COP29 đề xuất tăng 10 lần mức đầu tư để giảm thiểu rủi ro khí hậu
Khai mạc Hội nghị COP29 tại Azerbaijan. Ảnh: Sean Gallup. Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP29) đã chính thức khai mạc ngày 11/11 tại Baku, Azerbaijan. Hội nghị sẽ kéo dài đến hết ngày 22/11 với sự tham gia của trên 51.000 đại biểu. Mục tiêu chính của Hội nghị lần này là thống nhất về số tiền cần dành ra hằng năm để giúp các quốc gia đang phát triển ứng phó với các vấn đề liên quan đến khí hậu. Theo đó, các quốc gia được kỳ vọng sẽ thay thế cam kết dành 100 tỷ USD/năm lên mức 1.000 tỷ USD/năm cho các nước đang phát triển, phần lớn dưới dạng viện trợ không hoàn lại thay vì cho vay. Trong bối cảnh tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, con số 100 tỷ USD cam kết vào năm 2009 được cho là đã không còn đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế. Nếu được thông qua, mục tiêu mới mang tên “Mục tiêu định lượng chung mới về tài chính khí hậu” (NCQG) được thảo luận tại COP29 sẽ có hiệu lực từ năm 2025. Tuy nhiên, vấn đề tài chính không hề dễ dàng. Hai quốc gia đóng góp lớn là Mỹ và Đức đang đối mặt với bất ổn chính trị, làm lung lay cam kết hỗ trợ, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Các quốc gia nghèo, dù chỉ thải ra 4% tổng lượng khí nhà kính, lại phải chịu áp lực giảm phát thải, trong khi họ thiếu cả nguồn lực và cơ sở hạ tầng để từ bỏ năng lượng hóa thạch. Chủ tịch Viện Tài nguyên Thế giới, ông Ani Dasgupta, lên tiếng chỉ trích các nước giàu khi nhấn mạnh rằng họ “trở nên giàu có nhờ gây ô nhiễm” nhưng lại ít chịu trách nhiệm hỗ trợ các nước nghèo trong việc chuyển đổi sang năng lượng sạch. Một trong những tiếng nói mạnh mẽ nhất đến từ ông Chukwumerije Okereke – Giám đốc Trung tâm Khí hậu và Phát triển Nigeria, theo TTXVN. Ông đưa ra cảnh báo: “Nếu chúng ta thất bại trong việc đạt được mục tiêu tài chính, thì đó chính là ký vào ‘bản án tử’ cho nhiều quốc gia đang phát triển”. Mặc dù COP29 thiếu sự tham dự của nhiều lãnh đạo hàng đầu thế giới, nhưng hội nghị vẫn là nơi nuôi dưỡng hy vọng và quyết tâm chung. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nhấn mạnh: “Mỗi phần nhiệt độ được ngăn chặn sẽ giảm đi một cuộc khủng hoảng, ít đi một thảm họa, và bớt đi những cuộc di cư”.