TIN TỨC

Công nghệ blockchain tháo gỡ nút thắt cho người chăn nuôi

Ông Tạ Quang Sáng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Nghệ An trực tiếp kiểm tra mô hình tại huyện Đô Lương. Ảnh: Việt Khánh. Xu thế tất yếu Những năm qua dịch bệnh trên đàn gia cầm chuyển biến khó lường kéo theo tâm lý ái ngại của số đông hộ nuôi tại địa bàn tỉnh Nghệ An. Lo ngại nguy cơ tiềm ẩn, hàng loạt trang trại tại các huyện trọng điểm như Yên Thành, Đô Lương, Thanh Chương… đã chủ động giảm đàn. Giữa bộn bề áp lực, việc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An ứng dụng hiệu quả công nghệ blockchain được xem là câu trả lời thỏa đáng cho bài toán khó. Dù mới mẻ nhưng công nghệ blockchain đã thỏa mãn mục tiêu chăn nuôi gà số hóa, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái, đặc biệt là mang lại thu nhập cao cho đối tượng thụ hưởng. Theo ghi nhận của phóng viên Nông nghiệp Việt Nam, từ nguồn kinh phí chương trình Khuyến nông địa phương, năm 2024 Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An đã xây dựng mô hình “Chăn nuôi gà thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAHP, ứng dụng công nghệ blockchain” tại xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương với quy mô 2.700 con gà Hồ lai, thời gian kéo dài trong 4 tháng. Quá trình khảo sát trước đó, Trung tâm Khuyến nông đã lựa chọn hộ anh Nguyễn Công Hải để “chọn mặt gửi vàng”. Tham gia mô hình gia đình được hỗ trợ 50% (giống gà Hồ lai, vật tư thức ăn hỗn hợp, dung dịch hóa chất sát trùng, vacxin phòng bệnh, chế phẩm sinh học), hỗ trợ 100% chi phí tư vấn đánh giá VietGAHP. Ngược lại bên thụ hưởng phải cam kết thực hiện nghiêm túc các yêu cầu đặt ra, từ đó đảm bảo đối ứng đầy đủ, kịp thời. Công nghệ blockchain mang lại nhiều khác biệt. Ảnh: Việt Khánh. Đáng nói, trước khi đưa gà về nuôi, hộ trực tiếp tham gia mô hình cùng nhiều hộ dân khác trên địa bàn xã Thịnh Sơn đã được tập huấn đầy đủ quy trình kỹ thuật, từ xây dựng, vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị con giống, thức ăn, quy trình vacxin, các tiêu chí áp dụng quy trình VietGAHP, cách ứng dụng công nghệ blockchain đều được cán bộ chuyên môn hướng dẫn chi tiết, rạch ròi theo hướng cầm tay chỉ việc. Giống gà Hồ lai được cấp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, có giấy kiểm dịch chất lượng con giống, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các cơ sở sản xuất kinh doanh uy tín hàng đầu. Dù vậy thời điểm thả giống thời tiết trên địa bàn Nghệ An tương đối bất thuận, nắng nóng kéo dài triền miên phần nào ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của đàn gà, từ đó kéo theo một số dịch bệnh như cầu trùng, bệnh về hô hấp. Tuy nhiên tỷ lệ nhiễm bệnh không cao, chỉ dao động trong khoảng 5 – 10%, được sự hướng dẫn của cán bộ chỉ đạo kỹ thuật, hộ nuôi đã kịp thời xử lý, điều trị đúng quy trình vacxin nên cơ bản khóa trong phạm vi hẹp. Khác biệt Mô hình nuôi gà ứng dụng công nghệ blockchain cho kết quả khá mỹ mãn, gà phát triển nhanh, tỷ lệ sống đạt trên 95%, trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 2,6 kg/con. Trang trại của anh Hải thu tổng sản lượng gần 7.000 tấn gà, với giá bán 80.000 đồng/kg vị chi thu về gần 550 triệu đồng. Tính ra chỉ sau 4 tháng gia đình lãi ròng hơn 133 triệu đồng, bên cạnh đó được cấp chứng nhận đạt các tiêu chí VietGAHP. Anh Nguyễn Công Hải thừa nhận công nghệ blockchain có nhiều tiện ích, giúp các bên thu thập, lưu trữ và truyền tải dữ liệu (số hóa) dễ dàng. Đến kỳ xuất bán thông tin hiện diện rộng khắp trên các kênh bán hàng điện tử, người mua hàng có thể theo dõi, nắm bắt nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm mọi lúc, mọi nơi. Không chỉ có thế, công nghệ blockchain còn giúp người chăn nuôi chủ động kiểm soát các chỉ tiêu về môi trường, giống, thức ăn, những yếu tố sống còn quyết định trực tiếp thành bại. “Lần đầu tiên gia đình nuôi gà thịt tiêu chuẩn VietGAHP quy mô lớn, mức đầu tư cao nên cũng có phần đắn đo, lo ngại. Nhờ sự trợ giúp của cán bộ phụ trách chuyên môn, kết hợp ứng dụng công nghệ blockchain những nút thắt dần được tháo gỡ, áp lực được giảm tải đi nhiều. Gà giống khoẻ mạnh, được nuôi dưỡng đúng quy chuẩn, tiêm phòng vacxin đầy đủ nên phát triển ổn đinh, tỷ lệ sống cao. Chỉ sau 4 tháng áp dụng công nghệ blockchain, trang trại của anh Hải thu lãi hơn 133 triệu đồng. Ảnh: Việt Khánh. Blockchain là xu hướng công nghệ đột phá, từ kết quả thực tiễn chúng tôi đã liên hệ với Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng (NFSI ) đăng ký tài khoản sử dụng phần mềm này vào quy trình chăn nuôi để truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo nguyên tắc “từ trang trại đến bàn ăn”. Trang trại đã chủ động lập kế hoạch sản xuất, tạo mã nội bộ, danh mục vật tư, thiết lập giai đoạn, công việc định kỳ… hộ nuôi căn cứ vào đó để dễ bề hạch toán”, anh Hải nhấn mạnh. Ông Nguyễn Hồng Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Sơn khẳng định đây là mô hình chăn nuôi gà thịt theo tiêu chuẩn VietGAHP quy mô, ứng dụng công nghệ blockchain đầu tiên trên địa bàn. Từ hiệu quả thực tiễn, địa phương sẽ tiếp tục đề xuất nhân rộng mô hình, thu hút nhiều hộ tham gia hơn nữa.