện pháp chăn nuôi theo chuẩn VietGAHP, đến nay HTX có 7 sản phẩm thịt lợn đạt sao OCOP, gồm 3 sản phẩm đạt 4 sao và 4 sản phẩm đạt 3 sao. HTX đang xây dựng đến năm 2025 sẽ có thêm 5 sản phẩm đạt sao OCOP. Thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng Đề án xây dựng và phát triển vùng chăn nuôi An toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024 – 2030. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh tại huyện Sơn Dương và Hàm Yên, tiến tới phát triển thêm các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh với các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi bền vững, chăn nuôi theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn, có chứng nhận nguồn gốc sản phẩm, thu hút đầu tư chế biến sâu ngay tại địa phương phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2030, tại các địa phương triển khai thực hiện Đề án, tỷ trọng chăn nuôi tập trung, giá trị sản xuất chăn nuôi và tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông, lâm nghiệp tăng từ 3 – 5% so với trước khi thực hiện Đề án.