Đầu tư 50.000 tỷ đồng cho giai đoạn khởi động dự án cảng biển Trần Đề
Sóc Trăng Cảng biển Trần Đề với 2 hạng mục đầu tư là bến cảng ngoài khơi và khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics, giai đoạn khởi động dự án cần nguồn vốn 50.000 tỷ đồng.
Ngày 6/1, ông Lâm Văn Mẫn, Bí Thư Tỉnh ủy Sóc Trăng và ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng. Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chủ trì cuộc họp nghe báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề thuộc cảng biển Sóc Trăng. Ảnh: Kim Anh. Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng ông Lâm Văn Mẫn xác định, cảng biển Trần Đề có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của tỉnh và cả vùng ĐBSCL. Do đó, tỉnh đã dồn sức, quan tâm, xúc tiến và tranh thủ mọi nguồn lực để triển khai dự án. Ông Mẫn đề nghị đơn vị tư vấn phối hợp với UBND tỉnh và các Bộ, ngành thúc đẩy các quy hoạch liên quan đến cảng biển Trần Đề để đảm bảo các điều kiện pháp lý, đảm bảo dự án sớm được phê duyệt. Tỉnh Sóc Trăng xác định, việc xây dựng bến cảng biển Trần Đề, thuộc cảng biển Sóc Trăng là rất cần thiết. Góp phần tháo gỡ nút thắt trong hoạt động vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu. Trọng tâm là giảm chi phí logistics cho các địa phương vùng ĐBSCL. Vùng hấp dẫn trực tiếp là 8 tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau và TP Cần Thơ. Tại Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/09/2021, cảng biển Sóc Trăng được phân loại là cảng biển loại III, thuộc nhóm cảng biển số 5. Quy hoạch tiềm năng thành cảng biển đặc biệt khi hình thành cảng cửa ngõ vùng ĐBSCL tại huyện Trần Đề. Bản đồ quy hoạch tổng thể mặt bằng bến cảng Trần Đề. Ảnh: CMB. Theo đại diện đơn vị tư vấn là Công ty Cổ phần Tư vấn Xây dựng công trình hàng hải (CMB), một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư khu bến cảng Trần Đề. Giai đoạn khởi động dự án có nhu cầu vốn lên đến 50.000 tỷ đồng, với mục tiêu phục vụ xuất nhập khẩu hàng hóa trực tiếp cho toàn vùng ĐBSCL, tăng cường kết nối, giảm chi phí vận tải và khối lượng hàng hóa tiếp chuyển lên các cảng biển Đông Nam bộ. Bến cảng Trần Đề bao gồm 2 hạng mục đầu tư là bến cảng ngoài khơi Trần Đề và khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics. Dự án được phân chia thành 5 dự án thành phần. Trong đó, bến cảng ngoài khơi Trần Đề dự kiến xây dựng cầu cảng chiều dài 5.300m phục vụ tàu container trọng tải lên đến 100.000 DWT, tàu hàng rời 160.000 DWT. Giai đoạn khởi động, 2 bến có năng lực cho tàu tổng hợp 800m, container trọng tải đến 100.000 DWT và 2 bến phao chuyển tải hàng rời (than) cho tàu trọng tải đến 160.000 DWT. Ngoài ra, bến cảng ngoài khơi còn được xây dựng hệ thống kè/đê chắn sóng dài 9.800m, trong đó giai đoạn khởi động là 4.000m. Cầu vượt biển dài 17,8km. Cầu dẫn kết nối cầu vượt biển với bến cảng giai đoạn khởi động dài 1,85km. Diện tích mặt bằng cảng khoảng 435ha. Nạo vét khu nước trước bến, bể cảng, luồng tàu, vũng quay tàu và hệ thống báo hiệu hàng hải đồng bộ. Đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác đảm bảo hoạt động khai thác cho toàn bộ khu cảng cho từng giai đoạn. Đối với khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics có tổng diện tích dự kiến khoảng 4.000ha. Các hạng mục cơ sở hạ tầng của khu này gồm san lấp mặt bằng, xây dựng đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện động lực, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thông tin liên lạc để kêu gọi nhà đầu tư thuê cơ sở hạ tầng. Các Sở, ban ngành tỉnh đóng góp ý kiến cho đơn vị tư vấn hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề. Ảnh: Kim Anh. Theo đánh giá sơ bộ, tổng mức đầu tư xây dựng khu bến cảng Trần Đề giai đoạn hoàn thành theo phương án giá cát khai thác mỏ là gần 154 nghìn tỷ đồng. Còn theo phương án giá cát theo thị trường là trên 186 nghìn tỷ đồng. Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đánh giá, các dữ liệu trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề tương đối đầy đủ, cơ bản, cụ thể và rõ ràng. Các chỉ tiêu quy hoạch cũng được tính toán đầy đủ, thống nhất. Ông Lâu đề nghị đơn vị tư vấn cần làm rõ thêm về tính hiệu quả cũng như tác động của dự án đối với tỉnh và cả vùng ĐBSCL. Dự kiến, khi doanh nghiệp đầu tư vào bến cảng Trần Đề sẽ được hưởng một số ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp như: Hưởng thuế suất ưu đãi 5% trong thời gian 37 năm; Miễn thuế 6 năm, giảm 50% số thuế phải nộp trong 13 năm tiếp theo. Nhà đầu tư cũng miễn thuế nhập khẩu đối hàng hóa tạo tài sản cố định như máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải chuyên dùng, vật tư, vật liệu, linh kiện trong nước chưa sản xuất được. Miễn tiền thuê đất, thuê mặt nước 22 năm và giảm 75% tiền thuê đất, mặt nước cho thời gian còn lại. Đề xuất thời gian giao đất, cho thuê đất là 70 năm. Thời gian giao khu vực biển là 30 năm, thời gian giao mặt biển gia hạn thêm 20 năm và tiếp tục sử dụng diện tích đất hình thành sau khi lấn biển theo quy định của Luật đất đai. Khấu hao nhanh, tăng mức chi phí được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.