TIN TỨC

Cô gái bại não ngậm đũa vẽ cuộc đời mình

Phan Thị Thu Hằng sinh năm 1995, quê ở thôn Phú Thuận Hợp, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Cô không chỉ được biết đến là một chủ tiệm in đam mê vẽ mà còn là một tấm gương sáng vượt lên hoàn cảnh để theo đuổi ước mơ cuộc đời mình. Phan Thị Thu Hằng, cô gái nhỏ bé đầy nghị lực. Ảnh: NVCC. Sinh ra đã mắc căn bệnh bại não, lên lớp 6 bị liệt toàn thân, ký ức tuổi thơ của Hằng là những ngày tháng tập làm quen với bệnh tật, là những niềm mơ ước được khỏe mạnh như bao bạn bè đồng trang lứa. Năm lên lớp 6, Hằng quyết định nghỉ học vì tự ti trước bạn bè. “Tay phải bị liệt khiến tôi không thể viết, tôi sợ các bạn cười chê. Gia đình đưa đi chữa chạy khắp nơi nhưng đều vô vọng”, Phan Thị Thu Hằng nhớ lại. Thời gian đó, Hằng chỉ quanh quẩn ở nhà nhưng luôn cảm thấy biết ơn vì có gia đình bên cạnh chăm sóc và động viên. Ngày qua ngày, cô gái ấy dần quen với cuộc sống hiện tại và bắt đầu nhen nhóm niềm đam mê mới của cuộc đời mình. Tay phải bị liệt hoàn toàn, Phan Thị Thu Hằng chăm chỉ tập luyện và tự học vẽ bằng tay trái. Đối với cô, vẽ không chỉ là niềm vui mà nó còn đem lại thu nhập. Hằng hay đăng bán các bức tranh lên các hội nhóm người khuyết tật để dành tiền mua máy tính phục vụ việc học. Ảnh: NVCC. Với tài hội họa, Thu Hằng đã đoạt giải ba cuộc thi Vẻ đẹp hoa xương rồng năm 2019 do Hội Bảo trợ người tàn tật – trẻ mồ côi Câu lạc bộ Phụ nữ tự lực thành phố Hà Tĩnh tổ chức. Đây là phần thưởng to lớn bởi nó giúp Hằng tự tin, vượt lên chính mình. Cũng từ cuộc thi này, cô đã được kiến trúc sư Nguyễn Vĩnh Tiến nhận dạy vẽ miễn phí tại lớp học của anh ở Hà Nội. Tuy nhiên, Hằng đã quyết định từ chối cơ hội đó bởi việc đi lại vốn rất khó khăn với cô. Thu Hằng tại cuộc thi Vẻ đẹp hoa xương rồng 2019. Ảnh: NVCC. Năm 2018, Thu Hằng bắt đầu với đam mê thiết kế đồ họa nhưng đến năm 2021, cô mới dám nghĩ đến việc học bộ môn này. Trăn trở của Hằng là làm sao có thể sử dụng máy tính khi hai bàn tay của mình bị liệt. Hằng nảy ra ý tưởng ngậm đũa vào miệng rồi mượn máy tính của bố bấm thử. Mỗi ngày, cô đều ngồi gõ phím bằng một chiếc đũa ngậm trong miệng, thao tác chuyển động chuột bằng tay trái yếu ớt. Hằng tâm sự: “Ban đầu, việc đánh máy rất chậm. Mỗi khi tập luyện, răng miệng đau buốt suốt mấy ngày liền. Mất 2 đến 3 tháng tôi mới quen được điều đó”. Khi đã thuần thục, cô gái nghị lực này mới bắt đầu hành trình thực hiện ước mơ. Hằng ngày, cô dành ra 4 đến 5 tiếng đánh máy làm bài tập. Đã có lúc Hằng muốn bỏ cuộc vì không có tiền để học, miệng đau rát triền miên, nhưng nghĩ tới bản thân, những lời động viên của gia đình, cô tự nhủ nhất định phải vượt qua. Phía sau Hằng luôn có sự cổ vũ từ mẹ và gia đình. Ảnh: NVCC. Niềm hy vọng được thắp lên khi lần đầu tiên Hằng nhận được 1 triệu đồng từ công việc thiết kế đồ họa online, cũng là lúc cô cảm thấy mình phải sống một cuộc đời có giá trị. Sau 2 năm cố gắng, Thu Hằng nhận được chứng nhận kỹ thuật viên thiết kế đồ họa của Trung tâm tin học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và mở tiệm in ấn tại nhà. Tiệm in dù nhỏ nhưng có ý nghĩa to lớn với Hằng. Ảnh: NVCC. Đối với Hằng, nỗ lực của bản thân và sự tin tưởng từ gia đình chính là kim chỉ nam giúp cô vượt qua được mọi khó khăn và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn của cuộc đời mình. Thời gian tới, Hằng vẫn sẽ tiếp tục phát triển kỹ năng chuyên môn của mình. Hơn thế nữa, cô còn ấp ủ giấc mơ giúp những hoàn cảnh khó khăn như mình có cái nhìn tích cực về cuộc sống và tạo được giá trị riêng cho bản thân.