COP29: 300 tỷ USD/năm cho các nước nghèo ứng phó biến đổi khí hậu
Các phái đoàn vỗ tay sau khi thỏa thuận nâng mức cam kết hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với biến đổi khí hậu lên 300 tỷ USD/năm vào năm 2030 được thông qua tại hội nghị thượng đỉnh COP29 ngày 24/11. Ảnh: Reuters. Thỏa thuận, được ký kết trong “phút bù giờ” tại hội nghị kéo dài 2 tuần ở thủ đô của Azerbaijan, nhằm tạo động lực cho các nỗ lực quốc tế trong việc kiềm chế sự nóng lên toàn cầu trong một năm nóng được ghi nhận là nóng nhất trong lịch sử. Một số phái đoàn đã hoan nghênh thỏa thuận trên tại hội trường toàn thể COP29, trong khi nhiều phái đoàn khác chỉ trích các quốc gia giàu có vì đã không đóng góp nhiều hơn và chỉ trích nước chủ nhà Azerbaijan vì đã vội vã thông qua thỏa thuận gây tranh cãi này. “Tôi rất tiếc phải nói rằng tài liệu này không gì một ảo ảnh quang học”, đại diện phái đoàn Ấn Độ Chandni Raina phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị thượng đỉnh, vài phút sau khi thỏa thuận được đưa ra. “Theo ý kiến của chúng tôi, điều này sẽ không giải quyết được mức độ nghiêm trọng của thách thức mà tất cả chúng ta đang phải đối mặt. Do đó, chúng tôi phản đối việc thông qua tài liệu này”. Ông Simon Stiell, Thư ký điều hành Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), thừa nhận rằng các cuộc đàm phán để đạt được thỏa thuận này là không hề dễ dàng, song ca ngợi kết quả này như một “chính sách bảo hiểm” cho nhân loại trước sự nóng lên toàn cầu. “Đó là một hành trình khó khăn, nhưng chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận”, ông Stiell nói. “Thỏa thuận này sẽ giữ cho phát triển năng lượng sạch tiếp tục bùng nổ và bảo vệ hàng tỷ người dân trên thế giới. Tuy nhiên, giống như bất kỳ chính sách bảo hiểm nào, nó chỉ hiệu quả nếu phí bảo hiểm được thanh toán đầy đủ và đúng hạn”. Thỏa thuận sẽ nâng mức cam kết hỗ trợ của các nước giàu hơn lên mức 300 tỷ USD/năm vào năm 2030. Con số này tăng so với mức 100 tỷ USD hiện do các quốc gia giàu có cung cấp theo một cam kết sắp hết hạn, cũng như cao hơn so với mức 250 tỷ USD được đề xuất trong dự thảo thỏa thuận hôm 22/11. Thỏa thuận này cũng đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh khí hậu vào năm tới, được tổ chức tại rừng nhiệt đới Amazon của Brazil, nơi các quốc gia dự định vạch ra kế hoạch hành động vì khí hậu trong thập kỷ tới. Các cuộc đàm phán dự kiến kết thúc trong ngày 22/11, nhưng đã kéo dài đến ngày 24/11 khi đại diện từ gần 200 quốc gia quyết tâm đạt được một thỏa thuận. Các cuộc đàm phán đã bị gián đoạn trong ngày 23/11 khi một số nước đang phát triển và các quốc đảo rời khỏi bàn đàm phán trong sự thất vọng. “Chúng tôi sẽ chỉ nhận được một phần nhỏ trong số tiền tài trợ mà các quốc gia dễ bị tổn thương do khí hậu đang rất cần. Số tiền này không đủ, nhưng đây là một khởi đầu”, Tina Stege, phái viên về khí hậu của Quần đảo Marshall, nói. “Tôi đã hy vọng vào một kết quả tham vọng hơn. Nhưng thỏa thuận này cung cấp một cơ sở để xây dựng”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nói về thỏa thuận COP29.